Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Điện Biên Phủ trong trái tim người lính

09:42 - Thứ Hai, 15/04/2024 Lượt xem: 3591 In bài viết

ĐBP - Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng ký ức về những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của các chiến sĩ Điện Biên. Để rồi mỗi lần có dịp ôn lại một thời binh nghiệp, những người lính năm xưa như không giấu nổi sự xúc động, tự hào về năm tháng đầy gian khổ mà hào hùng của dân tộc đã làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chiến sĩ Điện Biên Hoàng Tiến Lực nhớ lại ký ức hào hùng, một thời binh nghiệp.

Trong ký ức chiến sĩ Điện Biên Hoàng Tiến Lực, xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa hình ảnh hào hùng của đồng đội, ký ức về những ngày tháng chiến đấu khốc liệt, hi sinh anh dũng của đồng đội chưa bao giờ phai mờ. Khi chúng tôi mở lời về cuộc chiến, cụ Lực đã kể về những ngày tháng dầm mình trong mưa bom, bão đạn bằng những dòng cảm xúc dâng trào của một người từng vào sinh ra tử.

“Trong lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ, trận chiến tiêu diệt địch ở đồi A1 là một trong những trận đánh ác liệt nhất, thắng lợi vang dội nhất. Lúc tấn công, khi phòng ngự, giành giật nhau từng tấc đất, cứ người này ngã xuống, người khác xông lên, bền gan, vững chí tiêu diệt quân thù. Ngày ấy, tôi thuộc Đại đội 506, Trung đoàn 174 nên được tham gia cả 3 đợt của chiến dịch. Tôi ở đơn vị tải thương nên lúc nào cũng phải theo sát đơn vị chiến đấu. Thời gian này ở Điện Biên mưa nhiều nên hào giao thông lầy lội, chúng tôi phải đội cáng lên đầu mới vận chuyển được thương binh và những người đã hi sinh về phía sau mặt trận. Bùn đất và máu thương binh rơi xuống mặt, xuống đầu những người tải thương, đau xót lắm”.

Ông Phùng Sỹ Các - dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn nhớ như in những ký ức hào hùng, trèo đèo, lội suối.

“Mặc dù thương vong nhiều nhưng sau đợt tấn công thứ 2 của quân ta; khu trung tâm Điện Biên Phủ địch đã rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ. Bước vào đợt tiến công thứ ba, sau khi phát hiện quân địch có hầm ngầm ở đồi A1, đơn vị tôi cùng 1 đơn vị công binh nữa được giao nhiệm vụ đào hầm ngầm sát với hầm ngầm của địch. Khi đào sát đến hầm ngầm của địch, quân ta chuẩn bị gần 1 tấn bộc phá. Đúng 20 giờ 30 phút ngày 6/5/1954, tiếng nổ của khối bộc phá đặt ở cuối đường hầm trên đồi A1 vang lên. Quân ta từ các hướng lần lượt đánh chiếm các mục tiêu còn lại, bẻ gãy những cuộc phản kích của địch, tạo bàn đạp cho các chiến sĩ tấn công sang hầm Đờ - cát. Ngày 7/5/1954, bộ đội ta tiến thẳng vào sở chỉ huy của địch, phất cao cờ chiến thắng”.

Trong chuyến công tác về xứ Thanh, chúng tôi được đồng nghiệp Báo Thanh Hóa giúp đỡ tìm gặp ông Phùng Sỹ Các, phường Đông Thọ (TP. Thanh Hóa) - dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong ngôi nhà cấp bốn, dù đã ở tuổi 88, mắt kém, chân run, nhưng khi biết chúng tôi muốn nghe về ký ức hào hùng một thời tuổi trẻ, ông Các như nhanh nhẹn hơn. Ông tìm những kỷ vật được gìn giữ nhiều năm. Ông Các bồi hồi nhớ lại: Ở mảnh đất xứ Thanh, những năm tháng chống Pháp, người dân ở các làng, các xã rất nhiều người đã viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến với khí thế hào hùng. Khi ấy, ông Các 17 tuổi. Nhà đã có anh trai, anh rể đi bộ đội nên không phải đi, nhưng với lòng căm thù giặc, “đánh Pháp không kể nhà có mấy người” ông đã tự nguyện xung phong lên đường ra tiền tuyến.

Du khách tham quan Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa nơi ghi dấu ấn của lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến.

Cùng với ông Các, làng có 11 người cùng ra tiền tuyến, tập kết ở cách nhà 6km; do có trình độ văn hóa ông được phân công làm tiểu đội trưởng. Sau khi nhận mỗi người 1 đòn gánh, 2 bồ, nhiệm vụ của chúng tôi là gánh gạo tiếp tế cho bộ đội ta đánh giặc. Người sau bám gót người trước, cứ thế vượt qua núi cao, đèo sâu ra mặt trận. Khi đoàn chúng tôi hành quân lên đến khu vực tỉnh Sơn La thì bị bom đánh phá ác liệt…

Con đường tải lương phục vụ chiến dịch trở thành tuyến lửa ác liệt ngay sau khi thực dân Pháp phát hiện ra. Xuất phát từ yêu cầu cấp bách của chiến trường, tôi chuyển sang làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông từ Tuần Giáo lên Điện Biên Phủ. Chỗ nào hẹp thì mở rộng, chỗ lầy lội thì san lấp, chỗ trơn trượt thì vác đá chèn, nơi suối sâu thì kéo cho xe qua. Khi cách trận địa pháo chừng 15km, tôi lại được giao nhiệm vụ quan trọng là tham gia vác đạn cho bộ đội đánh giặc. Dù máy bay địch liên tục càn quét nhưng bất chấp mọi hiểm nguy, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Chiến dịch toàn thắng, tôi ở lại làm nhiệm vụ rà soát bom mìn, thu dọn chiến trường, đến tháng 8/1954 mới rời khỏi vùng đất Điện Biên”.

Bài, ảnh: Sầm Phúc - Thu Vui
Bình luận
Back To Top