Bệnh viện 19-8 dùng nội soi AI phát hiện sớm ung thư

15:49 - Thứ Ba, 26/09/2023 Lượt xem: 5224 In bài viết

Hơn 95% các trường hợp ung thư đại tràng bắt đầu từ polyp, vì vậy, phát hiện sớm, cắt bỏ sớm polyp là biện pháp ngăn ngừa hiệu quả nhất với căn bệnh này hiện nay.

Bệnh viện 19-8 đã chuyển giao kỹ thuật nội soi tiêu hoá với sự hỗ trợ của công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) từ chuyên gia Nhật Bản và đang ứng dụng tại bệnh viện, giúp bác sĩ có thêm "con mắt thứ 3" phát hiện những polyp nhỏ nằm ở vị trí khó nhìn. Nhiều bệnh nhân đã được phát hiện từ giai đoạn tiền ung thư, có cơ hội điều trị khỏi, kéo dài sự sống.

95% polyp đại trực tràng tiến triển thành ung thư

Rất nhiều người có quan niệm sai lầm, nghĩ đơn giản polyp dạ dày, đại trực tràng là bệnh lành tính, không theo dõi định kỳ và không xử lý, chỉ tới khi có triệu chứng mới tới bệnh viện, lúc này nội soi phát hiện polyp đã tiến triển thành ung thư. Theo ThS.BS Nguyễn Việt Dũng, Trưởng Khoa Nội tiêu hoá, Bệnh viện 19-8, tại Bệnh viện đã phát hiện và điều trị cho rất nhiều trường hợp ung thư đại tràng bắt nguồn từ polyp.

ThS.BS Phạm Thị Việt Anh đang nội soi đại trực tràng cho bệnh nhân với sự hỗ trợ của công nghệ AI.

ThS.BSCKI Phạm Thị Việt Anh, Phó trưởng Khoa Nội tiêu hoá cho biết, khoa đang điều trị cho bệnh nhân nam (47 tuổi, Sơn La) phát hiện polyp đại tràng "khủng", có kích thước 5x8cm, đã tiến triển thành ung thư giai đoạn sớm. Theo chia sẻ của nam bệnh nhân, 6 tháng nay anh thường xuyên bị chướng bụng, khó đi ngoài, có lúc buồn nôn nhưng chủ quan không đi khám. Tới khi gầy sút 3kg, anh mới tới bệnh viện thăm khám. Tại Bệnh viện 19-8, nội soi các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có polyp có kích thước lớn kín gần hết lòng manh tràng.

Đây là một trong rất nhiều trường hợp polyp đại trực tràng tiến triển thành ung thư được Bệnh viện 19-8 thực hiện cắt bằng kỹ thuật nội soi. Ngoài ra, bệnh viện còn triển khai nội soi cắt niêm mạc dưới nước (UEMR). Kỹ thuật này điều trị polyp ống tiêu hoá cho nhiều trường hợp bị polyp đại tràng, ung thư đại tràng, có ưu điểm cắt được trọn vẹn khối hơn, tổn thương nhỏ hơn, an toàn hơn, ít biến chứng chảy máu hơn. Kỹ thuật này cắt đến dưới lớp niêm mạc, có thể cắt đến lớp cơ, cắt polyp lớn, kích thước 6cm.

Theo BS Việt Anh, ung thư đường tiêu hoá thường có yếu tố gia đình, đã có trường hợp 14 người trong cùng một gia đình có polyp và đã có người tiến triển thành ung thư. Ngoài yếu tố di truyền, tình trạng đa polyp cũng thường gặp, và những người mắc đa polyp đường tiêu hoá, nguy cơ ung thư cũng rất cao. Khoa Nội tiêu hoá tiếp nhận trường hợp nam (21 tuổi, Thái Bình) đến khám với triệu chứng đau tức bụng, gây sút cân, khó đi ngoài.

Qua nội soi, bác sĩ phát hiện hàng trăm polyp ở dạ dày, kín thành đại tràng, trong đó có nhiều polyp kích thước lớn gây bán tắc ruột. "Chúng tôi không thể cắt được hết, phải chia ra nhiều lần cắt, lần cắt nhiều nhất được 50 polyp lớn có kích thước 2 đến 3cm. Một năm bệnh nhân phải tới viện thăm khám và cắt polyp 2 lần. Trường hợp này nguy cơ ung thư đại tràng là rất lớn", BS Việt Anh cho biết.

Theo chia sẻ của BS Việt Anh, mẹ của nam bệnh nhân cũng trong tình trạng đa polyp ở dạ dày và đại tràng, có nhiều polyp to kín đại tràng và cũng phải chia ra nhiều lần cắt. Cùng với ung thư vú thì ung thư đại trực tràng có tỷ lệ di truyền cao nhất trong các bệnh ung thư.

"Con mắt thứ 3" giúp bác sĩ phát hiện polyp ở góc khuất

Trung bình mỗi ngày, Khoa Nội tiêu hoá - Bệnh viện 19-8 nội soi dạ dày, đại trực tràng cho khoảng 120 ca, trong đó gần 30 trường hợp phải điều trị. Mỗi tháng, Khoa thực hiện cắt polyp đại trực tràng cho hơn 200 ca, tương đương 7 ca mỗi ngày.

Với hơn 95% các trường hợp ung thư đại tràng bắt đầu từ polyp, nội soi hiện là "tiêu chuẩn vàng" để chẩn đoán các bệnh lý về đường tiêu hoá. Vì thế, việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời polyp bằng nội soi cắt hớt niêm mạc, hay cắt tách dưới niêm mạc, giúp bệnh nhân tránh được cuộc phẫu thuật, ngăn chặn nguy cơ polyp tiến triển ung thư hoá.

Được biết, Khoa Nội tiêu hoá, Bệnh viện 19-8 đang triển khai ứng dụng AI vào nội soi tiêu hoá với máy nội soi hiện đại bậc nhất hiện nay. Theo BS Dũng, trong tầm soát polyp đại trực tràng, AI giống như "con mắt thứ 3" hỗ trợ bác sĩ tránh bỏ sót tổn thương cũng như đọc và phân loại được tổn thương cho người bệnh.

"Bác sĩ tiêu hoá tại Việt Nam phải chịu áp lực công việc rất lớn, mỗi ngày nội soi tới vài chục ca. Ở những ca bệnh cuối cùng trong ngày, bác sĩ có những mỏi mệt, AI như người bạn song hành, báo hiệu cho bác sĩ liệu có bỏ sót tổn thương đại trực tràng hay không, đó là tổn thương gì. Đặc biệt, AI còn thể hiện rõ hiệu quả cụ thể, tìm ra những tổn thương nhỏ, nằm ở góc khuất, khu vực khó nhìn, và báo hiệu cho bác sĩ", BS Dũng cho biết.

Theo Trưởng Khoa Nội tiêu hoá, ứng dụng AI trong nội soi, khả năng phát hiện polyp đạt tới trên 95%. Nhờ sự hỗ trợ của AI tích hợp kinh nghiệm hình ảnh bằng video nội soi thực tế, sau 1 tuần triển khai tại Bệnh viện 19-8, các bác sĩ đã được "trợ lực" rất nhiều trong việc phát hiện tổn thương nhỏ hoặc vị trí khó quan sát. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, mang lại hiệu quả rất cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Theo BS Dũng, càng trẻ tuổi phát hiện ung thư, mức độ ác tính càng cao. Vì vậy, BS khuyến cáo những người có mối quan hệ huyết thống bậc 1 như bố mẹ, anh chị em ruột với người có polyp, ung thư đại trực tràng nên đi sàng lọc bằng nội soi. Còn người bình thường nên đi tầm soát bằng nội soi dạ dày, đại trực tràng từ 40 tuổi.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top