Người về hưu trước năm 1995: Kỳ vọng tăng lương tiệm cận mức sống tối thiểu

09:12 - Thứ Hai, 01/04/2024 Lượt xem: 4825 In bài viết

Trước thông tin thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024 sẽ đi kèm với điều chỉnh lương hưu, người về hưu kỳ vọng sẽ được hưởng mức lương mới tăng hơn hiện tại. Đặc biệt, hiện có một bộ phận người về hưu trước năm 1995 có mức lương hưu thấp hơn bình quân chung, đang rất mong muốn mức tăng lương mới tiệm cận với mức sống tối thiểu, giúp họ trang trải những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.

Người về hưu trước năm 1995 mong muốn được tăng lương để bảo đảm chi phí sinh hoạt.

Lương thấp, chi phí cao

Với việc Quốc hội thông qua Nghị quyết số 104/2023/QH15 (ngày 10-11-2023) về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, theo đó, từ ngày 1-7-2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Cùng với cải cách tiền lương là điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng,... đang gắn với lương cơ sở.

Để xác định lương hưu sẽ tăng bao nhiêu phần trăm, còn phải chờ có văn bản quy định chi tiết của Chính phủ. Tuy nhiên, với những người đang hưởng lương hưu, nhất là những người nghỉ hưu từ năm 1995 trở về trước, họ rất mong chờ mức lương hưu được điều chỉnh tăng thêm phù hợp mặt bằng chung và bảo đảm cuộc sống. Bởi do đặc thù của chính sách tiền lương giai đoạn trước năm 1995, cùng các quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội tại thời điểm đó, nên phần lớn người lao động nghỉ hưu, nghỉ việc theo chế độ mất sức lao động giai đoạn này có thời gian làm việc ngắn và mức tiền lương trước khi nghỉ việc thấp, vì vậy tiền lương hưu rất thấp.

Bà Vũ Bích Sạn (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân) nghỉ hưu từ năm 1991, qua nhiều lần tăng lương, đến nay bà đang lĩnh 4,2 triệu đồng/tháng. Số tiền lương hưu này chỉ đủ cho bà Sạn tiêu dùng cho các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu. "Người già nhu cầu ăn uống cũng không nhiều, tôi hạn chế mua sắm đồ dùng cá nhân mới. Tuy nhiên, những chi phí cho việc thăm hỏi họ hàng hay đi tàu xe khi về quê đều rất cần thiết nên phải dành dụm dần để dùng khi cần,...”, bà Sạn chia sẻ.

Còn ông Đặng Mạnh Trình (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng) về hưu từ năm 1988 theo diện mất sức lao động. Ông Trình cho biết: “Tháng 7-2023, trong đợt điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, tôi được tăng lương hưu lên 3 triệu đồng vì thuộc đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995. Trong tình hình giá cả tiêu dùng luôn biến động theo xu thế tăng cao như hiện nay, mức lương hưu 3 triệu đồng/tháng không đủ để trang trải chi tiêu nên tôi mong muốn được tăng thêm cho phù hợp mặt bằng chung và bảo đảm cuộc sống”.

Xem xét tăng lương hợp lý nhằm giảm chênh lệch

Khoản 5, Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về mức hưởng lương hưu thấp nhất khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là bằng mức lương cơ sở. Từ ngày 1-7-2024, việc bãi bỏ lương cơ sở đã mở đường cho một cơ chế mới trong việc xác định mức hưởng lương hưu. Chính phủ sẽ có văn bản quy định cụ thể hoặc hướng dẫn cách xác định mức hưởng lương hưu thấp nhất.

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hiện cả nước có gần 3,4 triệu người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Tỷ lệ hưởng lương hưu thấp nhất là 45%, cao nhất là 75% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội của người lao động. Người hưởng lương hưu từ Quỹ Bảo hiểm xã hội có mức bình quân là 5,6 triệu đồng/người/tháng, còn người hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, một bộ phận người về hưu trước năm 1995 như kể trên, có mức lương hưu dưới 4,7 triệu đồng/người/ tháng là thấp so với mức bình quân chung nên rất cần được quan tâm, xây dựng chính sách phù hợp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ thực tiễn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đối với đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ trước ngày 1-1-1995 cho thấy, mức hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng của nhóm đối tượng này tương đối thấp. Quá trình thực hiện các chính sách cải cách tiền lương, cải cách bảo hiểm xã hội từ trước đến nay, các cơ quan chức năng luôn nhấn mạnh quan điểm “quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ”.

Do đó, trong ba nhóm đối tượng được đề xuất tăng lương hưu từ ngày 1-7-2024, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đều kiến nghị tăng với mức hợp lý nhằm giảm phần chênh lệch giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm cải cách chính sách tiền lương. Trong đó, nhóm người nghỉ hưu trước năm 1995 cần được hưởng chính sách đặc biệt để nâng mức hưởng lương hưu lên cao hơn nữa.

Trong khi các cơ quan liên ngành đang trao đổi về mức tăng lương hưu hợp lý trong khả năng cân đối ngân sách trước khi trình Chính phủ quyết định, nhiều người về hưu trước năm 1995 đều mong muốn mức tăng bảo đảm tiệm cận với mức tăng giá cả các mặt hàng tiêu dùng sinh hoạt. Đặc biệt, cơ quan chức năng cần xem xét thêm những chính sách hỗ trợ người lương hưu thấp, người có hoàn cảnh khó khăn được mua nhu yếu phẩm cần thiết ở các địa điểm bán hàng bình ổn giá.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top