Bài dự thi Giải Báo chí “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”
Bài 2: “Long đong” nghị quyết chốn sương mù
Xác định chè là cây thế mạnh ở địa phương, phát triển cây chè là nhiệm vụ trọng tâm trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, Tủa Chùa đã tích cực triển khai, cụ thể hóa nhằm thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu nghị quyết liên quan đến loại cây này. Song thực tế kết quả chỉ tiêu nghị quyết không đạt; qua các năm số lượng cây chè cổ thụ ngày một giảm, còn chè cây thấp thì người dân chẳng mấy mặn mà nên diện tích cũng thu hẹp đáng kể và đặc biệt vấn đề tìm đầu ra sản phẩm vẫn là bài toán nan giải đối với cấp ủy Đảng, chính quyền.
Thăng - trầm cây chè vùng cao
Cả đời gắn bó với cây chè, ông Thào A Phừ, bản Sín Chải (xã Sín Chải) hiểu hơn ai hết về cây chè ở vùng cao Tủa Chùa, loài cây kiên cường sinh trưởng trên núi đá rồi vươn minh sống, phát triển đã hàng trăm năm. Dù cây chè đã tạo nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình song điều khiến ông Phừ vẫn không khỏi băn khoăn, trăn trở lâu nay là loài cây quý này đã và đang ngày một ít dần đi.
Như để minh chứng, ông Thào A Phừ dẫn chúng tôi đến mục sở thị 5 cây chè của gia đình, chỉ còn trơ lại thân trắng xóa. Cách đó không xa, 2 cây chè khác cũng đang trong tình trạng bị úa, vàng rồi rụng gần hết lá. Đây chính là nguyên nhân khiến ông Phừ trăn trở bởi qua các năm số lượng cây chè cổ thụ của gia đình cũng giảm dần. Hiện nay, gia đình ông còn 50 cây chè cổ thụ, tuổi thọ từ 70 - 100 năm, một số cây lâu năm nhất cũng đã chết, đành đốn làm củi. Không chỉ ông Phừ mà gia đình anh Hạng A Nhè (bản Hấu Chua) cũng không khỏi xót xa khi thời gian gần đây có gần 10 cây chè cổ thụ bị chết. Còn với chè cây thấp, cũng như nhiều hộ dân khác, trước đây anh Nhè cũng mạnh dạn trồng 1ha song đến nay đã phá gần hết để trồng lúa, ngô. Thực tế, không chỉ anh Nhè mà nhiều người dân khác ở các xã phía Bắc không còn mặn mà với chè cây thấp nữa. Nguyên nhân là bởi trong khi việc thu mua và chế biến chè cổ thụ cơ bản ổn định thì thu nhập từ chè cây thấp lại gặp nhiều khó khăn do sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hạn chế.
Bà Vũ Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Trước đây, khi mới ban hành Quyết định số 1055/QĐ-UBND về việc Quy hoạch phát triển vùng chè 4 xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn và Sính Phình, giai đoạn 2006 - 2015, tầm nhìn 2020 được người dân kỳ vọng đem lại giá trị vượt trội về kinh tế, bảo đảm cho người trồng chè sống được nhờ chè. Theo đó, với tổng nguồn vốn hơn 84 tỷ đồng đầu tư vào các hạng mục: Cơ sở hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt, hỗ trợ trồng và chăm sóc chè, trợ cước trợ giá, chính sách tín dụng cho người trồng chè. Thực tế cho thấy, toàn huyện có khoảng 300ha (bao gồm 30ha chè cây cao, 270ha chè cây thấp) cho thu hái thường xuyên; 150ha chè có tỉ lệ sống thấp và cho thu hái không thường xuyên, trên 140ha chè có tỷ lệ sống rất thấp, cây còi cọc hoặc chưa cho thu hoạch. Từ năm 2014, việc tiêu thụ của Công ty Cổ phần Giống nông nghiệp tỉnh gặp nhiều khó khăn. Hàng năm, trung bình đều tồn kho từ 4 - 5 tấn chè thành phẩm, chủ yếu chè cây thấp ở xã Sính Phình; làm ảnh hưởng, hạn chế việc thu mua, chế biến cũng như việc khuyến khích phát triển cây chè tại địa phương. Việc giao quản lý còn mang hình thức, người dân chỉ thu hái không có đầu tư, chăm sóc nên cây chè sinh trưởng phát triển kém, năng suất thấp.
Không đạt chỉ tiêu nghị quyết
Trước giai đoạn 2010, huyện Tủa Chùa có khoảng 10.000 cây chè cổ thụ thì đến nay còn 7.900 cây chè cây cao của hơn 290 hộ dân. Trong đó, tập trung chủ yếu ở xã Sín Chải (3.171 cây), Tả Sìn Thàng (3.500 cây), Sính Phình (597 cây); còn với chè cây thấp hiện cũng chỉ duy trì với hơn 560ha, trải đều ở các xã phía Bắc. Mặc dù theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, số lượng cây bị chết, buôn bán vận chuyển đi nơi khác không nhiều, song thực tế đã và đang ảnh hưởng đến diện tích cây chè cổ thụ quý giá. Trong khi đó, hiện nay do tuổi thọ cây lớn nên có không ít cây chè đã già cỗi, đứng trước nguy cơ bị chết dần chết mòn, cần được bảo vệ, cắt tỉa và chăm sóc đúng kỹ thuật.
Với sự huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm triển khai, cụ thể hóa các chỉ tiêu nghị quyết liên quan đến cây chè Tủa Chùa, song kết quả đạt được không như mong đợi. Cụ thể như với nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện tập trung chỉ đạo, chăm sóc, trồng mới, thu hái, chế biến chè; đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm chè, đặc biệt là chè Shan Tuyết cổ thụ, tích cực kêu gọi các nhà đầu tư phát triển cây chè, chế biến sản phẩm chè. Tuy nhiên, đến hết năm 2020, tổng diện tích chè của huyện mới đạt 595,89ha (đạt 74% so với nghị quyết); sản lượng chè búp tươi đạt 73 tấn (giảm 2,3 tấn so với năm 2015); sản lượng chè thương phẩm đạt 12,1 tấn (giảm 0,38% so với năm 2015) và cũng chỉ đạt 40% nghị quyết đề ra. Theo bà Vũ Ngọc Ánh: Có nhiều nguyên nhân khiến chỉ tiêu liên quan đến cây chè không đạt, trong đó, diện tích cây chè trồng mới chậm lớn, còi cọc, năng suất thấp, sản lượng thu hái ít, chưa đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Việc áp dụng các biện pháp tác động nhằm tăng sản lượng thu hái với chè cây cao, cổ thụ còn nhiều hạn chế, thực hiện chưa thường xuyên. Cùng với đó là phương thức canh tác truyền thống, thiếu đầu tư chăm sóc thường xuyên còn phổ biến, việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của người dân hạn chế. Sản phẩm chè Shan Tuyết kém đa dạng về chủng loại, mẫu mã, thiếu sức cạnh tranh với các sản phẩm chè của địa phương khác; khâu tiêu thụ sản phẩm nhất là với chè cây thấp hiện còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc cây chè bị chết do đã già cỗi, sâu bệnh, công tác chăm sóc chưa đúng kỹ thuật. Số khác chủ yếu do người dân tự nhân giống bằng giâm cành có thời gian từ khi trồng đến thu hoạch (chè kinh doanh) khoảng 4 năm. Trong khi nhân bằng hạt là 5 năm. Cây chè nhân giống bằng hạt thuộc nhóm rễ cọc ăn sâu xuống đất, còn với chè giâm cành thì gần như là rễ chùm, ăn ngang và bám đất rất nông. Với điều kiện thổ nhưỡng ở Tủa Chùa, mùa nắng nóng kéo dài, tầng nước ngầm xuống thấp, không đủ chất dinh dưỡng nuôi cây, nên tỷ lệ chè giâm cành chết nhiều là điều dễ hiểu.
Bài 3: Cấp ủy, chính quyền vào cuộc tháo gỡ