Để bớt đi những rủi ro, sự cố đau lòng

07:33 - Thứ Bảy, 08/04/2023 Lượt xem: 6927 In bài viết

ĐBP - Làm nghề y đã vất vả, chăm sóc sức khỏe về tâm thần cho bệnh nhân còn khó khăn, vất vả hơn. Thế nhưng, 11 năm qua (kề từ khi thành lập - tháng 4/2012) Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên phải mượn tạm cơ sở vật chất của Bệnh viện Phổi tỉnh; hoạt động trong cùng một khuôn viên mà không có sự phân tách nào. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực nhiều thời điểm còn thiếu thốn; dẫu vậy, các y, bác sĩ Bệnh viện luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao...

Tổ Công tác xã hội thường xuyên phối hợp với một số cá nhân và các nhà từ thiện trao tặng quà, cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện. Ảnh: C.T.V

Chúng tôi đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh vào một ngày tháng 3. Không phải là lần đầu đến làm việc, song cảm nhận lần này thì khác hẳn. 10 năm trước, chia sẻ của các y, bác sĩ với chúng tôi là niềm vui, sự hứng khởi và hi vọng về một tương lại xán lạn... Hôm nay, vẫn trong khuôn viên mượn tạm ấy, nhưng cơ sở vật chất của cả hai bệnh viện (Bệnh viện Phổi tỉnh và Bệnh việc Tâm thần tỉnh) đều đã cũ, dù không gian vẫn thoáng đãng, sạch sẽ, gọn gàng...

Đón chúng tôi với đôi chút trầm tư, sau một vài trao đổi tinh thần công việc, chúng tôi được cùng đồng chí Hoàng Đình Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh và các y, bác sĩ đến thăm khám cho các bệnh nhân điều trị nội trú. Các phòng bệnh đều khá đông bệnh nhân; có cả trẻ em, thanh niên và người cao tuổi. Gần như bệnh nhân nào cũng có người nhà chăm sóc. Trong suốt quá trình thăm khám tại các phòng bệnh, cùng với kiểm tra sức khỏe thông thường là những lời hỏi thăm, cử chỉ quan tâm rất ân cần, gần gũi của các y, bác sĩ. Nhìn sự vui vẻ, thân tình, thoải mái trao đổi, trò chuyện của bệnh nhân và người nhà với các y, bác sĩ, chúng tôi có cảm giác như những người thân với nhau vậy.

Bệnh nhân L. V. D đã điều trị tại Bệnh viện 28 ngày, sẽ được ra viện vào ngày 28/3, vui vẻ nói: Các y bác sĩ quan tâm, cho uống thuốc, khám bệnh nên em khỏe rồi. Mai em về nhà, lại đi làm kiếm tiền còn lấy vợ nữa. Lần đầu em vào viện là từ năm 2013; sau khi ra viện em về xã nhận thuốc uống hàng ngày. Cuối năm ngoái bố em mất, buồn quá; lại thêm bỏ không uống thuốc nên phát bệnh, phải nhập viện điều trị. Trước khi nhập viện, em bị đau đầu, mất ngủ, lúc nhớ lúc quên, hay tức tối muốn đập phá cái gì đó. Biết là tái phát bệnh rồi, nên 2 anh trai phải đưa em vào đây ngay; khi bệnh đã ổn định, một anh mới về nhà.

Anh Liềm Văn Thái, ở huyện Tủa Chùa, đang chăm sóc người nhà điều trị tại Bệnh viện chia sẻ: Chăm sóc bệnh nhân thông thường đã khó; chăm sóc bệnh nhân có vấn đề về sức khỏe tâm thần càng khó hơn. Là người thân, nhiều khi cũng cảm thấy nản. Thế mới thấy, các y, bác sĩ lúc nào cũng chăm sóc vài chục bệnh nhân vất vả đến nhường nào. Gia đình tôi rất biết ơn các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh, đã luôn tận tâm, kiên nhẫn chăm sóc người nhà chúng tôi. “Chăm sóc người bệnh này lúc nào cũng như chăm sóc trẻ nhỏ. Mọi việc đều phải lưu tâm, không bao giờ được quên nhắc và giám sát bệnh nhân uống thuốc, theo dõi sức khỏe hàng ngày. Đặc biệt, khi đã thấy có dấu hiệu phát bệnh thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế...” - anh Thái chia sẻ thêm.

Có 24 năm công tác trong ngành y và chuyên khoa về bệnh sức khỏe tâm thần; cũng là một trong những cán bộ gắn bó với Bệnh viện Tâm thần tỉnh từ ngày thành lập, bác sĩ Lương Văn Sáng, Phó Giám đốc Bệnh viện thấu hiểu mọi khó khăn, vất vả của nghề. Bác sĩ Sáng chia sẻ: Phải làm trong nghề mới có thể thấu hiểu được hết những khó khăn, vất vả của công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân tâm thần. Đây là một trong những lĩnh vực khó: Khó về chuyên môn, khó về tuyển dụng và khó cả về điều kiện ưu tiên. Gần đây xảy ra một vài vụ việc nghiêm trọng do bệnh nhân tâm thần phát bệnh ngoài cộng đồng đã khiến dư luận xã hội quan tâm hơn; nó cũng là điều khiến y, bác sĩ rất trăn trở. Thực tế là, chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần đòi hỏi cả cộng đồng, chứ không chỉ riêng ngành Y tế. Sau thời gian điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân cần được sự quan tâm chăm sóc, chia sẻ của gia đình, cộng đồng để đảm bảo uống thuốc đầy đủ, đúng giờ, thăm khám định kỳ và theo dõi, vào điều trị kịp thời khi có dấu hiệu phát bệnh... Trong khi thực tế, tỉnh ta còn nghèo, chưa có trung tâm chăm sóc bệnh nhân tập trung; phần lớn bệnh nhân là người nghèo, trong khi phải điều trị lâu dài. Nhận thức của nhân dân, cộng đồng xã hội về bệnh sức khỏe tâm thần chưa đúng, nên vẫn còn tình trạng kỳ thị, dấu bệnh. Thậm chí, là vì thiếu hiểu biết, mê tín dị đoan nên không ít trường hợp bệnh nhân được gia đình chữa bệnh bằng cúng bái, dẫn đến vào viện khi đã nặng... Bác sĩ Sáng nói vui: “Ở chỗ chúng tôi, y bác sĩ bị bệnh nhân mắng là chuyện hết sức bình thường...”.

Dù còn nhiều khó khăn song những năm qua, các y, bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên được thành lập ngày 4/4/2012 theo Quyết định số 240/QĐ-UBND tỉnh; với chức năng, nhiệm vụ khám, thu dung, điều trị cho bệnh nhân tâm thần, phòng chống rối nhiễu tâm trí dẫn đến tâm thần cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện kỹ thuận; song y, bác sĩ Bệnh viện đã nỗ lực khắc phục; thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bệnh viện hiện có 7 khoa, phòng; với 34 người (trong đó 9 bác sĩ: chuyên khoa I, chuyên khoa II và chuyên khoa định hướng). Với chỉ tiêu 40 giường bệnh, nhưng thực tế Bệnh viện đang kê 52 giường bệnh. Năm 2022, Bệnh viện thực hiện khám, điều trị cho gần 6.000 lượt người; trong đó, điều trị nội trú 720 lượt bệnh nhân (đạt 108,3% kế hoạch); số ngày điều trị khỏi bệnh trên 1 bệnh nhân là 16,6; công suất sử dụng giường bệnh đạt 105%. Công tác bảo vệ sức khỏe tâm thần cộng đồng được Bệnh viện triển khai tại 129/129 xã, đạt 100% kế hoạch; trong đó, 99 xã triển khai lồng ghép và cấp phát thuốc đạt 100% kế hoạch. Thực hiện tốt công tác quản lý và điều trị cho bệnh nhân tâm thần tái hòa nhập cộng đồng; Bệnh viện đã làm bệnh án tâm thần phân liệt mới cho 41 bệnh nhân và hiện đang quản lý 975 bệnh nhân tâm thần. Bệnh viện cũng làm bệnh án cho 59 bệnh nhân động kinh mới, đạt 118% kế hoạch và đang quản lý điều trị 974 bệnh nhân động kinh (đạt 108%).

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Đình Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh chia sẻ: Trong điều kiện chung của tỉnh, ngành Y tế còn nhiều khó khăn; với cơ sở vật chất hiện tại đã đáp ứng các hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, điều kiện này chưa đáp ứng được theo yêu cầu chuyên ngành trong quản lý bệnh nhân tâm thần; gây khó khăn trong công tác quản lý bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân tâm thần thể di chứng; bệnh nhân động kinh; bệnh nhân động kinh tâm thần (với các triệu chứng hoang tưởng, kích động, đập phá... dẫn đến trốn viện; có thể có những ảnh hưởng tiêu cực nguy hại đến bản thân người bệnh, gia đình người bệnh, cộng đồng). Đã không ít lần y, bác sĩ Bệnh viện, người nhà bệnh nhân phải ứng phó với trường hợp bệnh nhân mất kiểm soát. Có trường hợp, người nhà chỉ ra ngoài vài phút, thì bệnh nhân đã bỏ đi đâu không biết. Trong khi, khuôn viên Bệnh viện lại chung với Bệnh viện Phổi tỉnh và quanh bệnh viện là khu dân cư đông đúc... Vậy là, toàn bộ y, bác sĩ và người nhà phải tức tốc đi tìm rất lâu mới thấy... Rất may, chưa có sự cố do bệnh nhân kích động gây hậu quả nghiêm trọng.

Sau cuộc làm việc, hình ảnh, lời nói của bác sĩ Hoàng Đình Thịnh cứ neo mãi trong tôi. Vẻ trầm tư như nén tiếng thở dài, ông Thịnh chỉ tay vào cái tay vịn cầu thang bằng innox nối tầng 1 và tầng 2 Bệnh viện với chi chít vết lồi lõm, cong vẹo, bảo: “Những dấu vết này là do bệnh nhân khi mất kiểm soát gây ra đấy...”.

Được biết, hiện nay trong bối cảnh xã hội phát triển, áp lực về cuộc sống tăng lên, số lượng bệnh nhân mắc tâm thần cũng ngày một lớn. Để đáp ứng yêu cầu thực tế công tác chăm sóc, điều trị và quản lý bệnh nhân; nhiều tỉnh thành lớn trong cả nước, ngoài quan tâm đầu tư bệnh viện sức khỏe tâm thần, cón có trung tâm nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần. Với những tỉnh ít bệnh nhân hơn, điều kiện kinh tế khó khăn... đã xem xét thực hiện mô hình “2 trong 1” khi đầu tư bệnh viện tâm thần bao gồm cả bộ phận thực hiện chức năng, nhiệm vụ nuôi dưỡng và phục hồi chức năng cho bệnh nhân tâm thần.

Hi vọng, trong thời gian không xa, dù còn nhiều khó khăn, song Bệnh viện Tâm thần tỉnh Điện Biên sẽ được quan tâm đầu tư nhiều hơn về mọi mặt; để công tác chăm sóc sức khỏe về tâm thần cho nhân dân tốt hơn; hạn chế những rủi ro, hậu quả đau lòng có thể xảy ra khi người bệnh kích động, mất kiểm soát; và cũng là để những y bác sĩ thêm niềm tin, động lực tiếp tục khắc phục khó khăn, gắn bó với nghề...

Mai Thủy
Bình luận
Back To Top