Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Đối thoại, tiếp dân - chất keo gắn kết lòng tin của Nhân dân với cấp ủy, chính quyền (bài 3)

15:57 - Thứ Sáu, 11/10/2024 Lượt xem: 2241 In bài viết

Bài 3: Ổn định dân cư vùng giáp ranh

ĐBP - Trước đây, 2 bản: Pa Tết và Nậm Ngà thuộc xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu), nhưng người dân lại sinh sống và canh tác trên địa phận xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Tình trạng này kéo dài khiến 2 bản không được quan tâm đầu tư hạ tầng, cuộc sống của hàng trăm hộ dân gặp nhiều khó khăn. Khu vực này cũng thường xuyên xảy ra tranh chấp, phá rừng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Trong những năm qua, bằng việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người dân, huyện Mường Nhé đã từng bước giải quyết hiệu quả các vấn đề phát sinh, ổn định dân cư vùng giáp ranh.

Bài 2: “Chìa khóa” gỡ khó giải phóng mặt bằng

Bài 1: Dự án chậm tiến độ và cuộc gặp của Bí thư Tỉnh ủy

Khai sinh bản mới

Từ rất lâu trước đây, một số hộ dân xã Tà Tổng đã di cư đến khu vực giáp ranh giữa huyện Mường Nhé và huyện Mường Tè để định cư, sinh sống, canh tác. Qua thời gian, khu vực này dần hình thành bản Pa Tết.

Ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa XI ban hành Nghị quyết 22/2003/NQ-QH11, chia tách tỉnh Lai Châu cũ thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên. Theo đó, bản Pa Tết thuộc xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Tuy nhiên, sau khi thực hiện phân định địa giới hành chính, đất ở và đất canh tác của người dân bản Pa Tết lại nằm trong địa phận xã Huổi Lếch.

Do bất cập về địa giới hành chính, khu vực giáp ranh giữa bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch với các bản: Tìa Mà Mủ, Nậm Ngà, Pa Tết thuộc xã Tà Tổng (huyện Mường Tè) thường xuyên xảy ra tranh chấp đất sản xuất, đất rừng (phần diện tích thuộc địa giới hành chính xã Huổi Lếch quản lý). Tổng diện tích tranh chấp khoảng 4.500ha, trong đó có khoảng 2.000ha rừng tự nhiên. Các bản không thống nhất được địa giới, các vụ xâm lấn rừng, đất sản xuất liên tục xảy ra, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Một góc bản Pa Tết.

Ngoài ra, do sống biệt lập trên đất xã Huổi Lếch, bản Pa Tết suốt nhiều năm không được đầu tư hạ tầng hay hỗ trợ sản xuất, khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo trên 90%. Trước năm 2019, Pa Tết là bản “4 không”: Không đường giao thông, không nhà văn hóa, không điện lưới quốc gia và không hệ thống thủy lợi. Về giáo dục, bản chỉ có 2 phòng học mầm non và 5 phòng tiểu học, tất cả đều bằng gỗ đã xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống nước sinh hoạt chỉ phục vụ được 17/75 hộ dân, nhưng cũng đã cũ kỹ và hư hỏng.

Trước thực trạng đáng lo ngại này, 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu đã nhiều lần họp bàn để tìm giải pháp ổn định dân cư tại khu vực giáp ranh giữa các bản thuộc xã Huổi Lếch và Tà Tổng. Đến ngày 23/8/2019, tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, 2 tỉnh đã thống nhất giữ nguyên đường địa giới hành chính theo bản đồ 364 và cắt chuyển toàn bộ dân cư, hộ khẩu cùng tổ chức của bản Pa Tết (xã Tà Tổng) về xã Huổi Lếch để quản lý.

Tưởng chừng việc ổn định dân cư bản Pa Tết sẽ diễn ra thuận lợi sau khi hai tỉnh thống nhất, nhưng thực tế lại đầy khó khăn. Khi chính quyền địa phương xuống bản triển khai, người dân Pa Tết không đồng thuận, không muốn chuyển về xã Huổi Lếch. Ông Mùa Chờ Sùng, Bí thư chi bộ bản Pa Tết nhớ lại: “Người dân không đồng ý vì họ đã gắn bó qua nhiều thế hệ với xã Tà Tổng. Tâm lý ngại thay đổi cùng với lo lắng về cuộc sống tại địa phương mới liệu có bớt khó khăn hay không khiến họ chưa sẵn sàng cho sự thay đổi”.

Sau những cuộc gặp ban đầu không thành công, huyện Mường Nhé xác định việc tuyên truyền, vận động người dân là quá trình lâu dài, cần sự kiên trì và bền bỉ. Huyện ủy, UBND huyện đã thành lập tổ công tác do một lãnh đạo huyện phụ trách với đầy đủ đại diện các phòng, ban. Tổ công tác tiến hành xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể để triển khai thực hiện.

Ông Tạ Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé chia sẻ: Thời điểm đó, tổ công tác thường xuyên có mặt tại bản Pa Tết, tổ chức tuyên truyền từ quy mô cả bản đến “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, thậm chí có những đợt kéo dài cả tuần. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cán bộ huyện kiên trì vận động với niềm tin sẽ thuyết phục được người dân. Cuối cùng, sau nhiều nỗ lực, người dân bản Pa Tết đã đồng thuận tách về xã Huổi Lếch.

Người dân bản Pa Tết ký xác nhận đồng ý về xã Huổi Lếch.

Tại kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XV diễn ra cuối tháng 12/2021 đã biểu quyết thông qua việc thành lập bản Pa Tết (giữ nguyên tên cũ), xã Huổi Lếch. Sau hơn 18 năm kể từ khi chia tách tỉnh Lai Châu cũ, người dân bản Pa Tết mới “danh chính ngôn thuận”. Theo đó, sau khi thành lập mới bản Pa Tết có 75 hộ dân (100% dân tộc Mông) với 436 nhân khẩu; diện tích tự nhiên gần 218ha.

Huyện ủy và UBND huyện Mường Nhé đã chỉ đạo sát sao các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ người dân chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục từ xã Tà Tổng về xã Huổi Lếch. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, rà soát và đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, phát triển hạ tầng thiết yếu gắn với sắp xếp dân cư, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội. Thực hiện giao khoán bảo vệ rừng, giúp người dân hưởng lợi từ tiền dịch vụ môi trường rừng.

Sau hơn 2 năm từ khi thành lập, bản Pa Tết đã thay đổi đáng kể. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, người dân yên tâm sinh sống và sản xuất, cuộc sống dần bớt khó khăn, vất vả.

Ông Mùa Chờ Sùng, Bí thư Chi bộ bản Pa Tết vui mừng chia sẻ: Từ khi sáp nhập về xã Huổi Lếch, chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư nhiều công trình hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Hiện nay, các công trình trường học và hệ thống nước sinh hoạt đã được đầu tư mới. Người dân cũng được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia. Bản còn được giao khoán bảo vệ gần 1.000ha rừng, hàng năm nhận tiền dịch vụ môi trường rừng, giúp cải thiện thu nhập.

Ông Ngô Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Huổi Lếch cho biết: Sắp tới, thực hiện Đề án Bừng sáng Điện Biên, huyện Mường Nhé sẽ đầu tư công trình điện sinh hoạt cho bản Pa Tết. Đối với đường giao thông, UBND xã đã đề xuất danh mục đầu tư trình UBND huyện, dự kiến giai đoạn 2026 - 2030, công trình sẽ được đầu tư xây dựng.

Tiếp tục kiên trì vận động

Bản Nậm Ngà (xã Tà Tổng) có quá trình hình thành, phát triển và vướng mắc tương tự như bản Pa Tết. Hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu cũng đã thống nhất việc chuyển toàn bộ dân cư, hộ khẩu và tổ chức bản Nậm Ngà về xã Huổi Lếch để thống nhất, ổn định dân cư. Điểm khác biệt duy nhất là cho đến nay, người dân bản Nậm Ngà vẫn chưa đồng thuận với chủ trương sáp nhập này.

Cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé gặp gỡ, đối thoại với người dân bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng.

Nhiều năm qua, UBND huyện Mường Nhé đã thành lập tổ công tác do Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn, phối hợp cùng UBND huyện Mường Tè để tuyên truyền, vận động người dân bản Nậm Ngà về việc chuyển bản sang xã Huổi Lếch. Song 100% người dân bản Nậm Ngà đều không đồng ý việc sáp nhập.

Ông Bùi Minh Hải, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cho biết: “Huyện quyết tâm vận động thành công người dân Nậm Ngà đồng ý sáp nhập về xã Huổi Lếch để giải quyết dứt điểm tranh chấp đất đai, ổn định dân cư và thuận tiện cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tại khu vực giáp ranh giữa 2 huyện, 2 tỉnh. Tuy nhiên, công tác này không dễ thực hiện trong một sớm một chiều mà phải thật kiên trì, bền bỉ và nhất quán”.

Từ trung tâm xã Huổi Lếch, chúng tôi cùng tổ công tác của huyện Mường Nhé men theo con đường mòn dài 20km đến bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng (huyện Mường Tè). Anh Ngô Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Huổi Lếch kể: “Tôi không nhớ rõ đây là lần bao nhiêu tôi cùng tổ công tác của huyện đến gặp gỡ, đối thoại với người dân Nậm Ngà. Do chưa có đường giao thông, có đôi lần đoàn công tác phải đi vòng đến trung tâm xã Tà Tổng sau đó mới xuống được bản. Trời nắng còn đi được chứ trời mưa thì đành chịu”.

Mặc dù cấp ủy, chính quyền đã nhiều lần gặp gỡ, vận động song người dân bản Nậm Ngà vẫn chưa đồng thuận sáp nhập về xã Huổi Lếch.

Tại các cuộc gặp gỡ, tổ công tác đã phân tích rõ những thuận lợi của bản sau khi sáp nhập về xã Huổi Lếch. Về chế độ chính sách, dù ở bên nào thì người dân đều được hưởng theo quy định. Tuy nhiên, nếu sáp nhập về Huổi Lếch, việc tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục… sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Cụ thể, bản Nậm Ngà chỉ cách trung tâm xã Huổi Lếch 20km, cách trung tâm huyện Mường Nhé 60km trong khi cách xã Tà Tổng 60km, trung tâm huyện Mường Tè hơn 100km. Giống như bản Pa Tết, bản Nậm Ngà sẽ được đầu tư hạ tầng, được giao khoán quản lý bảo vệ rừng và hưởng lợi từ tiền dịch vụ môi trường rừng.

Anh Nguyễn Đình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé cho biết: “Có những chiến dịch tuyên truyền kéo dài 15 - 20 ngày, tập trung vào hai nội dung chính: Việc tách bản về xã Huổi Lếch và công tác quản lý, giao khoán bảo vệ rừng. Chúng tôi triển khai tuyên truyền từ quy mô tập trung đến cá nhân, nếu không gặp được dân vào ban ngày thì chuyển sang buổi tối; đi một lần không gặp thì kiên trì đi nhiều lần”.

Tổ công tác huyện Mường Nhé tuyên truyền đến người dân bản Nậm Ngà về công tác quản lý, bảo vệ và hưởng dịch vụ môi trường rừng.

Sau nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ, nhận thức của người dân Nậm Ngà đã dần thay đổi. Điển hình là vào năm 2023, khu vực này xảy ra 10 vụ phá rừng, nhưng từ đầu năm 2024 đến nay, tình trạng phá rừng đã không còn tái diễn. Đặc biệt, người dân bản Nậm Ngà đã đồng ý nhận khoán bảo vệ gần 1.000ha rừng tự nhiên thuộc địa phận xã Huổi Lếch.

"Dù việc vận động người dân Nậm Ngà tách về xã Huổi Lếch vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng việc họ chấp thuận nhận khoán bảo vệ rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng là một kết quả tích cực. Điều này đã góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất rừng và phá rừng ở khu vực giáp ranh giữa hai xã Huổi Lếch và Tà Tổng” - ông Ngô Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Huổi Lếch cho biết.

Bài 4: Hình thành thủ phủ “cây tỷ đô” ở Tây Bắc

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top