Video

Hào hùng ký ức Điện Biên Phủ

Thứ Sáu, 26/04/2024 06:32 Lượt xem: 9881 In bài viết

ĐBP - Chiến dịch Điện Biên Phủ đã lùi vào quá khứ 70 năm, song chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã trở thành mốc son chói lọi trong lịch sử chiến đấu giải phóng dân tộc của quân và dân ta. Để có được chiến thắng đó, những người lính Điện Biên năm xưa đã hy sinh xương máu, giành giật từng tấc đất nơi chiến trường, mang lại chiến thắng vẻ vang cho quê hương, đất nước. Và những kỷ niệm trong “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”… sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí của mỗi chiến sĩ Điện Biên.

Ở tuổi xưa nay hiếm nhưng khi nào gặp nhau 2 chiến sĩ Điện Biên: Lại Văn Năm (sinh năm 1932) và Nguyễn Văn Khả (sinh năm 1930) vẫn dành cho nhau những tình cảm đặc biệt. Không cùng đơn vị, không cùng thực hiện một nhiệm vụ, song mỗi lần gặp gỡ 2 ông lại cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng tại trận địa Điện Biên Phủ năm nào.

Trong chiến dịch “Trần Đình” (mật danh của Chiến dịch Điện Biên Phủ), chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Khả cùng đồng đội đóng quân tại Sân bay Hồng Cúm, có nhiệm vụ kìm chế hỏa lực của địch; yểm hộ cho bộ binh, bắn phá các ụ súng, bộ máy quan trọng của thực dân Pháp. Khi đó, một khẩu đội pháo cối 82mm có 16 người, kỹ thuật quân sự còn hạn chế nhưng đơn vị đã làm tốt nhiệm vụ bắn trúng các mục tiêu theo yêu cầu, giúp bộ binh dễ dàng tiếp cận trận địa.

Nhập ngũ khi vừa tròn đôi mươi cho đến khi huấn luyện xong, chiến sĩ Điện Biên Lại Văn Năm được chọn và trở thành quân số của Sư đoàn 316. Vào chiến dịch, ông Năm làm nhiệm vụ của chiến sĩ công binh. Nếu đi trước có các đồng chí trinh sát kiểm tra, dò đường thì tiếp đến, ông cùng đồng đội làm nhiệm vụ công binh mở đường cho bộ đội ta tiến sâu vào trận địa. Dù gian khổ nhưng các ông đã dũng cảm, xông pha mở tuyến đường an toàn giúp bộ đội ta nhanh chóng tiến quân vào trận địa đánh giặc.

Không chỉ ông Năm, ông Khả mà trong những ngày này, khi cả đất nước đang chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, những ngưới lính Điện Biên năm nào lại có dịp gặp lại nhau và ôn lại những ký ức hào hùng. Dù đôi bàn tay đã gầy guộc, nhưng những người lính năm xưa vẫn dành cho nhau những cái ôm, cái bắt tay chan chứa tình đồng chí, đồng đội. Tuổi cao, người thì nặng tai, người đã yếu, nhưng những người lính Điện Biên vẫn động viên, thăm hỏi ân cần, kể chuyện những ngày còn ở chiến trường… Đặc biệt là chứng kiến sự đổi thay của chiến trường khói lửa năm nào đã khoác lên mình màu áo mới, ngày càng phát triển hiện đại, những người lính Điện Biên rất phấn khởi.

Những người lính Điện Biên nay đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng vẫn không thể quên một thời gian khổ, những ngày tháng cùng đồng đội vào sinh ra tử, chiến đấu vì độc lập dân tộc. Ký ức của mỗi chiến sĩ Điện Biên năm nào đã trở thành những mảnh ghép chân thực về lịch sử hào hùng của dân tộc. Mỗi câu chuyện, mỗi ký ức của cha ông đã nhắc nhở thế hệ cháu con về tinh thần yêu nước; qua đó tiếp tục phát huy sức mạnh hào khí Điện Biên để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, xứng danh mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng.

Quang Hưng

Back To Top