Phát huy lợi thế, tạo sản phẩm riêng

09:45 - Thứ Năm, 20/10/2022 Lượt xem: 6296 In bài viết

ĐBP - Nằm trong liên kết các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Điện Biên có chung nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các địa phương khác, như: Cảnh quan hùng vĩ, đặc trưng về địa hình, khí hậu và hệ sinh thái đa dạng; nơi sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số với những nét văn hóa đặc sắc; những di tích lịch sử - văn hóa… Bên cạnh điểm chung, Điện Biên cũng có những nét riêng, đang dần tạo ra các sản phẩm đặc thù, độc đáo thu hút du khách và thúc đẩy du lịch phát triển.

Thực hành, giới thiệu lễ cúng cơm mới của dân tộc Lào tỉnh Điện Biên tại Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ III, năm 2022.

Những năm trở lại đây, việc đầu tư các sản phẩm du lịch gắn với đặc thù của từng vùng được tỉnh quan tâm triển khai với hình thức đa dạng, chất lượng được nâng lên, tập trung vào các nhóm chủ yếu: Du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái - khám phá, du lịch tâm linh đã thu hút được lượng lớn khách du lịch và người dân quan tâm tham quan và trải nghiệm. Trong đó, di tích Chiến trường Điện Biên Phủ là di tích có một không hai trên thế giới mang giá trị, vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ đối với dân tộc ta mà còn có giá trị, ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Bởi vậy, tỉnh Điện Biên luôn xác định du lịch lịch sử là nòng cốt của du lịch địa phương, tương lai sẽ đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Các điểm di tích thành phần thuộc quần thể Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ, như: Đồi A1, hầm Đờ Cát, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng vẫn đều đặn mở cửa đón khách tham quan. Một số trải nghiệm mới, như: Trải nghiệm làm Chiến sĩ Điện Biên đang được cơ quan quản lý nghiên cứu đưa vào phục vụ du khách. Phát huy lợi thế về du lịch lịch sử, tỉnh ta còn xây dựng bức tranh Panorama lớn nhất Đông Nam Á tái hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật mà còn là sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn và riêng có của Điện Biên. Đồng hành với du lịch lịch sử, Điện Biên cũng tập trung phát triển loại hình du lịch tâm linh. Với 4 nghĩa trang liệt sĩ quốc gia và các địa điểm văn hóa tâm linh: Đền thờ tướng quân Hoàng Công Chất, khu văn hóa tâm linh Linh Sơn, Linh Quang thời gian qua đã thu hút không ít du khách. Mới đây, Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ khánh thành tạo thêm một điểm nhấn quan trọng nữa trong loại hình du lịch tâm linh... Theo nhiều du khách tới Điện Biên dịp gần đây, bức tranh Panorama và Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ là 2 điểm không thể không đến trong hành trình khám phá mảnh đất cực Tây Tổ quốc.

Ngoài di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, tỉnh ta còn có 14 di tích cấp quốc gia, 14 di tích cấp tỉnh. Tỉnh còn có nghệ thuật xòe Thái, thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và 14 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, qua đó tạo nên dấu ấn riêng độc đáo. Công tác phục dựng, khai thác một số lễ hội truyền thống tiêu biểu như Lễ cầu mưa, Lễ tra hạt (dân tộc Khơ Mú); Tết té nước (dân tộc Lào); Xên bản (dân tộc Thái)... từng bước đi vào chiều sâu, dần trở thành hoạt động thường niên, góp phần làm phong phú sản phẩm du lịch của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng thành công Lễ hội Hoa Ban, đưa bông hoa ban xinh đẹp, trắng trong trở thành thương hiệu đặc trưng, gắn liền với hình ảnh của Điện Biên. Cùng với đó, tỉnh ta tổ chức 4 cuộc thi phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ khách du lịch, lựa chọn được 14 sản phẩm công nghiệp tiêu biểu, điển hình như: Hộp đựng chè của Hợp tác xã Anh Minh; váy hoa văn con công; bộ váy áo nữ dân tộc Thái đen, Thái trắng; khăn piêu, khăn tay, khăn quàng cổ; rượu Moutain queen...; tổ chức 33 cuộc hội chợ thương mại trên địa bàn tỉnh, tham gia 31 triển lãm trong và ngoài nước trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm hàng hóa của tỉnh đến du khách trong nước, ngoài nước và nhân dân trong tỉnh.

Đến hết năm 2021 có 14/46 công trình, dự án được đầu tư, đạt 30,4%. Trong đó, ngoài bức tranh Panorama và Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ, nhiều di tích, danh thắng khác được xây dựng, trùng tu, tôn tạo hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Di tích Chiến trường Điện Biên Phủ; khu tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng”; đầu tư, xây dựng Trung tâm Giao lưu văn hóa và thông tin du lịch Điện Biên Phủ; nâng cấp tuyến đường từ TP. Điện Biên Phủ đến Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ... Ngoài ra, tỉnh đã cải tạo và sửa chữa được 198,74km quốc lộ và tỉnh lộ tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển khách du lịch bằng đường bộ. Tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng hệ thống năng lượng, viễn thông, cấp nước, bến xe; trồng mới, chăm sóc, bảo vệ một số diện tích cây hoa ban... thúc đẩy phát triển du lịch và dịch vụ của tỉnh.

Trong 8 tỉnh Tây Bắc, Điện Biên là tỉnh duy nhất có sân bay dân dụng. Tuy quy mô còn hạn chế nhưng phần nào tháo gỡ được khó khăn về giao thông cho một tỉnh miền núi như Điện Biên. Điều đáng mừng là mới đây, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án Đầu tư, xây dựng mở rộng cảng Hàng không Điện Biên và việc tỉnh Điện Biên phối hợp với Công ty Cổ phần hàng không Tre Việt khai thác đường bay thẳng Điện Biên - TP. Hồ Chí Minh, Điện Biên - Hà Nội đã góp phần quan trọng cho du lịch của tỉnh phát triển, nhất là giai đoạn phục hồi hậu Covid-19.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đón hơn 8,1 triệu lượt khách du lịch; trong đó, Lào Cai vẫn là tỉnh top đầu khu vực với 1,8 triệu lượt, tiếp đến Sơn La (1,6 triệu lượt), Hòa Bình (1,5 triệu lượt), Hà Giang (1,1 triệu lượt), Yên Bái (gần 806.000 lượt), Phú Thọ (hơn 739.000 lượt), Điện Biên (331.000 lượt) và Lai Châu (hơn 187.000 lượt). Nhìn vào những con số trên có thể thấy, sự phục hồi của du lịch 8 tỉnh Tây Bắc sau giai đoạn dịch bệnh khó khăn. Dẫu vậy, những con số đó cũng đang cho thấy Điện Biên vẫn còn nhiều việc phải làm để phát huy hơn nữa thế mạnh của mình, biến chúng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển chung của liên kết vùng Tây Bắc mở rộng.

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top