ĐBP - Đã hơn 2 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên phạm nhân Giàng A Thào tham gia lớp học xóa mù chữ tại Trại giam Nà Tấu (Bộ Công an). Từ một chữ bẻ đôi không biết, giờ đây Thào có thể đọc viết thành thạo, hàng ngày trau dồi kiến thức, với hy vọng sau khi ra tù sẽ áp dụng những điều đã học để làm lại cuộc đời.
Phạm nhân Giàng A Thào là người Mông, lớn lên trong gia đình thuần nông ở xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo. Hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ mất sớm nên Giàng A Thào chưa từng được đến trường. Năm 2014, Giàng A Thào bị bắt, bị toà tuyên án 16 năm tù giam vì buôn bán ma túy và thi hành án tại Trại giam Nà Tấu. Thế rồi, khi nhận được thông tin trại giam mở lớp xóa mù chữ, Giàng A Thào lập tức đăng ký học. Đôi bàn tay chai sần chỉ biết cầm cuốc, cầm cày nên những ngày đầu nắn nót viết từng chữ cái thật sự rất khó khăn. Dưới sự hướng dẫn của các cán bộ quản giáo, sự cố gắng nỗ lực của bản thân, những lá thư được viết bằng nét chữ nghệch ngoạc gửi gắm biết bao tâm tư đã được phạm nhân Thào gửi về cho gia đình.
Không chỉ phạm nhân Thào, tại Trại giam Nà Tấu còn có một bộ phận không nhỏ phạm nhân không biết chữ. Chính vì vậy, những lớp xóa mù chữ cho phạm nhân đã được Trại giam Nà Tấu mở ra do chính các cán bộ đứng lớp, hướng dẫn. Trong không gian lớp học ngăn nắp, thoáng mát, những học trò đồng phục “áo sọc” với đủ mọi lứa tuổi, chăm chú nhìn bảng dõi theo từng nét chữ. Phía trên chiếc bảng, thầy giáo trong sắc phục công an nắn nót ghi những nét chữ. Không gian lớp học im phăng phắc, các phạm nhân chăm chú nhìn lên bảng, những bàn tay gân guốc, thô ráp giờ đây nắn nót theo từng nét chữ của thầy giáo. Với họ, những bài học trên không chỉ dạy họ biết đọc, biết viết mà còn là tiền đề quan trọng để sau này làm lại cuộc đời.
Nhiều năm nay, Đại úy Lò Minh Thắng được giao trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ cho phạm nhân trong trại. Do nhận thức phạm nhân không đồng đều và còn nhiều hạn chế nên trong quá trình giảng dạy Đại uý Thắng gặp không ít khó khăn. Nhiều phạm nhân thậm chí chưa thành thạo trong giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Vì thế, không chỉ đầu tư về thời gian, mỗi bài giảng đều được Đại úy Thắng dành nhiều tâm huyết, phân loại học viên để xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp. Nhiều phạm nhân sau khi được xóa mù chữ đã biết đọc, biết viết. Ngoài viết thư cho gia đình, các phạm nhân còn chủ động mượn sách, báo của trại giam để đọc những lúc rảnh rỗi.
Đóng chân trên địa bàn tỉnh biên giới, miền núi Điện Biên, Trại giam Nà Tấu hiện quản lý hơn 1.800 phạm nhân. Trong đó, gần 86% phạm nhân người dân tộc thiểu số, trên 28% không biết chữ hoặc tái mù chữ. Đó là lý do trong những năm qua, Trại giam Nà Tấu đẩy mạnh hoạt động liên kết với các cơ sở đào tạo của địa phương để mở lớp học chữ, học nghề. Thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập, giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh, Trại giam Nà Tấu tổ chức ký kết với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về chương trình phối hợp tổ chức các lớp học xóa mù chữ, hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân, giai đoạn 2023-2030. Từ đó, tạo điều kiện cho phạm nhân được tiếp cận các loại hình giáo dục, giáo dục nghề nghiệp và lựa chọn ngành, nghề phù hợp để quyết tâm học tập, rèn luyện, tu dưỡng bản thân trở thành người có ích cho xã hội.
Minh Thảo - Lan Phương