Thay đổi lối sống để giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch

17:16 - Thứ Năm, 16/11/2023 Lượt xem: 6012 In bài viết

Tại Việt Nam, mô hình bệnh tật đã có nhiều thay đổi trong những thập kỷ qua, trong đó các bệnh không lây nhiễm đang tồn tại và tiếp tục phát triển mạnh, bao gồm các bệnh lý như: Đái tháo đường, ung thư, tâm thần... và đặc biệt là các bệnh lý tim mạch.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, nếu như trước đây các ca tử vong chủ yếu liên quan đến những bệnh nhiễm trùng, chấn thương, tử vong sơ sinh, thì nay chủ yếu là do các bệnh không lây nhiễm (chiếm tới 81%) mà hàng đầu là bệnh tim mạch. Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 39,5% tổng số ca tử vong và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.

Một ca can thiệp tim mạch tại Viện Tim mạch Việt Nam. 

Theo phân tích của GS, TS Huỳnh Văn Minh, Phó chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, số người mắc bệnh tim mạch gia tăng nguyên nhân chủ yếu là do kiến thức chung của người dân về phòng ngừa các bệnh lý tim mạch còn yếu, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện chưa lành mạnh ở nhiều nhóm dân cư, tỷ lệ người dân đi khám sàng lọc và phát hiện bệnh sớm còn thấp. Điều đáng lo ngại là dân số mắc bệnh tim mạch ngày càng trẻ hóa và gia tăng nhanh chóng. Cùng với đó, khi tuổi thọ con người bình quân tăng lên, đồng nghĩa với số người cao tuổi cũng tăng lên, các bệnh lý tim mạch (nhất là các bệnh lý xơ vữa) cũng gia tăng. Đây là thách thức cho ngành tim mạch Việt Nam.

Hiện nay, ngành tim mạch trên thế giới là một trong những ngành phát triển năng động nhất trong y học. Nhiều bác sĩ tim mạch của Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao nhờ làm chủ các kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo, tham gia hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho một số nước trong khu vực và trên thế giới... Nhờ vậy, người bệnh tim mạch Việt Nam đã được hưởng lợi ích của các tiến bộ khoa học và không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh như trước. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, thời gian tới, các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch vẫn đang có xu hướng gia tăng và là những thách thức lớn cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

“Bệnh tim mạch rất nguy hiểm nhưng có thể ngăn ngừa được bằng cách phát hiện sớm và kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác của bệnh lý tim mạch. Điều này là rất quan trọng vì giúp giảm tới 80% tỷ lệ mắc bệnh lý tim mạch sớm ở người trẻ tuổi hiện nay. Vì thế, mọi người nên vận động đều mỗi ngày 30 phút như đi bộ, đạp xe, bơi lội...; ăn nhiều rau xanh, trái cây; hạn chế đồ ăn nhanh, đồ nhiều chất béo; hạn chế hút thuốc, bia rượu; kiểm soát các bệnh như huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu... để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Mỗi người cần chủ động hơn trong phòng bệnh tim mạch, trong đó, khám sức khỏe định kỳ để đánh giá tình trạng sức khỏe, phát hiện sớm bệnh là rất cần thiết", GS, TS Huỳnh Văn Minh khuyến cáo.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top