Tập trung vận động học sinh THPT bỏ học trở lại trường

10:22 - Thứ Bảy, 11/02/2023 Lượt xem: 5718 In bài viết

ĐBP - Sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, mặc dù ngành Giáo dục và Đào tạo đã rất nỗ lực trong công tác huy động học sinh trở lại trường, lớp song đến thời điểm này tại một số địa phương, nhất là ở địa bàn vùng cao, nhiều học sinh cấp THPT vẫn chưa đi học. Có em đã bỏ học để về các tỉnh, thành miền xuôi tìm việc làm, có trường hợp lấy chồng, vợ sớm hoặc bị dụ dỗ mắc các tệ nạn xã hội nên càng khó hơn để vận động các em đi học trở lại.

Ông Cù Huy Hoàn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra tại Trường  PTDTBT THCS Trung Thu, huyện Tủa Chùa.

Năm học 2022-2023, Trường THPT Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) có 560 học sinh, chủ yếu là con em ở các xã: Mường Luân, Luân Giói, Chiềng Sơ, Háng Lìa và Tìa Dình. Xác định đời sống nhân dân ở đây còn nhiều khó khăn, điều kiện kinh tế hạn chế phần nào ảnh hưởng đến việc học hành của các em. Do vậy, mỗi dịp sau Tết Nguyên đán hàng năm, nhà trường tìm mọi giải pháp để ngăn chặn học sinh bỏ học. Thế nhưng đến thời điểm này vẫn còn 16 học sinh bỏ học, chưa đến trường.

Thầy giáo Trần Đình Quang, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Năm nay tỷ lệ học sinh bỏ học đi làm ăn xa cao hơn so với năm 2022. Nguyên nhân, do dịch Covid-19 đã được kiểm soát, các công ty thiếu lao động sau tết nên khi các anh chị trong nhà đi làm xa về rủ rê, nhiều em sẵn sàng bỏ học đi theo. Ngoài các em bỏ học đi làm công nhân ở các tỉnh miền xuôi, có nhiều học sinh bỏ học lấy chồng, vì học lực yếu, kết quả học tập thấp, không theo kịp chương trình… Trước thực tế đó, nhà trường đã tập trung tuyên truyền nhắc nhở các em không nên bỏ học, đánh mất tuổi thơ; đồng thời tổ chức các hoạt động thể thao văn nghệ, các hoạt động khai xuân, ngoại khoá, để thu hút học sinh trở lại trường. Cùng với đó, sàng lọc những học sinh có nguy cơ bỏ học và gửi văn bản đến các địa phương để phối hợp vận động học sinh không bỏ học.

Tương tự như Trường THPT Mường Luân, năm học 2022-2023, Trường THPT Nậm Pồ có 694 học sinh, trong đó 532 học sinh bán trú, nhưng đến thời điểm này vẫn còn 8 học sinh bỏ học, tập trung vào khối lớp 10. Thầy giáo Lương Đình Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Các học sinh chưa trở lại trường sau dịp tết có 2 lý do là bỏ học để đi lao động, thứ 2 là do tập tục đồng bào dân tộc thiểu số thường lấy chồng, lấy vợ sớm. Trong khi đó phụ huynh lại không quan tâm, khuyên bảo để con em mình tập trung cho việc học. Chính vì thế, dù nhà trường đã tích cực vận động, song các em vẫn chưa trở lại học tập. Trước tình hình đó, nhà trường đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền; phân công cán bộ, giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và Đoàn trường đến tận nhà để vận động gia đình và học sinh. Đặc biệt là quan tâm điều kiện sinh hoạt, chế độ bán trú cho các em để học sinh yên tâm hơn khi ở trường học tập. Còn một số học sinh có học lực kém, không theo kịp chương trình, nhà trường chỉ đạo đội ngũ giáo viên giảng dạy các nội dung, phương pháp sao cho sát với đối tượng học sinh; tăng cường phụ đạo, bổ trợ kiến thức cho học sinh yếu kém...

Trường THPT Mường Luân phân công giáo viên chủ nhiệm, Đoàn thanh niên đến tận nhà vận động học sinh trở lại trường.

Thực tế, hằng năm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thường xảy ra tình trạng học sinh bỏ học, nhất là học sinh vùng cao. Nguyên nhân chủ yếu là do các em mải vui chơi lễ hội hoặc bận phụ giúp gia đình, thậm chí học sinh còn bị lôi kéo, dụ dỗ đi lao động kiếm tiền. Rút kinh nghiệm từ những năm học trước, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để học sinh đến trường đầy đủ, ổn định tình hình học tập.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo chia sẻ: Để đảm bảo sĩ số học sinh, tăng tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, Sở đã đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện một số nội dung công việc như: Báo cáo và tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp với các tổ chức đoàn thể, Ban Đại diện cha mẹ học sinh và gia đình học sinh để tuyên truyền và áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp với từng đối tượng học sinh để huy động đảm bảo sĩ số học sinh, không để học sinh bỏ giữa chừng. Tập trung rà soát số học sinh nghỉ học không lý do, nguyên nhân học sinh nghỉ học; phân công cán bộ quản lí, giáo viên đến các thôn/bản, các hộ gia đình có học sinh nghỉ học không lý do hoặc đi học không chuyên cần để tuyên truyền, vận động các em đi học trở lại. Xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy bù, phụ đạo, bổ sung kiến thức cho học sinh nghỉ học không lý do, học sinh đi học không chuyên cần…

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top