Vì an toàn sức khỏe của học sinh

08:58 - Thứ Tư, 27/09/2023 Lượt xem: 6083 In bài viết

ĐBP - An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học là vấn đề hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sự phát triển của học sinh. Nhận thức rõ điều đó, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tuần Giáo đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo ATVSTP, nhất là sau khi xảy ra vụ việc một số học sinh của Trường PTDTBT THCS Mùn Chung không may bị ngộ độc do ăn quả dại.

Nhân viên nấu ăn Trường Mầm non Mùn Chung chuẩn bị bữa ăn cho học sinh.

Có mặt tại Trường PTDTBT THCS Mùn Chung, nơi xảy ra vụ việc hơn 40 học sinh phải đến Trung tâm Y tế huyện thăm khám, theo dõi, kiểm tra sức khỏe khi xuất hiện triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy sau khi ăn quả dại; không khí vui chơi, học tập đã trở lại bình thường, không còn sự lo âu, căng thẳng như hôm xảy ra sự việc. Thầy Nguyễn Văn Doanh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Mùn Chung chia sẻ: Hôm xảy ra sự việc, Ban giám hiệu nhà trường và cán bộ, giáo viên đều rất lo lắng cho sức khỏe của các em học sinh. Vì thế, dù chỉ 2 em có triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy, nhưng Trường thuê xe chở cả nhóm học sinh đã ăn quả dại đến Trung tâm Y tế huyện để theo dõi sức khỏe. Rất may, qua một đêm theo dõi tất cả các em đều có sức khỏe ổn định và đã trở lại trường học. Sau tìm hiểu, nguyên nhân là do các em ăn quả vông dại nên bị ngộ độc nhẹ. Sau khi xảy ra sự việc, Trường đã chỉ đạo tăng cường công tác quản lý học sinh và đảm bảo ATVSTP, tránh để xảy ra sự việc tương tự.

Nguồn cung cấp thực phẩm hàng ngày được Trường ký hợp đồng với cơ sở có đủ điều kiện chứng nhận an toàn thực phẩm (ATTP); tất cả thực phẩm khi bàn giao đều đảm bảo tươi ngon, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không dùng các thực phẩm đông lạnh. Việc chế biến được thực hiện đúng theo nguyên tắc một chiều, thực đơn bữa ăn được thay đổi hàng ngày nhằm đảm bảo ATTP và chất lượng bữa ăn cho học sinh. Khu chế biến sạch sẽ, được lau dọn vệ sinh thường xuyên, có đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ nấu ăn. Nhân viên nấu ăn cũng tuân thủ nghiêm các quy định về đảm bảo ATVSTP, được tập huấn kiến thức vệ sinh ATTP, khám sức khỏe định kỳ. Hàng ngày, Ban giám hiệu nhà trường, ban giám sát, công đoàn trường, ban đại diện cha mẹ học sinh đều tham gia kiểm tra, giám sát việc nhập, chế biến thực phẩm, nấu ăn cho học sinh.

Rút kinh nghiệm sau vụ việc vừa qua, Trường quản lý chặt chẽ học sinh, không cho các em ra suối tắm, không tự ý lên nương, lên rừng, mua đồ ăn vặt hoặc mang đồ ăn không rõ nguồn gốc vào trường; phân công cán bộ trực đêm tại khu bán trú của học sinh. Đồng thời, Trường chỉ đạo đội ngũ giáo viên quán triệt học sinh không được ăn các loại cây, quả dại không rõ nguồn gốc để tránh bị ngộ độc…

Bữa ăn trưa của trẻ tại Trường Mầm non Bình Minh (xã Chiềng Đông).

Tại Trường Tiểu học Mùn Chung, công tác đảm bảo ATVSTP cũng được nhà trường đặt lên hàng đầu. Nguyên liệu chế biến được Trường nhập vào buổi sáng hàng ngày từ đơn vị cung ứng đã được ký hợp đồng. Tất cả thực phẩm khi bàn giao đều đảm bảo tươi ngon, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Quá trình chế biến được thực hiện đảm bảo, thực đơn bữa ăn thay đổi thường xuyên để phù hợp với khẩu vị của học sinh. Trường cũng có 2 nhà ăn riêng với đầy đủ bàn ghế, bát đĩa, quạt mát phục vụ việc ăn uống của học sinh. Hiện Trường có 187 học sinh đang ăn bán trú, với định mức 30.000 đồng/ngày các em được ăn 3 bữa: Bữa sáng, trưa và tối. Song song với việc đảm bảo ATVSTP trong trường học, Trường đẩy mạnh tuyên truyền cho học sinh không được ăn các loại cây, quả dại; không để các em tự ý ra ngoài khuôn viên trường để đảm bảo an toàn; không cho học sinh mua đồ ăn vặt ngoài cổng trường hoặc đồ ăn không rõ nguồn gốc vào khu vực bán trú.

Năm học này, Trường Mầm non Mùn Chung có 12 nhóm lớp, gần 280 trẻ. Với mục tiêu chăm sóc tốt từng bữa ăn, giấc ngủ cho trẻ, Trường luôn chú trọng thực hiện nghiêm việc đảm bảo ATVSTP. Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngay từ đầu năm học, Trường đã chủ động xây dựng kế hoạch đảm bảo ATVSTP. Tất cả nguồn nguyên liệu, như: Thịt, cá, trứng, giò, chả, rau, củ, quả… đều được nhập hàng ngày, có chất lượng đảm bảo; kiên quyết loại bỏ, trả lại cơ sở cung cấp nếu không đảm bảo. Quá trình chế biến, nấu ăn, nhân viên làm việc tại bếp đều thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo ATVSTP như đội mũ, đeo găng tay chuyên dùng, tạp dề, đeo khẩu trang. Khu vực ăn của trẻ được bố trí riêng, đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát; thức ăn cũng được Trường lưu mẫu hàng ngày. Ban giám hiệu, nhân viên y tế cũng thường xuyên giám sát, kiểm tra về định lượng bữa ăn, quy trình chế biến, chất lượng thực phẩm để đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhờ làm tốt công tác đảm bảo ATVSTP, nhiều năm qua Trường không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo cho biết: Năm học 2023 - 2024, huyện có 62 trường, thuộc 3 cấp học: Mầm non, tiểu học và THCS. Trong đó, 34 trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh với tổng số khoảng 12.500 suất ăn. Quan tâm đảm bảo ATVSTP trong trường học, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ việc một số học sinh ở Mùn Chung bị ngộ độc nhẹ do ăn quả dại, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường trên địa bàn tăng cường đảm bảo ATVSTP, nguồn nước; phòng, chống học sinh ăn các loại nấm, cây, quả có độc. Gần nhất, vào ngày 18/9 vừa qua, Phòng tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo các trường chủ động đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và ngộ độc do độc tố tự nhiên. Theo đó, các trường có tổ chức bếp ăn tập thể phải đảm bảo các điều kiện về ATTP theo đúng quy định; tăng cường kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm và các khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm; sử dụng thực phẩm nấu chín và nước đã được đun sôi. Phòng GD&ĐT huyện cũng khuyến khích các trường tăng gia sản xuất, như trồng thêm rau xanh, nuôi gà, lợn… để bổ sung nguồn thực phẩm an toàn cho học sinh; tăng cường công tác y tế, vệ sinh môi trường để phòng, chống các bệnh lây truyền. Đặc biệt, các trường cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho học sinh, giáo viên, nhân viên nấu ăn và cha mẹ học sinh về ATTP, vệ sinh cá nhân trong phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương trong giáo dục, hướng dẫn trẻ em, học sinh thực hiện các quy định về ATTP. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát không để bán hàng rong xung quanh cổng trường; huy động ban đại diện cha mẹ học sinh, đoàn thanh niên nhà trường trong việc giám sát công tác ATVSTP; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về ATTP trong trường học, vì mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.

Bài, ảnh: Đức Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top