Giúp người dân vùng biên bằng những mô hình thiết thực

13:06 - Thứ Tư, 28/12/2022 Lượt xem: 5286 In bài viết

Mới đây, có dịp trở lại Đoàn kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 327 (Quân khu 3) công tác, chúng tôi được Trung tá Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Lâm trường 156 cho biết, lứa mận đơn vị trồng đợt đầu trên Khu dân cư Trình Tường (thôn Bắc Cương, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh) đã bắt đầu cho quả.

Trung tá Nguyễn Huy Hoàng thông báo tin vui trên bởi cách đây hơn hai năm, chúng tôi từng có dịp được theo chân cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) Lâm trường 156 lên Trình Tường giúp bà con đào hố, trồng cây.

Ngày đó, Trình Tường chỉ có hơn 10 hộ gia đình, với hơn 70 nhân khẩu người dân tộc Dao sinh sống ở giáp biên giới. Nằm tách biệt giữa núi rừng đại ngàn, lại ở trên đỉnh núi cao, giao thông đi lại khó khăn, cộng thêm trình độ dân trí thấp khiến việc triển khai các chủ trương, chính sách giúp bà con nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của cấp ủy, chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn. Nguồn sống của người dân Trình Tường chủ yếu dựa vào việc đi rừng nên cái đói, cái nghèo cứ bủa vây quanh năm suốt tháng.

Cán bộ, nhân viên Lâm trường 156 hướng dẫn người dân chăm sóc cây mận.

Để giúp người dân Trình Tường có được cuộc sống tốt hơn, đầu năm 2020, Lâm trường 156 phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai kế hoạch xây dựng nơi đây thành “Khu dân cư biên giới điển hình”. Thực hiện mô hình, đơn vị thuê máy xúc, máy ủi về cải tạo đất, san mặt bằng, hỗ trợ người dân kinh phí mua cây giống về trồng. Người dân Trình Tường không có kiến thức trồng trọt nên việc đào hố, trồng cây, chăm sóc ban đầu đều do bộ đội Lâm trường 156 thực hiện. Khi cây bén rễ, đơn vị bàn giao lại cho người dân, đồng thời hướng dẫn bà con cách vun xới, bón phân...

Là người đề xuất và dành nhiều tâm huyết cho mô hình trên, Trung tá Nguyễn Huy Hoàng cho biết: “Ban đầu, chúng tôi trồng mận, hồng, mít. Tuy nhiên, thời tiết trên núi cao lạnh, sương mù quanh năm nên chỉ có cây mận thích nghi được. Sau gần 3 năm bám bản, đến nay, chúng tôi đã giúp bà con trồng được hơn 3.000 cây mận. Năm nay, những cây mận trồng loạt đầu đã cho quả. Sản lượng tuy chưa nhiều nhưng ưu điểm là quả to, ăn giòn và ngọt. Đây là tín hiệu mừng để người dân Trình Tường thoát nghèo trong thời gian tới”.

Đóng quân trải dọc các huyện biên giới Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, những năm qua, hoạt động giúp dân không chỉ là nhiệm vụ mà còn thể hiện trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 327 với đồng bào vùng khó biên cương. Với phương châm “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, hướng dẫn để người dân làm theo”, bộ đội Lâm trường không quản khó khăn, vất vả, luôn bám sát địa bàn, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các dự án giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội. 

Trung tá Nguyễn Văn Đạo, Trợ lý Dân vận Phòng Chính trị, Đoàn KT-QP 327 cho biết: “Để hoạt động giúp dân mang lại hiệu quả thiết thực, chúng tôi chỉ đạo các lâm trường xây dựng những mô hình, cách làm cụ thể, phù hợp với nhu cầu của người dân và đặc điểm tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương; tập trung vào một hoặc hai bản, làng với những phần việc nhất định chứ không dàn trải. Trong đó chú trọng tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa cho đồng bào”.

Với chủ trương trên, đã có nhiều mô hình, cách làm giúp dân hiệu quả được các lâm trường triển khai, như: “Điểm sáng Khe O” của Lâm trường 156, vận động bà con xây dựng xong khu chăn nuôi tập trung tại bản Khe O, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu; Lâm trường 155 vận động nhân dân hai xã Đồng Văn và Đồng Tâm, huyện Bình Liêu hoàn thành làm nhà vệ sinh tự hoại; Lâm trường 42 phát động Phong trào “Đồng hành cùng học sinh biên cương đến trường”, nhận đỡ đầu hai học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn... Đặc biệt, các mô hình trồng thanh long ruột đỏ, quế, chè hoa vàng, nuôi dê, ngan, bồ câu của bộ đội Lâm trường giúp hàng trăm hộ gia đình thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.

Đại tá Nguyễn Văn Huy, Chính ủy Đoàn KT-QP 327 cho biết, đơn vị đang tiếp tục khảo sát một số mô hình: Xây dựng “Bản văn hóa người Dao” tại Sông Moóc B thuộc xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu; “Hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo biên giới”; “Nông-lâm kết hợp” và triển khai dự án mở lớp xóa mù chữ cho nhân dân xã Bắc Sơn (TP Móng Cái). Chỉ huy Đoàn chỉ đạo các lâm trường phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch, đồng thời huy động sự vào cuộc của các tổ chức như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, giáo viên, học sinh trên địa bàn chung tay thực hiện để tạo được nhiều nguồn lực, giúp nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án, mô hình trên.

Việc sát cánh cùng đồng bào của bộ đội Lâm trường góp phần giúp diện mạo khu vực biên giới Đông Bắc ngày càng khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ổn định; tiềm lực, thế trận quốc phòng vùng biên cương được tăng cường vững chắc.

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top