Việt Nam có hơn 8,7 triệu người mắc bệnh thận mạn, tuy nhiên, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán bệnh còn rất cao, chỉ có khoảng 4,5-15,5% bệnh nhân giai đoạn 3 được chẩn đoán.
Tại Lễ kỷ niệm Ngày sức khỏe thế giới, ngày thận thế giới và phát động chương trình tầm soát bệnh tim mạch – thận do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Bệnh viện Nội tiết Trung ương phối hợp với Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam tổ chức, TS.BS Hà Anh Đức, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh thận mạn là một bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp, đồng thời là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Tỉ lệ tử vong do bệnh thận mạn chiếm 4,6% số ca mắc trên toàn cầu và nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 vào năm 2017.
Các đại biểu bấm nút khởi động chương trình tầm soát bệnh tim mạch - thận.
Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số. Việt Nam hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.
Tại Việt Nam năm 2019, chi phí quản lý bệnh thận mạn cao hơn GDP bình quân đầu người, và chi phí lọc máu cao gấp 4 lần so với chi phí điều trị bệnh thận mạn ở các giai đoạn sớm. Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế, đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế.
Hàng trăm người dân khám sức khoẻ tầm soát bệnh lý tim mạch và thận mạn tính miễn phí tại chương trình vào sáng 5/4.
Theo ông Đức, tỷ lệ bỏ sót chẩn đoán trên một số đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh thận mạn như tăng huyết áp, đái tháo đường hiện vẫn còn cao.
Tại chương trình, các tổ chức đã phát động dự án hỗ trợ nền tảng sàng lọc và tổ chức khám bệnh, sàng lọc bệnh cho 1.000 người dân có nguy cơ bệnh lý về tim mạch và thận mạn tính, hỗ trợ cài phần mềm chăm sóc sức khỏe, kiểm soát bệnh mạn tính cho hàng trăm người dân.
Dự kiến trong năm 2024, hàng trăm nghìn người dân sẽ được sàng lọc qua nền tảng ứng dụng AI và hơn 20.000 người bệnh sẽ được tư vấn thực hiện xét nghiệm eGFR/ACR và đánh giá bệnh thận mạn.
Chương trình nhằm tuyên truyền rộng rãi tới cộng đồng để phát hiện sớm, chẩn đoán sớm bệnh thận mạn, không để tổn thương nặng và phát hiện khi ở giai đoạn muộn, phải chạy thận nhân tạo.