Phát triển thủy sản ở Tuần Giáo

05:47 - Thứ Sáu, 22/04/2022 Lượt xem: 3913 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, việc nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Tuần Giáo vẫn còn manh mún, hiệu quả kinh tế chưa cao. Vì thế, hiện nay huyện đã và đang nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, từng bước hình thành vùng sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung, góp phần mở ra cơ hội để người dân vươn lên xóa đói giảm nghèo bền vững.

Người dân bản Chăn, xã Quài Nưa chăm sóc ao cá.

Là huyện “cửa ngõ” của tỉnh, huyện Tuần Giáo có nhiều tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là hệ thống sông suối phong phú, nguồn nước ổn định, khí hậu phù hợp với điều kiện sinh sống, nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang phát triển nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi từ ngân hàng, chương trình hỗ trợ sản xuất của các tổ chức hội, đoàn thể... đầu tư xây dựng bể nuôi, hệ thống ống dẫn nước, thức ăn đối với những hộ có hướng nuôi cá nước lạnh và xây dựng mới, đào, sửa chữa hệ thống ao, kênh dẫn nước đối với các hộ nuôi thủy sản thông thường theo cách truyền thống. Khuyến khích và có chính sách phù hợp đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức đầu tư nuôi cá nước lạnh.

Cùng với đó, huyện Tuần Giáo chỉ đạo các phòng chuyên môn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi thủy sản chọn giống cá phù hợp khí hậu địa phương (trắm, chép, mè, trôi, cá tầm, hồi…); ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, chủ động phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Hiện toàn huyện có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 295ha, sản lượng đạt 426 tấn; chủ yếu tập trung ở các xã: Quài Cang, Quài Nưa, Quài Tở, Mùn Chung... Trong đó, Công ty TNHH Sơn Hạnh đầu tư nuôi cá hồi, cá tầm tại xã Tênh Phông với tổng diện tích mặt nước khoảng 1.000m2. Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển, nuôi trồng thủy sản không chỉ tạo thêm sinh kế bền vững, hướng đi mới trong phát triển kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương; tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn.

Là một trong những hộ đi đầu trong phát triển thủy sản, gia đình anh Quàng Văn Ân, bản Chăn, xã Quài Nưa đã từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Anh Ân chia sẻ: Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi cho việc phát triển thủy sản, năm 2014 từ số tiền tích góp và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhà tôi đầu tư đào ao, mua cá giống về thả... Những năm đầu, vì thiếu kinh nghiệm, cá hay bị dịch bệnh, phát triển không đồng đều, năng suất thấp. Vì thế, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các hộ nuôi trước, tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh trên sách, báo, thông tin truyền thông; chủ động đăng ký tham gia lớp tập huấn, dạy nghề nuôi cá nước ngọt do huyện, xã tổ chức. Tới nay, nhà tôi có gần 1.000m2 diện tích ao cá, sản lượng bình quân đạt 3 - 4 tạ cá thành phẩm, mang lại nguồn thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, để tiếp tục khai thác lợi thế tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, theo ông Trần Khoa Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tuần Giáo: Huyện tiếp tục thu hút, mời gọi các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân vào lĩnh vực phát triển, nuôi trồng thủy sản; triển khai xây dựng các vùng nuôi thủy sản tập trung, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, đưa các giống thủy sản mới có năng suất, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao vào nuôi ở các vùng có điều kiện phát triển nuôi thâm canh hàng hóa, theo hướng chuyên canh, VAC kết hợp... Thực hiện quy trình sản xuất giống, du nhập giống có chất lượng cao, sạch bệnh vào nuôi; giám sát công tác vệ sinh môi trường, phòng bệnh, con giống, thức ăn, thuốc thú y, hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản. Khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi đất bạc màu, năng suất thấp sang nuôi trồng thủy sản. Từ đó, đánh thức tiềm năng phát triển thủy sản, tạo thêm sinh kế bền vững, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân vùng cao.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top