Điện Biên đổi mới

07:26 - Thứ Sáu, 19/08/2022 Lượt xem: 5999 In bài viết

ĐBP - Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có ý nghĩa quan trọng, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Đã 77 năm trôi qua, trải qua nhiều gian khổ, hi sinh trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ngày nay đồng bào các dân tộc Điện Biên lại cùng đoàn kết xây dựng quê hương ngày một đổi mới.

Bà Nguyễn Thị Nhung, đội 5, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên

Đổi thay từ xây dựng nông thôn mới

Xã Thanh Hưng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Từ khi đạt chuẩn về xây dựng nông thôn mới (NTM) đến nay, xã tiếp tục nỗ lực củng cố, nâng chuẩn các tiêu chí; triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng xã NTM nâng cao, tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Chuyển biến rõ nét nhất là, hệ thống đường giao thông được hoàn thiện, cơ sở hạ tầng, hệ thống trường học, trạm y tế được nâng cấp, từng bước đồng bộ. Triển khai xây dựng NTM, xã tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình đến từng hộ nông dân nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Bộ mặt nông thôn được đổi thay rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; thu nhập bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân. Song song với việc phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, thì đời sống văn hóa tinh thần được đẩy mạnh. Các phong trào phát triển, như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Bản làng văn hóa” được nhân dân tích cực hưởng ứng. Hàng năm, các thôn bản đều duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi nhân dịp lễ, Tết. Việc cưới, hỏi từng bước được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm; việc tang được tổ chức văn minh, tiến bộ, các hủ tục được loại bỏ.

Ông Nguyễn Văn Yên, tổ dân phố 9, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ

Du lịch khởi sắc

Ông Nguyễn Văn Yên (đứng giữa) cùng bạn bè tham quan Đền thờ Liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ.

Lên Điện Biên từ năm 1969, tôi thấy cuộc sống của người dân nơi đây thời điểm đó còn rất nhiều khó khăn, giao thông đi lại vất vả, hạ tầng kỹ thuật - xã hội còn lạc hậu, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao. Phát huy lợi thế của địa danh với quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, cấp ủy chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên đã chung sức đồng lòng khắc phục khó khăn, khai thác lợi thế để phát triển. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều công trình có giá trị, ý nghĩa lịch sự được đầu tư xây dựng như: Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ tại đồi F; Khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp thuộc Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng; bức tranh Panrorama “Trận chiến Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ... Các điểm di tích lịch sử, như: Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Nghĩa trang Liệt sĩ A1, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hầm Đờ-cát được trùng tu, tôn tạo, khôi phục, giữ gìn và đưa vào khai thác... Từ đó, góp phần thúc đẩy du lịch Điện Biên ngày càng phát triển, trở thành điểm đến ý nghĩa và hấp dẫn trong hành trình về nguồn của du khách gần xa khi đến với chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa.

Ông Nguyễn Như Xuân, Trưởng ban Công tác mặt trận Tổ dân phố 4, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ

Diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, hiện đại

Ông Nguyễn Như Xuân (bên trái) triển khai các hoạt động trên địa bàn.

Sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta đứng trước vô vàn khó khăn. Tuy vậy, với niềm phấn khởi khi đất nước được độc lập, dân tộc được tự do; cán bộ, nhân dân các dân tộc Điện Biên đã phát huy khối đoàn kết dân tộc, chung một khát vọng, quyết tâm xây dựng kinh tế - xã hội địa phương ngày càng phát triển, quốc phòng - an ninh ổn định. Tại TP. Điện Biên Phủ, nơi tôi sinh sống có vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh; Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đã tập trung nguồn lực đầu tư cho thành phố phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Tốc độ xây dựng và phát triển đô thị của TP. Điện Biên Phủ diễn ra khá nhanh với nhiều công trình, dự án trọng điểm, quan trọng, có quy mô lớn, liên kết vùng của tỉnh được triển khai trên địa bàn như: Dự án Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Đường A1-C4, Đường 7/5, Dự án Trung tâm thương mại và Nhà ở thương mại TP. Điện Biên Phủ... Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi căn bản bộ mặt đô thị, tạo diện mạo mới, động lực phát triển cho thành phố. Đặc biệt, hệ thống mạng lưới giao thông được đầu tư, phát triển vượt bậc, Cảng Hàng không Điện Biên đang được cải tạo, nâng cấp đã mở ra điều kiện và lợi thế thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương phát triển.

Minh Thảo (ghi)
Bình luận

Tin khác

Back To Top