Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên:

Tháo gỡ khó khăn để bảo đảm tiến độ

14:05 - Thứ Hai, 18/04/2022 Lượt xem: 20401 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên (gọi tắt Dự án), UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương và đơn vị liên quan chủ động, phối hợp chặt chẽ với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trong quá trình thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai xây dựng các hạng mục công trình đáp ứng tiến độ theo kế hoạch. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện những phần việc thuộc trách nhiệm của địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là liên quan đến bãi đổ thải và vật liệu đất đắp.

Hiện ACV đã thi công rà phá bom mìn phần ranh giới xây dựng hàng rào an ninh của Dự án Cảng hàng không thuộc phường Thanh Trường.

Địa điểm đổ thải, xây dựng đơn giá xử lý rác thải; vật liệu đất đắp và báo giá vật liệu là một trong những phần việc của địa phương phải thực hiện khi triển khai đầu tư xây dựng Dự án. Đây cũng là căn cứ quan trọng để cung cấp cho ACV, làm cơ sở lập dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình. Tuy nhiên, đây cũng là những khó khăn, vướng mắc lớn của địa phương gặp phải trong quá trình thực hiện. Để đảm bảo tiến độ của Dự án, và đảm bảo khi ACV triển khai đầu tư xây dựng có địa điểm đổ thải, đất đắp, Sở Xây dựng đã phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan kiểm tra thực địa vị trí, địa điểm, xác định đơn giá tạm thời.

Đến nay, UBND tỉnh đồng ý về chủ trương cho lựa chọn vật liệu đất đắp thông thường tại khu vực điểm mỏ số 6, điểm mỏ số 7, bản Nà Púng, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ; vật liệu đất đắp chọn lọc tại khu vực bản Nghịu, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án. Hiện nay, Sở Xây dựng đã xác định xong đơn giá tạm tính cung cấp cho ACV, làm cơ sở lập dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình. Về phía UBND TP. Điện Biên Phủ đã hoàn thành công tác đo đạc, quy chủ, đang thực hiện công tác kê khai, kiểm đếm cho 45 hộ gia đình, cá nhân và 1 tổ chức, với tổng diện tích 100.469m2 và thực hiện công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.

Huyện Điện Biên cũng đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 6 hộ gia đình, cá nhân với tổng diện tích 9.939m2 và hoàn thiện hồ sơ cho phép các gia đình, cá nhân thực hiện cải tạo, hạ thấp mặt bằng; diện tích còn lại khoảng gần 3.000m2 hiện có tranh chấp, UBND huyện tiếp tục vận động, tuyên truyền nhân dân trong khu vực hòa giải tranh chấp và hoàn thiện các thủ tục theo quy định.

Khu vực đổ thải phục vụ cho Dự án, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương lựa chọn bãi đổ thải số 10 tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Theo đó khu vực đổ thải, chất thải cứng trong xây dựng được tỉnh đưa vào khu thải số 10 xã Thanh Xương, có tổng diện tích 48,19ha (trong đó 1,2ha nằm trong phạm vi dự án đường động lực). Đến nay, UBND huyện Điện Biên đã tiến hành đo đạc, quy chủ sơ bộ, tổng thửa đất nằm trong phạm vi quy hoạch dự án là 246 thửa, phạm vi ảnh hưởng khoảng 200 hộ dân. Hiện đã lập phương án thu hồi, đền bù với giá trị tạm tính 57,96 tỷ đồng và đã tiến hành khảo sát sơ bộ trữ lượng khoáng sản cát có thể khai thác, tận thu làm vật liệu xây dựng thông thường trước khi đổ thải.

Tuy nhiên, phương án đổ thải chất thải trong xây dựng đang vướng mắc về đơn giá xử lý chất thải rắn xây dựng. Do đó, đơn vị lập đơn giá xử lý rác thải rắn xây dựng là không có đủ cơ sở pháp lý. Theo ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng, vướng mắc nhất hiện nay của bãi đổ thải vật liệu xây dựng thuộc chất thải rắn chủ yếu là về đơn giá xử lý chất thải rắn xây dựng. Cụ thể, hiện nay hệ thống định mức dự toán do Bộ Xây dựng ban hành không có định mức xử lý chất thải rắn xây dựng như: đất, đá, phế liệu thanh thải từ dự án công trình xây dựng. Mặt khác, việc xây dựng đơn giá xử lý chất thải rắn xây dựng phải dựa trên cơ sở định mức các hao phí: vật liệu, nhân công, máy thi công và chi phí khác, gồm: bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; chi phí bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, hiện tại không có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với việc xác định đơn giá xử lý chất thải rắn xây dựng. Do đó, việc lập đơn giá xử lý rác thải rắn xây dựng là không có đủ cơ sở pháp lý.

Cũng theo ông Phong, Sở Xây dựng đã vận dụng định mức xử lý phế thải xây dựng tại bãi chôn lấp kèm theo Quyết định 592/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 của Bộ Xây dựng và tạm tính một số chi phí để xác định đơn giá xử lý chất thải rắn xây dựng. Tuy nhiên công tác xử lý phế thải xây dựng tại bãi chôn lấp là công tác dịch vụ công ích đô thị, trong khi đó việc xác định đơn giá xử lý rác thải xây dựng tại bãi thải số 10, xã Thanh Xương để phục vụ việc lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng Dự án. Bên cạnh đó, việc xác định chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng vào trong hao phí của đơn giá xử lý chất thải rắn xây dựng là khoản kinh phí ước tính để chủ nguồn thải chi trả, bù đắp một phần kinh phí thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, không có cơ sở pháp lý quy định và các ngành đều không nhất trí với nội dung hao phí này xác định trong đơn giá.

Để xử lý rác thải rắn xây dựng tại Dự án, Sở Xây dựng đề xuất kiến nghị UBND tỉnh sớm thống nhất với ACV về nội dung đưa chi phí giải phóng mặt bằng khu vực đổ thải tại vị trí số 10, xã Thanh Xương vào cơ cấu chi phí đơn giá xử lý chất thải xây dựng. Đồng thời, thống nhất với ACV chỉ đạo đơn vị tư vấn căn cứ quy định và hướng dẫn về quản lý chi phí đầu tư xây dựng xác định đơn giá đổ thải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ để lập và quản lý chi phí theo quy định. Cùng với đó, chỉ đạo UBND huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ khẩn trương hoàn thiện, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng đối với vị trí đổ thải, đất làm vật liệu san lấp. Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị có liên quan hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép khai thác khoáng sản đối với mỏ đất làm vật liệu san lấp với vị trí điểm mỏ số 6, số 7, bản Nà Púng, phường Thanh Trường để đảm bảo yêu cầu tiến độ thi công của Dự án.

Bên cạnh đó, điểm mỏ số 6, điểm mỏ số 7 về khai thác vật liệu đắp mặc dù đã được UBND tỉnh đồng ý chủ trương về địa điểm khai thác, tuy nhiên, cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch giải phóng mặt bằng mỏ đất đắp số 6, số 7 của UBND TP. Điện Biên Phủ, thời gian dự kiến hoàn thành ngày 17/8/2022 là chậm, không phù hợp với tiến độ khởi công gói thầu đường cảng hàng không, đường lăn của ACV (dự kiến khởi công ngày 1/8/2022). Theo ông Phạm Văn Sỹ, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải, để đảm bảo tiến độ triển khai thực Dự án phù hợp, đáp ứng yêu cầu của ACV, về phía thành phố và huyện Điện Biên cần xây dựng tiến độ, kế hoạch chi tiết; tổ chức triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng sạch để đảm bảo điều kiện thực hiện đổ thải và đất đắp, thời gian hoàn thành trước 1/8/2022. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hoàn trả các công trình hạ tầng bị ảnh hưởng đảm bảo quy định và không làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top