Lượng cơm cho người tiểu đường bao nhiêu là an toàn?

08:35 - Thứ Năm, 31/10/2024 Lượt xem: 3503 In bài viết

Cơm là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày của người Việt. Thế nhưng, đây lại là thực phẩm giàu tinh bột và đường, có thể khiến đường huyết tăng cao. Vậy, lượng cơm cho người tiểu đường bao nhiêu là phù hợp và an toàn?

Người bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn được cơm trắng nhưng không nên tiêu thụ quá mức. Ảnh: Thu Trang

Kiểm soát đủ lượng tinh bột

Hưởng ứng Ngày Phòng, chống đái tháo đường thế giới 14-11, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức chuỗi hoạt động tư vấn dinh dưỡng, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho người bệnh và người nhà người bệnh đái tháo đường đang điều trị tại đây.

Khác với những buổi truyền thông dinh dưỡng thông thường, trong chuỗi hoạt động lần này, ngoài việc được nghe hướng dẫn về dinh dưỡng đối với bệnh đái tháo đường, người bệnh còn được các chuyên gia dinh dưỡng tính toán lượng thực phẩm đúng theo cân nặng, chiều cao và tình trạng bệnh của mình.

Bà Lê Thị H (65 tuổi) - bệnh nhân điều trị bệnh đái tháo đường tại Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: “Từ khi được phát hiện bị bệnh đái tháo đường, bao nhiêu năm nay, tôi vẫn cứ nghĩ mình chỉ được ăn rất ít cơm, thậm chí phải thay thế cơm bằng các thực phẩm khác. Thế nhưng, sau khi được bác sĩ tư vấn và kiểm tra thể trạng, tôi không ngờ mình được ăn 1 bát cơm đầy như vậy”.

Tư vấn dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, cơm trắng là loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate, ít chất xơ và chỉ số đường huyết cao. Điều đó có nghĩa, đây là loại thực phẩm có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Do đó, khi ăn nhiều cơm trắng, lượng đường này sẽ hấp thu nhanh vào máu, làm tăng nguy cơ dẫn đến tiểu đường và làm bệnh trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, Tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, trong bữa ăn của con người rất cần có carbohydrate (cơm). Thiếu carbohydrate cơ thể sẽ trở lên uể oải, ảnh hưởng tới sự nhanh nhạy của bộ não. Ngoài ra, trong cơm cũng rất giàu các loại vitamin D, niacin, canxi, chất xơ, riboflavin, sắt và thiamine. Tất cả những chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể này sẽ tăng cường hệ thống miễn dịch và giúp cân bằng các hoạt động chung của cơ thể.

Vì vậy, người mắc bệnh tiểu đường vẫn có thể ăn được cơm trắng, tuy nhiên không nên tiêu thụ quá mức. Để tránh đường huyết tăng nhanh và thúc đẩy bệnh tiểu đường tiến triển, người bệnh cần kiểm soát chặt chẽ khối lượng và tần suất tiêu thụ loại thực phẩm này.

Theo cử nhân dinh dưỡng Đỗ Át K, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng (Bệnh viện Bạch Mai), điểm cần lưu ý nhất trong chế độ dinh dưỡng bệnh đái tháo đường là cần ăn đa dạng thực phẩm, kiểm soát đủ lượng tinh bột và lựa chọn các loại tinh bột hấp thu chậm (như: Gạo lứt, gạo xát dối…), tăng cường chất xơ. Bên cạnh đó, người bệnh đái tháo đường cũng cần cảnh giác tình trạng hạ đường máu. Do vậy, việc dự trữ những thực phẩm hấp thu đường nhanh cũng rất cần thiết.

Phương pháp ước lượng cơm vừa đủ

Thực tế cho thấy, nhiều người bệnh tiểu đường chỉ ăn nửa bát cơm/bữa nhưng đường huyết vẫn tăng cao. Đây cũng là lý do khiến họ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như: Suy thận, suy tim, đột quỵ, mờ mắt, hoại tử chi. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người bệnh chưa biết cách ăn đúng.

Theo các nghiên cứu khoa học, cơm tẻ trắng là thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (GI = 83). Tuy nhiên, người tiểu đường không nhất thiết phải cắt hoàn toàn tinh bột. Người bệnh vẫn có thể ăn cơm hằng ngày với lượng vừa đủ, phù hợp với thể trạng cơ thể.

Tùy vào chiều cao của từng người mà mỗi người lại có nhu cầu năng lượng khác nhau. Thông thường, đối với bệnh nhân tiểu đường, cần cắt giảm khoảng 10% tinh bột so với nhu cầu năng lượng bình thường mà cơ thể cần. Bù lại, người bệnh nên tăng 10% khẩu phần đạm.

Ngoài ra, tùy vào chiều cao, cân nặng, thể trạng cơ thể mà cần 60g tinh bột (tương đương 1 miệng bát con cơm trắng), 70g tinh bột (1 bát con cơm + 2 thìa nhỏ cơm trắng), 80g tinh bột (2 nửa bát con cơm trắng), 100g tinh bột (2 lần 2/3 bát con cơm trắng). Chẳng hạn, với nữ giới cao trung bình từ 1,51m-1,55m, nặng 50kg cần 70g tinh bột trong 1 bữa chính.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoà, Viện Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng, trong thực đơn dinh dưỡng của bệnh nhân tiểu đường, các món ăn giàu tinh bột như cơm cần phải ăn với lượng phù hợp.Để ước lượng khẩu phần ăn một cách đơn giản, người bệnh có thể sử dụng phương pháp đĩa ăn và phương pháp bàn tay.

Cụ thể là sử dụng một đĩa ăn có đường kính khoảng 20cm, trong đó 1/2 đĩa là rau củ không chứa tinh bột (như: Cải xoong, bắp cải, xà lách, măng tây, cà tím, bông cải xanh, củ cải, cải thảo, su hào, rau chân vịt, đậu bắp, dưa chuột, đậu xanh…); 1/4 đĩa là thực phẩm chứa chất đạm (như: Thịt gà, trứng, cá, bò, heo hoặc các loại đậu, tàu hủ…); 1/4 còn lại nên là các thực phẩm chứa tinh bột (như: Cơm, khoai tây, mì hoặc một cốc sữa) và dùng nước lọc sau bữa ăn.

Ngoài ra, áp dụng phương pháp bàn tay để ước lượng khẩu phần ăn. Cụ thể, trong một bữa ăn, sử dụng lượng chất xơ như rau củ tương đương với kích thước 2 lòng bàn tay. Lượng tinh bột hoặc trái cây tương đương với kích thước 1 nắm tay. Chất đạm (thịt, cá, trứng) tương đương với kích thước 1 lòng bàn tay. Chất béo như bơ, dầu hạt, mỡ cá… tương đương kích thước 1 ngón tay cái và bổ sung thêm 200ml sữa không đường.

Các phương pháp trên giúp ước lượng được lượng cơm cho người tiểu đường và các thành phần dinh dưỡng khác trong bữa ăn. Từ đó, người bệnh có thể kiểm soát tốt lượng đường trong máu, phòng ngừa các biến chứng của bệnh.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top