Bán thuốc kê đơn… không cần đơn

15:57 - Thứ Hai, 07/08/2023 Lượt xem: 4781 In bài viết

Gọi điện thoại đặt hàng hoặc ra thẳng nhà thuốc, đọc tên và hàm lượng là mua được loại thuốc mong muốn, bất kể đó là thuốc thuộc diện phải được bác sĩ kê đơn. Tình trạng này đã tồn tại từ nhiều năm qua, tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng.

Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc trên địa bàn quận 7, TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng

Cần là có

Có người nhà mắc bệnh tiểu đường type 2, chị Nguyễn Khanh thường xuyên mua thuốc Mixtard 30 - một loại thuốc trị tiểu đường bắt buộc phải có đơn chỉ định của bác sĩ. Liên hệ qua tổng đài hệ thống nhà thuốc Long Châu, chị Khanh được hướng dẫn đặt hàng và đến nhà thuốc Long Châu trên đường Bùi Minh Trực (quận 8, TPHCM) để nhận. Tại đây, chị được nhân viên bán thuốc giao hàng ngay mà không hỏi đến đơn thuốc. Cũng với cách tương tự, chị Khanh có thể mua thuốc Mixtard 30 ở các nhà thuốc khác trên địa bàn TPHCM mà không gặp trở ngại nào. “Các nhà thuốc còn giao thuốc tận nhà mà không yêu cầu khách hàng có đơn chỉ định của bác sĩ”, chị Khanh cho biết.

Tìm mua thuốc điều trị tăng huyết áp cho người nhà, anh Trần Lê Nguyên đến nhà thuốc Pharmacity trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) và dễ dàng mua được 2 loại thuốc Prolol Savi 10, Stadovas 5mg; đồng thời mua được cả các loại kháng sinh như Novofungin 250mg, Flagyl 250mg… mà không cần đơn thuốc chỉ định của bác sĩ.

Thông tư số 07/2017/TT-BYT của Bộ Y tế đã quy định rõ 2 danh mục thuốc được bán tại các nhà thuốc gồm thuốc bán phải có đơn của bác sĩ và thuốc bán không cần đơn thuốc. Dù vậy trên thực tế, nhiều nhà thuốc không tuân thủ quy định này. Thời gian qua, Sở Y tế TP Hà Nội, TPHCM đã ra quyết định xử phạt một số đơn vị 30 triệu đồng do vi phạm bán thuốc không cần đơn đối với các mặt hàng thuốc bắt buộc phải có đơn của bác sĩ.

Quản lý đơn thuốc bằng công nghệ

Theo bác sĩ Phan Quốc Bảo, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cơ sở 2, thuốc là hàng hóa đặc biệt, có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người. Do vậy, một số loại thuốc được quy định phải có đơn của bác sĩ mới được phép bán. Tuy nhiên, thực tế không ít người có thói quen mua loại thuốc mình đã sử dụng từ trước đến nay, dù đó là thuốc phải được kê đơn. Điều này rất nguy hiểm bởi sau thời gian điều trị và dùng thuốc, bệnh nhân có thể phát sinh những bệnh lý khác nên cần được khám và cho đơn thuốc mới. Trong khi đó, PGS-TS-BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nêu thực tế người bán thuốc kiêm luôn người khám bệnh diễn ra khá phổ biến. Đây là điều vô cùng nguy hiểm bởi bất cứ thuốc nào cũng có tác dụng phụ, kể cả thuốc không cần kê đơn. Ngoài ra, việc mua bán thuốc, sử dụng thuốc bừa bãi cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng kháng kháng sinh nghiêm trọng hiện nay trong cộng đồng.

Từ năm 2019, Bộ Y tế đã xây dựng đề án và thí điểm vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn nhằm quản lý tình trạng bán thuốc phải có đơn của bác sĩ. Sau khi thực hiện bán, cấp phát thuốc cho người bệnh, phần mềm quản lý cơ sở bán lẻ thuốc gửi báo cáo số lượng đã bán về hệ thống để lưu giữ. Khi người bệnh đến các cơ sở bán lẻ thuốc tiếp theo, cơ sở sẽ nhận được báo cáo về số lượng đã bán của cơ sở trước trên mỗi đơn thuốc từ kho dữ liệu quốc gia này, từ đó sẽ tránh được việc tái bán, hoặc bán quá đơn. Tính từ tháng 1-2023 đến nay, số đơn thuốc đã liên thông trên hệ thống khoảng hơn 40 triệu đơn. Trong khi đó, mỗi năm, các cơ sở y tế trên toàn quốc kê khoảng 400-500 triệu đơn thuốc. Như vậy, số đơn thuốc điện tử đã cập nhật trên hệ thống trong hơn nửa năm 2023 chỉ chiếm khoảng 20% số đơn theo thực tế.

Để triển khai quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, phải có thêm các biện pháp mạnh hơn từ cơ quan quản lý Nhà nước để các quy định của pháp luật được thực thi một cách nghiêm túc, chấm dứt tình trạng mua thuốc kê đơn dễ như mua rau lâu nay. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, tuân thủ nghiêm các quy định về mua - bán thuốc là giải pháp bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân và giảm tình trạng kháng kháng sinh đang trở nên báo động như hiện nay.

Theo quy định tại Điều 40, Nghị định 176/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế: hành vi bán các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn của bác sĩ trong trường hợp không gây ra hậu quả nghiêm trọng đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì dược sĩ chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng; nếu gây tổn hại cho sức khỏe, làm chết người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bán thuốc tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top