Tất cả các nguyện vọng xét tuyển (theo các ngành, các phương thức, cơ sở đào tạo) được đăng ký trực tuyến, lọc ảo chung; cập nhật kết quả học tập trung học phổ thông lên cơ sở dữ liệu ngành đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và xét tuyển… nhằm khắc phục những bất cập trong tuyển sinh, là những nội dung dự kiến đổi mới trong tuyển sinh năm 2022 được bàn thảo tại hội nghị tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Ðào tạo tổ chức chiều 16/3.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, năm 2022 sẽ điều chỉnh những nội dung mang tính kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cao nhất cho thí sinh và các cơ sở đào tạo, đồng thời bảo đảm khách quan, công bằng, tạo sự đồng thuận trong xã hội về tuyển sinh.
Đăng ký xét tuyển qua Cổng dịch vụ công quốc gia
Ðánh giá của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho thấy, năm 2021 mặc dù chịu tác động của dịch Covid-19 nhưng nhờ sự thích ứng, linh hoạt kịp thời nên công tác tuyển sinh đạt kết quả tốt. Số thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng sư phạm chiếm 77,78% số thí sinh đăng ký dự thi. Ðáng chú ý, nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công tác điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển được thực hiện 100% bằng hình thức trực tuyến.
Tuy nhiên, quá trình tuyển sinh năm 2021 cũng còn bất cập khi các trường sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho một ngành, nhưng phân bổ chỉ tiêu không hợp lý; hoặc tuyển sinh không đúng với chỉ tiêu đã công bố cho từng phương thức xét tuyển, dẫn đến không bảo đảm công bằng đối với thí sinh, gây hệ quả không tốt trong dư luận xã hội. Mặt khác, việc áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, tiến hành gọi thí sinh nhập học sớm, mà không cập nhật dữ liệu lên hệ thống chung, dẫn tới số lượng thí sinh ảo lớn, đồng thời chưa tạo điều kiện cho thí sinh lựa chọn được ngành học theo đúng nguyện vọng ưu tiên nhất, có năng lực nhất.
Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Nguyễn Thu Thủy cho biết, để khắc phục những hạn chế trong công tác tuyển sinh, năm 2022, sẽ tận dụng triệt để ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác đăng ký xét tuyển, xét tuyển và trao đổi dữ liệu. Trong đó, dự kiến thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ở tất cả các phương thức xét tuyển bằng hình thức trực tuyến trên cùng một hệ thống. Thí sinh cũng được đăng ký xét tuyển không giới hạn số lần trong thời gian quy định. Việc đăng ký xét tuyển thực hiện sau khi thí sinh thi xong tốt nghiệp THPT đến sau khi thí sinh có điểm phúc khảo. Các sở giáo dục và đào tạo cập nhật kết quả học tập (lớp 10, lớp 11, lớp 12) lên cơ sở dữ liệu ngành, đồng thời kiểm tra rà soát dữ liệu này sau khi được đồng bộ sang hệ thống quản lý thi và tuyển sinh để các cơ sở đào tạo sử dụng làm căn cứ xét tuyển theo kết quả học tập. “Thí sinh đăng ký tất cả nguyện vọng lên hệ thống trực tuyến, có thể qua cổng dịch vụ công quốc gia, cổng thông tin của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Các cơ sở đào tạo xét tuyển tất cả các phương thức và đưa lên hệ thống để lọc ảo và thí sinh xác nhận nhập học trực tiếp lên hệ thống. Các điểm này tạo điều kiện cho thí sinh rất nhiều, giúp giảm thủ tục hành chính và chi phí xã hội”- Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết.
Cần sớm ban hành quy chế tuyển sinh
Thảo luận về dự kiến những điểm mới trong tuyển sinh năm 2022, ý kiến của đại diện các trường đại học, các sở giáo dục và đào tạo đều cho rằng, đó là những đổi mới cần thiết, phù hợp thực tế hiện nay, tạo thuận lợi cho cả các trường và thí sinh. Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Phạm Văn Cường cho rằng, việc sử dụng phần mềm đăng ký, lọc ảo chung là cần thiết, giảm tải khá nhiều công việc cho các cơ sở đào tạo, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Tuy nhiên, để công tác tuyển sinh hiệu quả, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực nhu cầu nguồn nhân lực lớn nhưng tỷ lệ đăng ký xét tuyển, nhập học còn chưa nhiều như khối ngành nông, lâm, thủy sản thì cần sự hỗ trợ của Bộ Giáo dục và Ðào tạo trong việc truyền thông, tư vấn lựa chọn ngành nghề cho thí sinh.
PGS, TS Bùi Ðức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng, những dự kiến đổi mới trong tuyển sinh là phù hợp, nhất là việc Bộ Giáo dục và Ðào tạo chủ trương để các sở giáo dục và đào tạo cập nhật dữ liệu kết quả học tập THPT của thí sinh đồng bộ với hệ thống chung quản lý thi, tuyển sinh. Tuy nhiên, hiện thời gian cho công tác tuyển sinh không còn nhiều, các trường đã công bố phương án tuyển sinh nhưng đều là dự kiến vì chưa có quy chế tuyển sinh chính thức. Trong khi đó, các thí sinh muốn tìm hiểu thông tin xét tuyển để lựa chọn nguyện vọng, trường đăng ký xét tuyển cũng chỉ là tham khảo. “Vì vậy, việc cần thiết hiện nay là Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần sớm ban hành quy chế tuyển sinh để những điểm mới trở thành những quy định chính thức giúp các trường và thí sinh có cơ sở thực hiện” - PGS, TS Bùi Ðức Triệu chia sẻ.
Phó Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trung Kiên cho rằng, những điểm mới dự kiến trong tuyển sinh năm 2022 là phù hợp, nhất là việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần sớm ban hành quy chế tuyển sinh để các trường triển khai thực hiện, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Theo Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Hoàng Minh Sơn, năm 2021 trong điều kiện dịch bệnh, phải tổ chức hai đợt thi tốt nghiệp THPT với nhiều diễn biến phức tạp, nhưng công tác tuyển sinh vẫn đạt được kết quả tốt. Năm 2022, ngành giáo dục sẽ tập trung chính vào giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trao đổi dữ liệu để thí sinh đăng ký dự thi, nộp các hồ sơ minh chứng đơn giản hơn, cơ hội lựa chọn tốt hơn; các trường đại học chọn được thí sinh phù hợp ngành nghề đào tạo hơn... Những giải pháp mới cũng bảo đảm sự phù hợp lựa chọn phương thức xét tuyển, lựa chọn tổ hợp xét tuyển của các trường. Bộ Giáo dục và Ðào tạo sẽ hoàn thiện và sớm ban hành quy chế tuyển sinh chính thức để các trường, thí sinh triển khai thực hiện tuyển sinh hiệu quả.