Về nơi “thắp lửa” đảng trong đồng bào miền núi

16:21 - Thứ Năm, 10/10/2024 Lượt xem: 2788 In bài viết

ĐBP - Tháng 8/1955, chi bộ xã Quài Cang được thành lập và trở thành chi bộ xã đầu tiên của khu tự trị Thái - Mèo. Từ dấu ấn khởi nguồn ở Quài Cang, hàng loạt chi bộ nông thôn trải khắp Khu tự trị liên tiếp được thành lập sau đó và trở thành nền tảng vững chắc cho sự lớn mạnh của Đảng bộ huyện Tuần Giáo nói riêng, tỉnh Điện Biên nói chung.

Những bản làng người Thái yên bình ở Quài Cang.

Khởi nguồn chi bộ nông thôn đầu tiên

Ngược dòng lịch sử, vào những năm 1950, tại Khu tự trị Thái - Mèo (gồm 2 tỉnh Lai Châu, Sơn La; 2 huyện Văn Chấn, Than Uyên của tỉnh Yên Bái và huyện Phong Thổ của tỉnh Lào Cai) nạn đói bao trùm. Lợi dụng khó khăn của ta, thế lực phản động liên tiếp tổ chức các hoạt động chống phá. Ở Tuần Giáo (Lai Châu) lúc này có đặc điểm nổi bật là đã thành lập được chính quyền song lại chưa có chi bộ đảng và đảng viên người địa phương.

Việc xây dựng tổ chức cơ sở đảng làm hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng trở thành yêu cầu cấp bách. Lúc này, xã Quài Cang được Châu ủy Tuần Giáo chọn làm thí điểm thành lập chi bộ xã đầu tiên, vì đây là địa phương có mọi phong trào hoạt động khá, đời sống nhân dân ổn định và phát triển hơn các xã khác. Tháng 8/1955, chi bộ xã Quài Cang chính thức thành lập, với 5 đảng viên (1 chính thức, 4 dự bị). Trong đó, đồng chí Lò Văn Đôi (bản Kệt) là đảng viên tiêu biểu ở địa phương được Châu ủy tin tưởng, lựa chọn làm Bí thư Chi bộ.

Đảng viên Lò Văn Chung là một trong những thế hệ có nhiều đóng góp cho sự lớn mạnh của Chi bộ Quài Cang.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Khu ủy và Châu ủy, Chi bộ xã xác định: Tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về kinh tế, chú trọng vùng cao và vùng xen kẽ, không coi nhẹ vùng thấp; đẩy mạnh sản xuất lương thực, tiến tới đủ ăn và có dự trữ, khai hoang tăng vụ, cải tiến kỹ thuật. Vùng thấp thu hẹp diện tích lúa nương... Những cuộc “cách mạng” trong lao động sản xuất; học tập rèn luyện; xây dựng bản làng “nở rộ” sau đó với vai trò nòng cốt, đi đầu là đảng viên.

Trong căn nhà khang trang được bao quanh bởi vườn rau, ao cá, hệ thống chuồng trại (nuôi lợn, gà, ngan) tại bản Cuông, ông Lò Văn Chung (70 tuổi) không khỏi xúc động nhớ về khoảnh khắc đầy tự hào khi chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, sinh hoạt tại Chi bộ Quài Cang. Với sự hướng dẫn, tạo điều kiện của tổ chức đảng, ông Chung được đi học; rồi về làm Bí thư đoàn, Ủy viên thư ký ủy ban, Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã... Trước khi về hưu, ông nhiều năm giữ vai trò là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã.

Đảng viên Lò Văn Chung gương mẫu phát triển kinh tế gia đình thông qua mô hình sản xuất vườn - ao - chuồng.

Ông Chung nhớ lại: “Ngay tại chi bộ bản Cuông, trước đây phải sinh hoạt ghép với mấy chi bộ và chỉ có 5 đảng viên thôi. Giờ thì có tới 24 đảng viên. Là những người sớm được giác ngộ, nên chúng tôi đã phát huy kiến thức được tiếp cận, cũng như vai trò đi đầu, gương mẫu tại địa phương, dẫn dắt, giúp đỡ người dân cùng phát triển. Bắt đầu từ việc thay đổi tư duy trong sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Sau 69 năm gây dựng, tổ chức đảng ở Quài Cang đã thực sự lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, Đảng bộ xã có 20 chi bộ trực thuộc, với tổng số 364 đảng viên. Trong đó, ngoài 7 chi bộ cơ quan, đơn vị đóng chân trên địa bàn thì 13/13 bản đều có chi bộ.

 “Kế thừa kinh nghiệm và hướng đi đúng đắn mà các thế hệ trước đã đúc kết, tích lũy được, chúng tôi luôn nỗ lực phát huy tốt vai trò, sức mạnh của tổ chức đảng và đảng viên trong việc dẫn dắt, đồng hành cùng chính quyền và Nhân dân trong phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.” - bà Tòng Thị Cúc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Quài Cang nhấn mạnh.

Những con đường về bản ở Quài Cang đều được bê tông sạch đẹp.

Có đảng, đồng bào ấm no!

Dọc tuyến quốc lộ 6, từ trung tâm huyện Tuần Giáo chỉ sau vài ba phút chạy xe máy trên con đường nhựa thẳng tắp là đến xã Quài Cang. Từ một vùng quê heo hút ngày nào, nơi đây giờ đã mang vóc dang của một nông thôn hiện đại, với cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện.

Những ngày cả Điện Biên đang hướng về kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh, cán bộ, nhân dân Quài Cang cũng không khỏi xúc động và phấn khởi. Bí thư chi bộ đầu tiên và nhiều đảng viên đã không còn. Song qua lời kể của những thế hệ sau về sự kế thừa, tiếp nối truyền thống để xây dựng địa phương đến ngày hôm nay, chúng tôi cũng cảm nhận được sự kiên cường và tinh thần đoàn kết của cán bộ, nhân dân các dân tộc trên vùng đất này.

Theo sự chỉ dẫn của cán bộ xã, chúng tôi đến bản Cuông. Ngay đầu bản là cánh đồng rộng 2ha được thiết kế nhà màng, cho thấy khoa học kỹ thuật và nền nông nghiệp hiện đại đã hiện diện ở đây. Đón khách ghé thăm, ông Lò Văn Tún không quá bất ngờ. Ông bảo: “Từ ngày xã tạo điều kiện triển khai mô hình này, nhiều người dân ở các địa phương khác đã đến tìm hiểu, học hỏi!”.

Mô hình sản xuất rau an toàn như một minh chứng về hướng phát triển nền nông nghiệp sạch ở Quài Cang.

Đây là mô hình sản xuất rau an toàn được triển khai từ năm 2023, theo chủ trương của Đảng ủy xã. Ông Tún là 1 trong 33 hộ tham gia mô hình. Trước đây, gia đình ông và các hộ khác chỉ trồng lúa và rau màu xen canh theo hướng cũ. Vì không chủ động được nguồn nước và hạn chế trong kỹ thuật nên cây trồng thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất, thu nhập không đảm bảo. 

“Khi được xã vận động, hỗ trợ về kinh phí, gia đình tôi đã chuyển đổi 700m2 sang chuyên canh rau sạch. Từ việc làm nhà màng để bảo vệ cây, sử dụng chế phẩm sinh học để ngăn ngừa sâu bệnh, chúng tôi được hướng dẫn trồng rau theo mùa, hiện nay đang trồng cà chua, bắp cải và một số loại rau vụ đông. Năng suất, chất lượng cây trồng tăng hơn hẳn, đầu ra cũng thuận lợi, người dân không phải mang đi bán lẻ ở chợ, các cơ sở thu mua đến tận nơi lấy” - ông Tún chia sẻ.

Từ thiếu đói triền miên, đến nay ở Quài Cang các hộ dân đều chủ động về lương thực.

Ngoài mô hình rau sạch, ở Quài Cang hiện nay còn nhiều mô hình sản xuất khác đang được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Trong đó, để đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, xã duy trì 161,4ha lúa đông xuân, 245ha lúa mùa, với năng suất ước đạt từ 52 - 62 tạ/ha. Mở rộng diện tích các loại cây trồng mới, như: 742,34ha mắc ca; 61,15ha cà phê; 13,5ha lạc; 15ha cây ăn quả; chăn nuôi trên 6.000 con gia súc, gần 49.000 gia cầm các loại...

Ông Lò Văn Khuyên, Chủ tịch UBND xã Quài Cang cho hay: “Với sự quan tâm của các cấp, đặc biệt sự dẫn dắt, lãnh đạo của tổ chức đảng, đến nay toàn xã chỉ còn 20% hộ nghèo. Hạ tầng cơ sở phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân đều được đảm bảo và ngày một nâng cao. Hiện chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn NTM vào năm 2025”...

Trẻ em ở Quài Cang đều được đến trường đúng độ tuổi.

Gần 7 thập kỷ trôi qua, dưới ánh sáng của Đảng và sự dẫn dắt của những người đảng viên kiên trung, Quài Cang không chỉ trở thành ngọn đuốc cho phong trào cách mạng địa phương, mà đang vươn mình mạnh mẽ trên hành trình xây dựng NTM.

Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top