Vấn đề kỳ này

Bảo vệ tốt nhất tính mạng người lao động

17:05 - Thứ Hai, 19/08/2024 Lượt xem: 2931 In bài viết

ĐBP - Người lao động là tài sản quý giá nhất của doanh nghiệp. Người lao động làm việc trong môi trường an toàn, đảm bảo vệ sinh lao động, được trang cấp đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động… là yêu cầu bắt buộc, cần phải có với mỗi doanh nghiệp. Việc bảo đảm ATVSLĐ được quy định trong các văn bản của luật, Nghị định, thông tư… và có tính ràng buộc rất cao giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Tuy nhiên, nơi này nơi kia, lúc này lúc khác, việc bảo đảm ATVSLĐ ở không ít đơn vị, doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn bị xem nhẹ. Đây là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết người hoặc bị thương nặng, mất khả năng lao động, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình, xã hội.

6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh xảy ra 4 vụ tai nạn lao động trong khu vực có quan hệ lao động (có hợp đồng ký kết giữa chủ lao động và người lao động theo đúng quy định của pháp luật), làm 4 người chết, bị thương 1 người. So với cùng kỳ năm 2023, số người chết tăng 2 người, số người bị thương tăng 1 người. Các vụ tai nạn lao động chết người xảy ra thuộc công trường của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6; Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh; Công ty TNHH Tuấn Đạt Điện Biên và Công ty Bảo Nguyên Tây Bắc; Công ty cổ phần Xây lắp điện Tuần Giáo.

Với môi trường làm việc không theo hợp đồng lao động (nghĩa là người lao động không trực tiếp ký kết lao động với chủ doanh nghiệp), 6 tháng đầu năm xảy ra 11 vụ tai nạn lao động, làm 5 người chết, 6 người bị thương nặng. Trong đó, tai nạn giản đơn trong nông nghiệp 4/11 vụ, tai nạn lao động giản đơn trong xây dựng nhà cửa 7 vụ. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ tai nạn lao động tăng 2 vụ, số nạn nhân tăng 2 người, số người chết tăng 4 người, người bị thương nặng tăng 2.

Điều này cho thấy, vấn đề mất ATVSLĐ (cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực không theo hợp đồng lao động) đang trở nên báo động. Càng đáng lo ngại hơn, khi số liệu báo cáo trên chỉ là của 90 đơn vị, doanh nghiệp. Trong khi theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.250 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Trong số nhiều đơn vị, doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động thì cũng có không ít doanh nghiệp (chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ) không ký hợp đồng với người lao động mà thường thuê khoán công việc, khoán qua một đầu mối nào đó chịu trách nhiệm rồi người đó lại thuê khoán lại nhân công theo ngày hay theo khối lượng công việc cụ thể, trả tiền công theo thoả thuận. Điều này dễ dẫn đến mất ATVSLĐ; cơ quan chức năng khó kiểm soát, thống kê được số người lao động có việc làm thường xuyên, ổn định hay không? Khi không may xảy ra tai nạn lao động, người lao động thường thua đơn thiệt kép. Không những thế, khi người trực tiếp ký hợp đồng lao động với chủ doanh nghiệp, sau đó thuê lại nhân công làm việc theo ngày, theo khối lượng mà không ràng buộc pháp lý bởi hợp đồng lao động, họ sẵn sàng nợ tiền, “bùng” tiền người lao động một cách dễ dàng mà pháp luật khó can thiệp. Vụ một số người dân xã Mường Báng và thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa nhiều lần viết đơn kiện chủ doanh nghiệp là một Công ty làm Thuỷ điện trên địa bàn xã Trung Thu gần đây là ví vụ rõ ràng nhất.

Còn người là còn của, người làm ra của chứ của không làm ra người. Do vậy, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khoẻ cho nguời lao động là ưu tiên hàng đầu, cần được chú trọng và thực hiện một cách nhất quán.

Với doanh nghiệp, cần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật trong ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ lao động cho người lao động. Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và phương tiện bảo hộ cá nhân cho người lao động theo đúng quy định. Hàng năm, tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động; kịp thời thăm hỏi, động viên người lao động gặp khó khăn, hoạn nạn để họ yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Về phía người lao động cần chủ động tìm hiểu, học hỏi các kiến thức liên quan về ATVSLĐ để đảm bảo an toàn cho bản thân trong quá trình làm việc.

Với cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, chính quyền các cấp, chỉ đạo, vận động, tuyên truyền các doanh nghiệp chấp hành đúng quy định về công tác ATVSLĐ; thực hiện thanh tra, kiểm ta chuyên ngành đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng. Cùng với đó, chỉ đạo và thực hiện việc khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động, sự cố gây mất an toàn lao động nghiêm trọng một cách kịp thời, nghiêm túc. Với những đơn vị, doanh nghiệp không chấp hành các quy định về ATVSLĐ, cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top