ĐBP - Những năm gần đây, đời sống văn hoá, văn nghệ của người cao tuổi trên địa tỉnh đang ngày càng phát triển sâu rộng. Nhiều câu lạc bộ múa, hát… được thành lập đã thu hút đông đảo hội viên tham gia, qua đó không chỉ giúp người cao tuổi thêm năng lượng tích cực để sống vui, sống khoẻ mà còn góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”.
Những điệu múa dù không còn dẻo dai những vẫn uyển chuyển nhẹ nhàng; những lời ca dù không còn trong trẻo nhưng vẫn mang đậm tiếng lòng của sự đam mê… đó là hình ảnh mỗi chiều cuối tuần tại nhà văn hóa phường Na Lay (TX. Mường Lay) mà những người cao tuổi thuộc Đội văn nghệ Bảo tồn thị xã nơi đây thường xuyên tập luyện.
Đội văn nghệ Bảo tồn thị xã với các thành viên chủ lực là người dân hiện sinh sống tại phường Na Lay. Đây là một trong những đội thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ mỗi khi phường, thị xã tổ chức hoạt động lễ, tết hoặc các hội thi, hội diễn. Đặc biệt, trong thời gian qua, Đội cũng đã xây dựng chương trình văn hóa trang phục; giới thiệu ẩm thực, bản sắc dân tộc Thái trắng Mường Lay, được giới thiệu trên sóng Đài truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh. Bà Hoàng Thị Hạnh, thành viên Đội Bảo tồn TX. Mường Lay chia sẻ: Tham gia tập luyện văn nghệ tôi thấy khỏe hơn nhiều. Đây cũng là nơi để chúng tôi chia sẻ những tâm tư của người cao tuổi. Chưa dừng lại ở đó, khi đã là niềm đam mê, tôi và các thành viên còn truyền dạy điệu múa, lời ca, hát dân gian của đồng bào dân tộc Thái cho các thành viên khác và các cháu thanh thiếu niên với mong muốn bảo tồn và phát triển.
Ở TX. Mường Lay, thời gian qua phong trào văn hóa, văn nghệ của người cao tuổi luôn phát triển mạnh mẽ. Tất cả các chi hội đều có đội văn nghệ, thu hút hàng trăm hội viên tham gia. Bà Lò Thị Lả, Ban đại diện Hội Người cao tuổi TX. Mường Lay cho biết: Hội Người cao tuổi thị xã hiện có gần 1.500 hội viên. Dù mỗi hội viên có điều kiện sống khác nhau nhưng ai nấy cũng đều lạc quan trong cuộc sống. Điều này được thể hiện qua các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng như tinh thần nêu gương “Tuổi cao, gương sáng” của mỗi thành viên ở khu dân cư nơi sinh sống.
Theo bà Lò Thị Lả, với đặc thù là người Thái trắng, các câu lạc bộ, đội văn nghệ ở TX. Mường Lay phần lớn tập trung vào các tiết mục múa dân tộc. Ngoài ra, câu lạc bộ (CLB) còn sưu tầm, học các bài hát cổ, như: Mời rượu, mừng nhà mới, khắp mạng của người Thái trắng. Mặc dù đều đã cao tuổi nhưng mỗi tuần một buổi, các thành viên câu lạc bộ đều tạm gác việc riêng, có mặt đầy đủ để cùng nhau luyện tập. Các thành viên trong CLB nhiệt huyết với hoạt động câu lạc bộ không chỉ vì yêu thích, niềm vui tuổi già mà còn là sự trăn trở gìn giữ, truyền lại những nét văn hóa của dân tộc cho thế hệ sau. Những tiết mục hát múa của CLB đều là những bài hát múa truyền thống trên nền tính tẩu của dân tộc Thái trắng, trong đó nhiều bài múa cổ được câu lạc bộ phục dựng.
Tại TP. Điện Biên Phủ, với phần lớn những người cao tuổi là cán bộ hưu trí, bởi vậy, phong trào văn hóa, văn nghệ càng phát triển mạnh mẽ hơn. Điển hình như CLB Tiếng hát người cao tuổi 7/5; CLB người cao tuổi TP. Điện Biên Phủ… Bà Nguyễn Thị Phương, CLB Tiếng hát người cao tuổi TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Tiền thân là đội văn nghệ phường Mường Thanh, sau một thời gian hoạt động tích cực, năm 2011, đội thành lập CLB Tiếng hát người cao tuổi TP. Điện Biên Phủ, từ 15 thành viên ban đầu đến nay CLB đã thu hút được hơn 30 thành viên. Đáng quý nhất là có những thành viên đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia sinh hoạt. Cứ vào tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần, các thành viên trong CLB lại tập trung tại sân UBND phường Mường Thanh để sinh hoạt, tập luyện văn nghệ. Dù đã bước vào tuổi xế chiều, nhưng niềm đam mê ca hát, nhiệt huyết với phong trào văn hóa, văn nghệ vẫn luôn thúc giục chúng tôi tham gia đều đặn các buổi sinh hoạt. Bởi với chúng tôi, văn nghệ là hoạt động mang lại niềm vui cho tuổi già, mỗi buổi luyện tập còn là cơ hội để chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện, động viên nhau sống tốt, làm gương cho con cháu học tập.
Quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho người cao tuổi, hàng năm, Hội Người cao tuổi các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ tạo sân chơi bổ ích, tập hợp đông đảo người cao tuổi tham gia. Tiêu biểu như: Liên hoan Nghệ thuật người cao tuổi cụm thi đua; Liên hoan tiếng hát người cao tuổi cấp tỉnh; Liên hoan tiếng hát người cao tuổi toàn quốc…
Mới đây, tại Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi cấp tỉnh năm 2023, trải qua 5 lần tổ chức, Liên hoan ngày càng thu hút đông đảo cán bộ, hội viên tham gia. Qua đánh giá của Ban Tổ chức, với 75 tiết mục mang đến liên hoan, đa phần các tiết mục đều có sự chuẩn bị công phu, bài bản, đậm bản sắc văn hóa dân tộc và hơi thở cuộc sống của người cao tuổi. Việc tổ chức Liên hoan là hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tạo điều kiện cho các CLB văn hóa văn nghệ của người cao tuổi trong toàn tỉnh được giao lưu, học hỏi lẫn nhau, từng bước nâng cao chất lượng và trình động nghệ thuật quần chúng, mở rộng và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống, khơi gợi và giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh; từ đó góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nói về phong trào văn hóa, văn nghệ của người cao tuổi, bà Bùi Thị Hương, Trưởng ban Đại diện Hội người cao tuổi tỉnh khẳng định, đời sống vật chất, tinh thần của người cao tuổi những năm qua đã được toàn xã hội quan tâm đúng mức. Thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ sẽ tiếp thêm động lực để mỗi người cao tuổi chúng tôi cảm thấy yêu đời, yêu người và sống có ích hơn.