Kiểm soát chặt nguồn cung

08:51 - Thứ Ba, 30/07/2024 Lượt xem: 4982 In bài viết

Liên tiếp những vụ việc đầu độc gây chết người diễn ra thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi rúng động.

Mới đây là sự việc nhóm người Việt bị đầu độc ở Thái Lan bởi chất độc xyanua. Trong nước, đầu tháng 7-2024, cơ quan điều tra cũng đã bắt giữ một người ở tỉnh Đồng Nai, dùng xyanua đầu độc người thân do mâu thuẫn. Trước đó, tòa án đã xét xử một số vụ án giết người bằng chất độc xyanua với thủ đoạn chung là thủ phạm tìm mua xyanua trên mạng về pha cùng đồ uống để đầu độc nạn nhân.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào mua được xyanua - một chất cực độc, làm người nhiễm độc tử vong rất nhanh?

Thực tế, xyanua là chất rất độc nhưng lại được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là trong khai thác vàng. Ngoài ra, chất này còn được dùng trong sản xuất thuốc trừ sâu. Vì vậy, xyanua không thuộc danh mục hóa chất bị cấm mua bán mà vẫn được lưu thông trên thị trường. Tổ chức kinh doanh hóa chất phải tuân thủ các điều kiện đặc biệt, như bên bán phải có giấy phép, bên mua phải có giấy giới thiệu, công văn có ghi rõ số lượng, mục đích sử dụng… Có thể trong quy trình mua bán này, xyanua đã được tuồn ra sử dụng cho mục đích xấu và cũng vì thế mà việc quản lý khó khăn hơn.

Ngoài những vụ án giết người bằng xyanua còn có những vụ án trả thù, gây tổn hại tài sản, sức khỏe con người bằng axit…

Qua đó có thể thấy, rất nhiều loại hóa chất độc hại, có thể gây hại cho con người, cũng đang được quản lý như vậy. Thậm chí, có loại được mua bán công khai. Điều đó có nghĩa, việc quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất nói chung và hóa chất độc nói riêng cần được thường xuyên rà soát, từ quy định quản lý đến nguồn cung trên thị trường và đối tượng sử dụng.

Theo các chuyên gia, việc kinh doanh, mua bán hóa chất độc nói chung, xyanua nói riêng phải được kiểm soát, song đang thiếu quy định điều kiện cá nhân, tổ chức được mua, sử dụng xyanua; đồng thời cũng không có quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua trước khi bán. Dù pháp luật quy định cụ thể điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép, giấy chứng nhận cho chủ thể kinh doanh, nhưng trên thực tế, việc kiểm soát hoạt động mua bán hóa chất độc hại chưa thật sự chặt chẽ.

Từ những vụ sử dụng chất độc giết người, các chuyên gia kiến nghị, cơ quan quản lý bổ sung thêm điều kiện đối với bên mua, sử dụng hóa chất độc hại, buộc người bán phải kiểm tra người mua giấy phép mua hàng hợp lệ trước khi bán. Đặc biệt, cơ sở kinh doanh không được bán hóa chất độc hại cho người mua cá nhân. Trường hợp một trong hai bên bán hoặc mua hóa chất không đáp ứng điều kiện, giao dịch bị coi là trái phép và phải bị xử lý hình sự. Đồng thời xem xét lại các yêu cầu về giấy phép sản xuất, vận hành, sử dụng an toàn; duy trì hồ sơ bán hàng gồm chủng loại hóa chất, số lượng, tên người mua… Hồ sơ phải lưu trữ và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, giấy phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất do cơ quan quản lý cấp và chia sẻ thông tin với cơ quan công an. Đồng thời, cơ sở kinh doanh định kỳ thông tin với cơ quan chức năng số lượng hóa chất mua bán, lưu trữ tại cơ sở. Quan trọng hơn, cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán, sử dụng hóa chất độc, kịp thời xử lý trường hợp không tuân thủ quy định.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia khi quản lý chất cấm là siết chặt nguồn cung trên thị trường, từ đó kiểm soát số lượng người dùng. Chỉ số ít cơ sở được cấp phép kinh doanh và cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc mua bán, sử dụng hóa chất, bảo đảm sử dụng đúng mục đích và không gây ra hệ lụy cho xã hội.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top