Video

Giải pháp nào cho tình trạng tảo hôn ở Điện Biên Đông

Thứ Hai, 17/04/2023 19:53 Lượt xem: 5500 In bài viết

ĐBP - Mặc cho loa phát thanh tuyên truyền đều đặn mỗi ngày; báo, đài đưa tin về những hệ lụy của tảo hôn; cán bộ dân số xuống tận bản làng tuyên truyền... Thế nhưng, từ trong những thôn, bản vùng cao ở Điện Biên Đông, vẫn đâu đó vọng ra lời ru buồn của những người mẹ mới tuổi vị thành niên.

15 tuổi, ở cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" thì em gái này ở xã Keo Lôm đã làm mẹ của đứa trẻ hơn 1 tháng tuổi. Nét ngây thơ vẫn vương trên gương mặt của người mẹ trẻ cũng như sự lúng túng khi tiếp xúc với người lạ. Không ai nghĩ rằng, ở tuổi của em đã gánh thêm thiên chức làm mẹ với bao lo toan cho cuộc sống gia đình.

Cặp vợ chồng trẻ này ở xã Phì Nhừ cũng mới về ở với nhau từ đầu năm 2023. Sau một lần gặp nhau tại phiên chợ xuân, cảm mến rồi rủ về nhà thành vợ chồng khi cả hai vừa tròn 15 tuổi. Lấy chồng sớm, người vợ trẻ đành bỏ học quanh quẩn với việc nhà, đói nghèo lại một vòng quẩn quanh.

Theo thống kê, năm 2022 và quý I/2023, huyện Điện Biên Đông có gần 790 người kết hôn thì có đến 264 người dưới 18 tuổi. Một số xã có tỷ lệ tảo hôn ở mức cao, như: Xa Dung, Na Son, Phì Nhừ, Phình Giàng... Kết hôn sớm rồi thất học, đói nghèo, bạo lực gia đình, suy giảm chất lượng cuộc sống... Một vòng luẩn quẩn cứ mãi đeo đuổi người dân nơi đây.

Trước thực trạng trên, huyện Điện Biên Đông đã tập trung triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, mô hình "Bản không tảo hôn" đã và đang được chú trọng triển khai. Mô hình này được thực hiện tại 3 bản: Tìa Ghênh, Keo Lôm 1, 3 (xã Keo Lôm) và 2 bản: Phì Nhừ B, Háng Pu Xi (xã Phì Nhừ). Tại các bản, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số cơ sở sâu sát đến từng hộ gia đình, trực tiếp tuyên truyền, vận động các hộ ký cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn. Đồng thời, kịp thời phát hiện những trường hợp có nguy cơ để có biện pháp tìm hiểu và phối hợp cùng các lực lượng tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, ngăn chặn.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cũng được huyện Điện Biên Đông coi là giải pháp căn cơ và thực hiện thường xuyên nhằm kéo giảm tình trạng tảo hôn. Trong quý I/2023, cơ quan chuyên môn trên địa bàn huyện đã tổ chức hơn 300 lần tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: thăm hộ, truyền thông nhóm; trao đổi, nói chuyện chuyên đề tại các bản... với hơn 5.000 lượt người tham gia. Nội dung chủ yếu về: Luật Hôn nhân và Gia đình; các kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên, hệ lụy nghiêm trọng của tảo hôn... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này.

Dù nhiều giải pháp đã và đang được nỗ lực triển khai, tuy nhiên, cái khó của huyện Điện Biên Đông nhằm xóa bỏ nạn tảo hôn chính là thiếu cán bộ, bất đồng ngôn ngữ, địa bàn rộng, đi lại khó khăn... Bên cạnh đó là phong tục, tập quán và quan niệm về hôn nhân ăn sâu, bám rễ vào nếp nghĩ qua nhiều thế hệ của đồng bào dân tộc thiểu số. Những lý do đó khiến cho tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại trong nhiều năm qua ở Điện Biên Đông.

Thu Hằng

Back To Top