Phát triển du lịch cộng đồng

09:01 - Thứ Năm, 03/11/2022 Lượt xem: 9171 In bài viết

ĐBP - Phát huy tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa các dân tộc, những năm gần đây một số huyện trên địa bàn tỉnh quan tâm phát triển du lịch cộng đồng. Đây là loại hình du lịch phù hợp với xu thế hiện nay, hứa hẹn tạo bước đột phá, góp phần làm đa dạng các sản phẩm du lịch, xây dựng kinh tế du lịch Điện Biên phát triển bền vững.

Người dân và du khách nắm tay trong vòng xòe đoàn kết nhân dịp điểm du lịch cộng đồng bản Nà Sự, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) mở cửa đón khách.

Du lịch cộng đồng không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn là dịp để bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Mặt khác, với nguồn chi tiêu của du khách khi đến các bản văn hóa du lịch sẽ là nguồn thu nhập giúp người dân cải thiện cuộc sống, mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho các thôn, bản.

Để phát triển mô hình du lịch cộng đồng, từ năm 2003, tỉnh ta đã lựa chọn 8 bản để xây dựng thành mô hình bản văn hóa phục vụ khách du lịch. Mỗi bản được hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cộng đồng; chọn các hộ gia đình có điều kiện phù hợp để xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn. Từ đó đến nay, phong trào làm du lịch cộng đồng đã phát triển ra nhiều thôn, bản tại nhiều địa bàn. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng làm du lịch của cộng đồng cho các thôn bản có tiềm năng. Nhiều gia đình đã chủ động cải tạo, nâng cấp nhà cửa; chỉnh trang đường, ngõ; phục dựng một số lễ hội truyền thống để phục vụ khách du lịch; khôi phục các nghề sản xuất thủ công truyền thống. Nhờ đó, đến nay có nhiều thôn bản đã phát triển loại hình du lịch cộng đồng, thu hút khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như: Du lịch cộng đồng bản Che Căn (xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ); Mường Then (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên); Phiêng Lơi (xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ)...

Mới đây nhất, 16/10/2022, điểm du lịch cộng đồng bản văn hóa Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) đã chính thức đón khách du lịch. Đây là điểm du lịch cộng đồng đầu tiên trên địa bàn huyện vùng cao, biên giới Nậm Pồ.

Bản Nà Sự nằm bên quốc lộ 4H, thuộc tuyến Mường Nhé - Điện Biên Phủ, cách trung tâm TP. Điện Biên Phủ khoảng 120km. Nà Sự là bản đồng bào dân tộc Thái, có 139 gia đình, còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Ông Khoàng Văn Van, Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa cho biết: Điểm du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự được xây dựng thành công trên cơ sở sự đoàn kết, đồng lòng đóng góp công sức của toàn thể bà con dân bản cùng sự hỗ trợ ngày công của gần 500 đoàn viên thanh niên các xã lân cận; sự động viên, khích lệ của cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ.

Nà Sự hôm nay đã khoác lên mình “chiếc áo mới”. Những con đường đá cuội dẫn vào bản, ra suối, ra khu sản xuất; khuôn viên sạch đẹp, thân thiện môi trường... Tất cả được tạo nên từ các vật liệu có sẵn tại địa phương thông qua những đôi bàn tay khéo léo của người dân. Đến điểm du lịch cộng đồng bản Nà Sự, du khách sẽ được khám phá, trải nghiệm thực tế sinh hoạt, lao động sản xuất của bà con dân tộc Thái; trực tiếp tham gia chế biến món ăn; giao lưu văn hóa, văn nghệ; thưởng thức ẩm thực địa phương; nghỉ ngơi tại các gia đình trong bản. Với phương châm “vừa làm vừa học hỏi”, việc xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng tại bản Nà Sự được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của xã. Xã Chà Nưa cũng đề nghị Phòng Văn hóa thông tin huyện Nậm Pồ, Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức về làm du lịch cộng đồng; phong thái phục vụ bài bản, chuyên nghiệp cho người dân.

Người dân bản Nà Sự làm cọn nước phát triển du lịch.

Tủa Chùa là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Những năm gần đây, làm du lịch cộng đồng đã được hiện thực hóa bằng nhiều mô hình tại các thôn bản văn hóa. Hiện nay, tại các xã như: Sín Chải, Tả Phìn, Mường Báng, Mường Đun, Tủa Thàng đã và đang xây dựng, hình thành các mô hình du lịch cộng đồng.

Tiên Phong là 1 trong 2 bản được xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) lựa chọn để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Đến Tiên Phong, chúng tôi cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực nơi đây. Cảnh quan thoáng đãng, môi trường xanh, sạch, đẹp với những đường hoa rực rỡ. Đường bê tông nội bản được bà con đồng lòng góp sức hoàn thành để thay thế những con đường đất đá gồ ghề. Những ngôi nhà sàn khang trang gắn biển homestay được trang trí bắt mắt... Các gia đình trong bản đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, chỉnh trang nhà cửa, công trình vệ sinh, dọn dẹp cảnh quan môi trường và chuẩn bị sẵn sàng thực phẩm để cung cấp tại chỗ.

Gia đình ông Lò Văn Quyến là một trong những hộ đầu tiên của bản Tiên Phong đăng ký làm homestay. Ông Quyến cho biết: Làm du lịch cộng đồng là hướng phát triển kinh tế mới. Dù mới đi vào hoạt động hơn 1 tháng, điểm du lịch cộng đồng của bản đã có nhiều du khách tìm đến và trải nghiệm dịch vụ. Để chuẩn bị tiếp đón khách du lịch, gia đình tôi đã chuẩn bị chu đáo nơi ăn, nghỉ, thực phẩm sẵn có luôn tươi ngon, đảm bảo chất lượng.

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch cộng đồng, những năm qua công tác xúc tiến, quảng bá đã được UBND tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tăng cường với nhiều hình thức đa dạng và quy mô ngày một mở rộng. Tiêu biểu là thông qua các sự kiện, hội chợ về du lịch; tích cực quảng bá tiềm năng du lịch cộng đồng của Điện Biên qua ấn phẩm thông tin và các website, fanpage trên mạng xã hội... tới du khách trong và ngoài nước.

Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top