Góc nhìn – Tiêu điểm

Chủ quan với bệnh dại

07:11 - Thứ Bảy, 01/04/2023 Lượt xem: 6203 In bài viết

ĐBP - Ngày nghỉ cuối tuần, tôi đến chơi nhà một người anh làm phó chủ tịch một xã của huyện Điện Biên. Được nửa tuần trà thì anh có điện thoại. Qua nội dung trao đổi giữa anh với người gọi điện, tôi đoán được câu chuyện liên quan đến một con chó nghi bị dại cắn người. Sau cuộc điện thoại, anh phó chủ tịch xã quay sang nói với tôi: Ở bản gần đây có người bị chó cắn từ trước, hôm nay con chó đã chết. Con chó bị chết thì đã được tiêm vắc xin dại, còn người bị cắn thì chưa tiêm phòng dại, đến bây giờ mới cuống lên. Rồi anh lại tiếp tục nhấc điện thoại gọi cho thú y viên, trưởng bản chỉ đạo một số việc cần làm ngay.

Từ câu chuyện người bị con chó nghi mắc dại cắn, tôi chột dạ khi nhớ lại những thông tin về tình hình liên quan đến bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua tại một số địa phương đã xuất hiện bệnh dại trên chó. Thậm chí đã có người chết do bị chó dại cắn. Đó là 2 người ở huyện Mường Nhé, tử vong trong tháng 10/2022. Cả 2 trường hợp đều chưa tiêm vắc xin phòng dại. Ngay trong tháng 10/2022, cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu ngẫu nhiên để xét nghiệm, thì có 2 mẫu đầu chó trên địa bàn huyện Mường Nhé (trong đó 1 mẫu ở xã có người bị tử vong) cho kết quả dương tính với vi rút dại.

Mặc dù bệnh dại có dấu hiệu phức tạp song thực tế nhiều người dân còn rất chủ quan trước nguy cơ của loại bệnh nguy hiểm này.

Trước hết là sự chủ quan trong nuôi chó, mèo. Nhiều người nuôi chó, mèo nhưng lại không tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi. Vì thế số lượng chó, mèo được tiêm phòng rất thấp. Đơn cử ngay như địa bàn huyện Điện Biên - nơi có xã mới xảy ra trường hợp người nghi bị chó dại cắn kể trên, theo thống kê có tổng đàn chó, mèo gần 26.000 con nhưng chỉ có hơn 8.900 liều vắc xin phòng dại được đăng ký. Có nghĩa là chỉ có hơn 8.900 con chó, mèo được tiêm phòng. Trong khi tiêm phòng dại cho chó, mèo là biện pháp đầu tiên trong phòng chống bệnh dại. Khi chó, mèo được tiêm phòng thì nguy cơ mắc dại sẽ giảm đi.

Sự chủ quan thứ hai là việc nhiều nhà nuôi chó thả rông, không rọ mõm. Tại bất kỳ địa bàn nào, từ khu đô thị đến vùng nông thôn chúng ta đều dễ dàng gặp chó thả rông trên đường. Chó chạy rông không chỉ gây khó khăn trong việc quản lý và tổ chức tiêm phòng dại mà còn là nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn cho người đi xe đạp, xe máy.

Sự chủ quan thứ ba là không đi tiêm vắc xin phòng ngừa sau khi bị chó, mèo cắn. Nhiều người có suy nghĩ rằng chó, mèo đã được tiêm phòng rồi thì không sao. Trong khi nhiều trường hợp thì chỉ theo dõi con chó cắn người, nếu thấy con chó đó bị chết mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng. Theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, đây là suy nghĩ không đúng, bởi hầu hết các trường hợp tử vong vì bệnh dại là do người bệnh không tiêm ngừa dại. Do đó tiêm ngừa dại ngay sau khi bị chó, mèo cắn là đặc biệt cần thiết, càng sớm càng tốt.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm do vi rút dại lây từ động vật có vú sang người thông qua tiếp xúc với vết thương hở, dẫn đến nhiễm trùng não. Trong đó, nguồn lây từ chó nhiễm vi rút dại là lớn nhất (chiếm 84%).

Theo kết luận của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, trong giai đoạn 2017 - 2021 bệnh dại là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, ngoại trừ dịch sởi (năm 2014), và dịch Covid-19 (năm 2021). Tỷ lệ tử vong là 100% khi bệnh nhân đã lên cơn dại.

Công tác phòng chống bệnh dại sẽ không khó nếu nhận thức, ý thức của mỗi người dân được nâng cao.

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top