Video

Tận dụng lợi thế, phát triển vùng trồng cây dược liệu

Thứ Hai, 10/04/2023 21:18 Lượt xem: 6068 In bài viết

ĐBP - Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và tiềm năng, lợi thế sẵn có, nhiều địa phương trong tỉnh đã tận dụng khu vực có địa hình cao, khí hậu đặc thù để trồng cây dược liệu. Dù việc trồng cây dược liệu chưa phát triển rộng rãi và nhiều địa phương đang ở bước áp dụng thử nghiệm, song đó cũng là mô hình phát triển kinh tế mới để đánh giá hiệu quả thực tế, góp phần chuyển đổi có cấu cây trồng, hướng đến nhân rộng các mô hình nông nghiệp ngày càng hiệu quả hơn.

Nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, thung lũng Thèn Pả, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) được thiên nhiên ưu ái khi có nền khí hậu khá mát mẻ, phù hợp để trồng các loại sâm và cây dược liệu. Tận dụng lợi thế đó, HTX 7/5 đã trồng thử nghiệm hơn 2ha cây dược liệu, trong đó tập trung vào nghiên cứu về cây sâm. Những cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, đẳng sâm, cát sâm này dù mới đưa vào nhân giống chưa lâu nhưng đến nay, cây sâm đã phát triển khá tốt. Kết quả bước đầu cho thấy, vùng đất này có điều kiện phù hợp để phát triển cây dược liệu, mở ra tín hiệu tích cực từ một giống cây trồng mới có thể nhân rộng thành vùng nguyên liệu; góp phần vào việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng với thung lũng Thèn Pả, xã Tênh Phông (huyện Tuần Giáo) cũng trở thành địa điểm lý tưởng để một số doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình, cá nhân tiến hành trồng và phát triển diện tích trồng cây dược liệu. Xác định phát triển dược liệu, trong đó tập trung vào trồng cây sâm là một trong những hướng đi mới góp phần chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng nhằm thích hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Tuần Giáo đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia sản xuất, nhân rộng các vùng chuyên canh dược liệu. Đồng thời, khuyến khích và hỗ trợ cho các đơn vị, nhân dân mở rộng diện tích cây dược liệu; tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vùng trồng dược liệu, ứng dụng công nghệ vào quy trình canh tác nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Với khoảng 70% diện tích đất tự nhiên là đất nông, lâm nghiệp và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, tỉnh Điện Biên có điều kiện thuận lợi để phát triển các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp, trong đó có các loại cây dược liệu. Thời gian qua, một số địa phương trong tỉnh như huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Nhé và Nậm Pồ đã tận dụng các lợi thế, điều kiện tự nhiên để phát triển thành vùng trồng cây dược liệu. Đến nay, diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 1.250ha; với các loại cây như: Sa nhân, sơn tra, sả java, tam thất và các loại sâm... Sau một thời gian trồng, hầu hết diện tích cây dược liệu đều sinh trưởng, phát triển tốt; qua đó đã khẳng định sự phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng khu vực với một số cây dược liệu. Đó là một tín hiệu tích cực để nhân rộng các diện tích trồng cây dược liệu nhằm mục đích khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng đất đai, khí hậu của địa phương, đồng thời giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Để việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh được thuận lợi, đạt được hiệu quả, tỉnh Điện Biên đã xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 1772 ngày 26/9/2022. Trong đó, phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý có quy mô, diện tích vùng phát triển dược liệu khoảng 3.980ha ở vùng có độ cao từ 1.000m trở lên so với mực nước biển tại huyện Tuần Giáo, trong đó diện tích có rừng trên 1.740ha, chưa có rừng gần 1.490ha thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp và 750ha đất khác. Dựa trên nền tảng phương án đó cùng với việc Điện Biên là tỉnh có nhiều thế mạnh để phát triển sản xuất nông nghiệp, vậy nên nếu định hướng đúng và tận dụng các lợi thế tự nhiên để phát triển vùng trồng dược liệu về lâu dài sẽ góp phần quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của cây dược liệu, từng bước tạo chuyển biến về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương từ canh tác, sản xuất nông nghiệp.

 

Phạm Quang

Back To Top