ĐBP - Bạo lực học đường vẫn là vấn đề “nóng” mỗi năm học. Tình trạng này vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên bạo lực học đường đã và đang dịch chuyển ra ngoài nhà trường, hầu hết xảy ra giữa học sinh với học sinh, cách xử lý mâu thuẫn có xu hướng bạo lực, kích động, để lại hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy công tác phòng, chống bạo lực học đường ngày càng quan trọng, cấp thiết.
Bạo lực học đường có thể xảy ra ở mọi cấp học, với nhiều hành vi, yếu tố, chủ thể khác nhau, giữa học sinh với học sinh, cán bộ, giáo viên với học sinh, phụ huynh với học sinh. Đáng lo ngại nhất hiện nay là bạo lực giữa học sinh với học sinh, ở giai đoạn các em thay đổi tâm sinh lý, hình thành nhân cách. Chỉ từ mâu thuẫn rất nhỏ giữa học sinh như một câu nói, ánh nhìn, trêu đùa chưa đúng lúc... nhưng không được chia sẻ, không biết cách giải tỏa cảm xúc tiêu cực cá nhân, có thể tích tụ bùng phát dẫn đến bạo lực.
Thực tế các vụ việc bạo lực trong độ tuổi học sinh liên quan chủ yếu đến những vấn đề nhỏ ấy, nhiều nhất là ý thức chấp hành giao thông và lời nói, bình luận trên môi trường mạng. Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhận định: “Để hạn chế nguy cơ bạo lực cả trong và ngoài nhà trường thì việc kiểm soát, giáo dục đạo đức cho học sinh rất quan trọng. Cùng với đó quan tâm, chia sẻ, nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh để kịp thời tháo gỡ, hòa giải, ngăn chặn bạo lực. Tại các hội thi, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao trong nhà trường, cũng quán triệt phải khách quan, minh bạch, công bằng để học sinh cạnh tranh vui vẻ, hạn chế tạo mâu thuẫn trong học sinh...”.
Có nhiều nguyên nhân gia tăng tình trạng bạo lực học đường, đến từ thay đổi tâm sinh lý của chính các em, từ môi trường sống, gia đình và xã hội... Một trong những tác động ấy là việc các em được tiếp cận sớm, nhiều, thậm chí không có sự kiểm soát với các thiết bị điện tử thông minh và mạng xã hội. Khi các em dành quá nhiều thời gian cho không gian mạng, nhất là các phim ảnh, game mang tính bạo lực... sẽ ảnh hưởng nhiều đến tính cách, dễ nóng nảy, kích động. Đây cũng là nguyên nhân nguy cơ với những địa bàn trung tâm như TP. Điện Biên Phủ. Bởi vậy, ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường cần phối hợp với gia đình giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh. Bà Lê Thị Hồng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Phòng chỉ đạo các nhà trường quan tâm tới học sinh trên cả các mạng xã hội. Nếu phát hiện học sinh có biểu hiện gây gổ, bình luận hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn thì kịp thời ngăn chặn, giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Cán bộ, chuyên viên của Phòng xuống nhà trường chỉ đạo sát sao, với học sinh tham gia đánh nhau, sử dụng bạo lực sẽ mời trực tiếp phụ huynh, hội phụ huynh đến trao đổi, làm việc, có biện pháp xử lý vừa nghiêm khắc vừa có tính giáo dục. Cả những học sinh đứng ngoài thờ ơ, vô cảm, quay điện thoại, cổ vũ trước những sự việc đó cũng sẽ nhắc nhở, răn dạy, giáo dục phù hợp”.
Đối với địa bàn miền núi như tỉnh ta, phòng, chống bạo lực học đường còn có đặc thù liên quan đến việc ở nội trú. Tại đây, các em đến từ nhiều dân tộc, địa phương khác nhau, với đặc trưng văn hóa, lối sống, thói quen, quan điểm khác biệt, nhưng lại cùng ăn ở, học tập, sinh hoạt. Vì thế dễ mâu thuẫn, bất đồng, chia bè phái, nguy cơ xảy ra bạo lực học đường cao. Trước vấn đề này, đầu năm học hàng năm, Trường PTDTNT THPT huyện Nậm Pồ kiện toàn Ban Chỉ đạo Phòng, chống bạo lực học đường, Tổ tư vấn tâm lý học đường và triển khai nhiều hoạt động, giải pháp ngăn chặn. Thầy Nguyễn Văn Tập, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh, nhất là học sinh mới lớp 10 về tôn trọng sự khác biệt của bạn bè trong trường, trong lớp. Đồng thời quản lý chặt chẽ giờ giấc sinh hoạt, ra vào trường của học sinh; phối hợp với ban quản lý nội trú, đoàn thanh niên, giáo viên chủ nhiệm, ban cán sự lớp nắm bắt tâm tư học sinh, phát hiện mâu thuẫn để cử giáo viên trò chuyện, tìm hiểu nguyên nhân, giảng hòa, dập tắt nguy cơ bạo lực. Nhờ đó những năm qua không xảy ra tình trạng bạo lực trong Trường, cũng như không có học sinh của Trường tham gia các hành động bạo lực trong và ngoài học đường”.
Bạo lực học đường - vấn đề không mới nhưng vẫn gây nhiều trăn trở. Phòng, chống bạo lực học đường giữa học sinh với học sinh không phải trách nhiệm riêng của ngành Giáo dục mà của cả xã hội, quan trọng nhất là vai trò của gia đình trong chia sẻ tâm tư, nuôi dưỡng nhân cách, vun đắp tình yêu thương cho con em mình.