Vấn đề hôm nay

Quan tâm hơn nữa công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia

20:34 - Thứ Hai, 21/11/2022 Lượt xem: 6250 In bài viết

ĐBP - Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh được cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương quan tâm, chỉ đạo sát sao và hàng năm đều dành nguồn lực khá lớn cho vấn đề này. Giai đoạn 2016 - 2021 nguồn ngân sách đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của tỉnh là 1.418 tỷ đồng. Trong đó: Nguồn ngân sách nhà nước 1.287,2 tỷ đồng; nguồn xã hội hóa 130,8 tỷ đồng.

Nhờ đó, hiện toàn tỉnh có 342/464 trường học mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 73,7%). Trong đó: 117/170 trường mầm non đạt chuẩn (tỷ lệ 68,8%); 106/139 trường tiểu học đạt chuẩn (tỷ lệ 76,3%); 98/121 trường THCS đạt chuẩn (tỷ lệ 81,0%); 21/33 trường THPT đạt chuẩn (tỷ lệ 63,6%).

Công tác quản lý, xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo đã dần đáp ứng yêu cầu về Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học cơ bản đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ về cơ cấu, gương mẫu trách nhiệm với nghề nghiệp, giỏi chuyên môn nghiệp vụ. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ đào tạo chiếm tỷ lệ 79,9%.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giáo viên được ngành GD - ĐT quan tâm. Hàng năm đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các đề án, kế hoạch và chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, ngành về công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; bồi dưỡng phẩm chất và nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Các trường học tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày; thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường Tiếng việt cho học sinh dân tộc thiểu số, các chuyên đề chuyên môn về ngoại ngữ, tin học; tăng cường tổ chức bán trú cho học sinh, đồng thời tổ chức các hoạt động giáo dục đa dạng, phong phú, qua đó giáo dục đạo đức và các kỹ năng sống cho học sinh. 

Thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia nên thành tích đạt được khá ấn tượng, cơ bản làm yên lòng các nhà quản lý, tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành GD - ĐT và các thế hệ học sinh. 

Tuy nhiên, khách quan đánh giá, công cuộc xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh cũng còn một số tồn tại, hạn chế, cần khắc phục. Đó là, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chưa đồng đều giữa các cấp học, nhất là cấp học mầm non, THPT và giữa địa bàn các huyện. Một số huyện có tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia chưa cao như: Mường Nhé (40,5%), Tủa Chùa (48,78%), Điện Biên Đông (51,7%)... 

Toàn tỉnh hiện còn 122 trường học chưa đạt chuẩn quốc gia mức độ I và 15 trường học quá hạn chưa công nhận lại chuẩn quốc gia. Trong đó tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ II chưa nhiều. Một số trường đã được công nhận chuẩn quốc gia nhưng chưa đảm bảo các tiêu chí theo quy định: cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu đồng bộ, hư hỏng và xuống cấp, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu phục vụ dạy và học…

Xây dựng trường chuẩn quốc gia là chủ trương lớn của tỉnh, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài cho địa phương và đất nước; thúc đẩy KT - XH phát triển. Do vậy, vấn đề này cần được quan tâm sát sao và dành nguồn kinh phí nhiều hơn nữa, nhất là giai đoạn đến năm 2025 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. 

Làm được điều đó, trước nhất, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần quan tâm nhiều hơn đến công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Chú trọng việc quy hoạch đất đai, dành quỹ đất, nguồn kinh phí (nhà nước và nguồn xã hội hoá) đủ lớn để đầu tư xây dựng trường, lớp học đảm bảo đạt chuẩn tại các địa phương còn hạn chế, chưa đạt chuẩn giai đoạn 2016 - 2021. Cùng với đó, quan tâm hơn nữa đến công tác tuyển dụng giáo viên đối với cấp mầm non và giáo viên một số bộ môn chuyên biệt: Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học… để bổ sung kịp thời cho những nơi còn thiếu giáo viên. Kịp thời nắm bắt tâm tư, khuyến khích, động viên giáo viên nỗ lực vượt qua khó khăn, tâm huyết với nghề, yên tâm công tác để dạy dỗ học sinh. Một mặt, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hàng năm, rèn luyện tay nghề, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Vì thực tế hiện nay, một số giáo viên chưa tích cực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, chậm thay đổi phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 nên ảnh hưởng đến thành tích chung toàn ngành, chưa làm yên lòng các bậc phụ huynh.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top