Thực hiện mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ

Vẫn còn bất cập

07:57 - Thứ Sáu, 15/07/2022 Lượt xem: 6481 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 6/10 đơn vị, gồm tỉnh và các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Chà, Mường Nhé, Điên Biên Đông triển khai thực hiện thí điểm mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc (MTTQ) theo Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Bên cạnh thuận lợi là giảm được biên chế, tiết kiệm ngân sách, thì sau 4 năm triển khai những người “gánh” hai vai dù đã rất nỗ lực, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai, đảm đương nhiệm vụ.

Đồng chí Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao quà cho cán bộ, chiến sĩ chốt phòng dịch Covid-19, Đồn Biên phòng Mường Pồn. Ảnh: C.T.V

Sau 4 năm triển khai thí điểm mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện đã góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; khắc phục được tình trạng hành chính hóa, công văn giấy tờ, giảm được các cuộc họp, các cuộc kiểm tra, giám sát... Đồng thời, xây dựng được bộ máy tinh gọn nhưng đủ mạnh, khắc phục được sự cồng kềnh, chồng chéo, tinh giản được biên chế; giảm số lượng 1 biên chế lãnh đạo (Ban Thường vụ cấp tỉnh, cấp huyện) và tiết kiệm được ngân sách. Mặt khác, công tác dân vận và mặt trận có nhiều nội dung, hoạt động và có mối quan hệ công việc gắn liền với nhau. Do đó việc nắm các nội dung nhiệm vụ của Đảng và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của cấp ủy đến với cán bộ chuyên môn nhanh hơn, sát hơn, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm một cách khoa học và hợp lý.

Tuy nhiên, là tỉnh miền núi, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nên quá trình triển khai mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ trên địa bàn tỉnh thuận lợi thì ít mà khó khăn, bất cập thì nhiều. Đồng chí Lò Văn Mừng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chia sẻ: Các đồng chí nhận nhiệm vụ “gánh” hai vai trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ đã phải luôn gồng mình với khối lượng, áp lực công việc lớn mà hiệu quả, chất lượng thì không cao so với khi chưa triển khai thí điểm mô hình. Với vai trò là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đứng đầu 2 cơ quan khối lượng công việc lớn, thường xuyên tham gia nhiều cuộc họp, hội nghị, thời gian dành cho công việc của cơ quan bị phân tán, thiếu tập trung, do đó việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ công tác có việc còn chưa thật kịp thời, thiếu chuyên sâu.

Cùng với đó, việc hợp nhất 2 chức danh lãnh đạo nhưng bộ phận giúp việc 2 cơ quan vẫn hoạt động độc lập, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng đối với Ban Dân vận Tỉnh ủy và theo Luật, Điều lệ của MTTQ Việt Nam dẫn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo nhiều việc không đồng nhất. Nhiều nội dung công việc quan trọng, gấp về thời gian, cần có sự nghiên cứu, bàn bạc thống nhất đảm bảo nguyên tắc “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” không được bố trí thời gian thỏa đáng, kịp thời, ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, chất lượng và hiệu quả công việc. Việc thực hiện đồng thời 2 chức danh lãnh đạo nên khối lượng công việc nhiều, áp lực rất lớn. Tuy nhiên, chế độ phụ cấp hiện nay đang được hưởng là 10% (tổng mức lương chuyên môn, nghiệp vụ cộng phụ cấp chức vụ hiện hưởng) chưa thỏa đáng, chưa tương xứng với vị trí, vai trò, trách nhiệm, cũng như chưa khuyến khích cá nhân được giao nhiệm vụ.

Tại các huyện, một số cấp ủy do chưa nhận thức đầy đủ đây là mô hình thí điểm nên đã chủ động thực hiện mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ trước khi có Kết luận số 34-KL/TW ngày 7/8/2018 của Bộ Chính trị (5/10 huyện) dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đồng chí Giàng A Dơ, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tuần Giáo cho biết: Do đảm nhận nhiệm vụ đứng đầu 2 cơ quan, nhiều cuộc họp nên tôi có ít thời gian đi cơ sở, nắm bắt tình hình; đặc biệt biên chế cơ quan ít (3 - 4 đồng chí) công việc nhiều nên quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ gặp khó khăn, chất lượng chưa đạt hiệu quả cao nhất. Dù công tác dân vận và mặt trận có nhiều góc độ liên quan nhưng đi sâu vào từng lĩnh vực lại có tính độc lập; khối lượng, nhịp độ công việc tăng, đòi hỏi người lãnh đạo đứng đầu phải biết sắp xếp công việc hợp lý, khoa học mới đảm đương thực hiện được nhiệm vụ; 2 trụ sở của 2 đơn vị độc lập nên hàng ngày tôi phải nắm tình hình công việc ở cả 2 nơi. Vì lẽ đó, tôi đề xuất không nên tiếp tục thực hiện mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch ủy ban MTTQ trên địa bàn huyện Tuần Giáo; tuy có tinh gọn về bộ máy, nhưng chất lượng thực hiện nhiệm vụ không thật sự hiệu quả.

Trước thực tế đó, đồng chí Lò Văn Mừng cho rằng: Với điều kiện của các tỉnh miền núi, trong đó có tỉnh Điện Biên thì hiện nay việc thực hiện mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện là chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn; đặc biệt là đối với cấp huyện không tiếp tục thực hiện mô hình, bởi chủ yếu là huyện nghèo, địa bàn rộng, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn... Trong trường hợp tiếp tục thực hiện mô hình này thì đề nghị cần có cơ chế hoạt động, quy trình công tác cụ thể, đồng thời xem xét nâng mức phụ cấp hợp lý đối với mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện (khoảng 20 - 30% tổng mức lương hiện hưởng). Đồng thời, xem xét thực hiện mô hình này phù hợp ở những địa phương, đơn vị có điều kiện.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top