Hành trình nỗ lực đưa vắc xin về bản ở Điện Biên (bài 2)

07:25 - Chủ Nhật, 29/09/2024 Lượt xem: 4993 In bài viết

Bài 2: “Lỗ hổng” miễn dịch cộng đồng

ĐBP - Từ năm 2023 đến nay, cùng với một số địa phương trong cả nước, tại Điện Biên xuất hiện trở lại nhiều ổ dịch bệnh đã được khống chế từ nhiều năm trước. Đa phần đều ghi nhận ở những địa bàn được xác định là “vùng lõm” về công tác tiêm chủng. Trong bối cảnh của một địa phương miền núi thuộc diện khó khăn, không đơn giản là những áp lực đè nặng lên công tác khoanh vùng dập dịch, mà thực trạng này còn đặt ra nhiều vấn đề, cảnh báo xoay quanh những “khoảng trống” trong tiêm chủng mở rộng (TCMR) thời gian qua.

Bài 1: Tiêm chủng mở rộng đối mặt thách thức “kép”

Dịch bệnh diễn biến phức tạp

Dù đã hơn 1 tháng trôi qua, nhưng không khí tang thương vẫn bao trùm lên gia đình chị Chá Thị Dung, xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo). Con gái chị tên Giàng Ngọc N. mất sau khi sinh 7 ngày do bị uốn ván sơ sinh. Điều tra hồi cứu, ngày 9/8/2024, chị Dung đẻ thường tại nhà và được người nhà cắt rốn cho trẻ bằng kéo dùng hàng ngày. Ngày thứ 3 sau sinh, cháu N. xuất hiện sốt, quấy khóc nhiều, bú kém, nôn, thỉnh thoảng có cơn co giật, người tím tái. Đến ngày 14/8/2024, gia đình chị Dung đưa cháu N. đến Trung tâm Y tế huyện Tủa Chùa.

Cán bộ y tế rà soát thông tin trường hợp tiếp xúc với ca bệnh bạch cầu tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông.

Sau quá trình thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán cháu N. bị uốn ván rốn/viêm phổi và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, cháu N. có triệu chứng li bì, sốt cao, tím tái toàn thân, có cơn giật toàn thân khi kích thích… Bác sĩ chẩn đoán cháu N. bị suy hô hấp nặng, theo dõi nhiễm huyết sơ sinh -  uốn ván rốn. Dù đã được điều trị tích cực song cháu N. đã không qua khỏi và tử vong ngày 16/8/2024. Quá trình điều tra tiểu sử và yếu tố dịch tễ cho thấy, cháu N. là con thứ 4 trong gia đình, mẹ cháu N. dù được cán bộ y tế tư vấn, vận động nhưng vẫn quyết định không tiêm vắc xin phòng uốn ván khi mang thai.

Cùng với diễn biến chung của cả nước, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp. Năm 2023, liên tục xuất hiện các ổ dịch bạch hầu ở nhiều địa phương, với tổng số 6 ca mắc, trong đó có 1 người tử vong. Theo thông tin điều tra dịch tễ, ổ dịch thứ nhất xảy ra tại xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) và ca bệnh đầu tiên khởi phát đã tử vong. Ổ dịch thứ hai xảy ra tại xã Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông), ca bệnh phát hiện ngày 12/8/2023, đã được điều trị khỏi bệnh. Ổ dịch thứ ba xảy ra tại xã Huổi Mí (huyện Mường Chà) với 3 ca bệnh, ca đầu khởi phát ngày 23/8/2023, 2 ca tiếp theo vào ngày 26, 27/8/2023, cả 3 ca đều được điều trị khỏi bệnh.

Khuyến cáo phòng bệnh bạch hầu của Bộ Y tế.

Trong bối cảnh một tỉnh miền núi thuộc diện khó khăn, không chỉ ngành Y tế mà các địa phương xuất hiện dịch đã phải dồn lực cho công tác điều tra dịch tễ, khoanh vùng, dập dịch và ngăn chặn nguy cơ tiếp tục lây lan. Sau khi dịch bạch hầu được kiểm soát, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận 514 ca thủy đậu, 3.348 ca cúm, 18 ca viêm não vi rút, 39 ca tay chân miệng, 1 ca lao… Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, tại thành phố Điện Biên Phủ ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh ho gà - đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận trên địa bàn tỉnh trong năm.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, bệnh nhân mắc ho gà là một trẻ em 11 tháng tuổi, sống tại phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Sau khi trẻ xuất hiện triệu chứng ho kéo dài kèm theo sốt, khó thở nhiều ngày, gia đình đã đưa cháu đến cơ sở y tế địa phương và xin chuyển về Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục khám, điều trị. Tại đây, trẻ được chẩn đoán mắc ho gà và đã được điều trị kịp thời.

Người dân bản Pa Ít, xã Huổi Mí, huyện Mường Chà uống kháng sinh dự phòng bệnh bạch hầu.

Sau khi ghi nhận trường hợp này, Sở Y tế đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tiến hành điều tra dịch tễ, xác định các trường hợp tiếp xúc gần và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, xử lý môi trường tại nhà bệnh nhân và các khu vực xung quanh; hướng dẫn người dân tăng cường vệ sinh cá nhân. Rà soát lập danh sách trẻ dưới 24 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin có thành phần ho gà tại địa bàn và xây dựng kế hoạch triển khai tiêm bù, tiêm vét trên diện rộng.

Vấn đề đặt ra

Theo bác sĩ Phạm Đức Tài, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Sự việc đau lòng ghi nhận ở Tuần Giáo không chỉ mới xảy ra, mà thực tế trong nhiều năm qua, tại tỉnh Điện Biên đều có các trường hợp tử vong do uốn ván sơ sinh tại những xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Nguyên nhân được nói đến ở đây là việc không tiêm vắc xin phòng uốn ván, không đến các cơ sở y tế để sinh con và tình trạng đỡ đẻ, cắt rốn, chăm sóc rốn không vô trùng. Cũng chính vì thế, các ca uốn ván sơ sinh trở thành một thách thức trong công tác tiêm chủng tại tỉnh Điện Biên.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm cho người dân bản Đông, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo.

Trường hợp mắc ho gà kể trên cũng không chỉ là một sự kiện y tế đơn lẻ mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng ho gà cho trẻ em. Việc nâng cao nhận thức và thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng sẽ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Không chỉ có riêng Điện Biên, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại các địa phương khác trên cả nước. Đặc biệt, sau đại dịch Covid 19, xuất hiện nhiều chủng vi rút và tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm lây truyền sang người cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại. Những diễn biến phức tạp của thời tiết cũng là tác nhân để các loại dịch bệnh bùng phát, phát sinh. Bởi vậy, ngành Y tế xác định, phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh được coi là giải pháp và phương án tối ưu. Trong đó cần quan tâm đến các bệnh có vắc xin để chủ động tiêm phòng, phòng ngừa được hiệu quả.

Thực tế nhiều năm nay, có không ít chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã được ban hành (Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017, của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết 139/NQ-CP của Chính phủ, Nghị quyết số 104/NQ-CP của Chính phủ…) thể hiện sự ưu tiên trong công tác tiêm chủng. Trên cơ sở đó, chương trình TCMR được triển khai đồng bộ ở tất cả các tỉnh, thành phố, đảm bảo mọi người dân, đặc biệt là trẻ em, đều có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng dựa vào việc cung cấp vắc xin miễn phí, với 11 loại bệnh truyền nhiễm: Lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib, viêm não Nhật Bản B, Rubella, Rota.

Nhìn nhận lại nguyên nhân gây dịch, ngoài những yếu tố khó khăn đặc thù là điều kiện để nhiều loại bệnh tật phát sinh, thì những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai Chương trình TCMR được xem là nguyên nhân quan trọng. Việc bỏ sót mũi tiêm khiến hiệu quả phòng bệnh hạn chế và những “khoảng trống” về vắc xin ngày càng làm rộng thêm “lổ hổng” trong miễn dịch cộng đồng.

Cán bộ y tế tiêm vắc xin phòng bạch hầu cho trẻ em tại xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông.

Nhiều dịch bệnh đã được “xóa sổ” nhờ vắc xin, nay bùng phát trở lại không hẳn nguyên do từ kết quả hạn chế trong công tác tiêm chủng mở rộng. Song thực tế này cũng đặt ra không ít gánh nặng và những vấn đề cần phải nhìn nhận lại. Hơn bao giờ hết, các chiến dịch, chương trình tiêm chủng mở rộng lại càng trở nên cấp thiết, đặc biệt là ở các địa bàn “vùng lõm” về y tế cộng đồng.

Bài 3: Vắc xin vượt núi!

Hà Linh - Minh Thảo
Bình luận
Back To Top