Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Nông nghiệp Điện Biên và hành trình “cất cánh” (bài 3)

14:41 - Thứ Ba, 16/04/2024 Lượt xem: 5148 In bài viết

Bài 3: Tái cơ cấu để phát triển bền vững

ĐBP - Triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang mang lại những kết quả tích cực khi các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Điện Biên ngày càng khẳng định được chất lượng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã trở thành “thương hiệu” của Điện Biên.

Bài 2: Nền tảng kinh tế kháng chiến, kiến quốc

Bài 1: Nông nghiệp giữa bộn bề khó khăn

Cánh đồng Mường Thanh là vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo chất lượng cao của tỉnh Điện Biên.

Cơ cấu lại lĩnh vực, sản phẩm

Trên cơ sở định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tiềm năng, lợi thế của địa phương và dự báo nhu cầu thị trường, tỉnh Điện Biên đã tổ chức rà soát, phân loại để cơ cấu các nhóm sản phẩm chủ lực của địa phương gồm 11 nhóm thuộc các lĩnh vực: Trồng trọt (7), chăn nuôi (1), lâm nghiệp (2), thủy sản (1). Trong 11 nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh có 5 nhóm sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm chủ lực quốc gia.

Ông Trần Văn Thượng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện cơ cấu lại, cơ cấu kinh tế ngành có sự chuyển dịch rõ nét theo hướng hiệu quả hơn. Ngoài vai trò cung cấp lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu dân sinh, sản xuất nông nghiệp đã chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa.

Trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt có kết quả đậm nét hơn cả. Giai đoạn 2015 - 2023, tỉnh Điện Biên tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế địa bàn, nhu cầu thị trường và thích ứng biến đổi khí hậu. Các địa phương tăng cường mở rộng, khai hoang diện tích trồng lúa nước, chuyển đổi diện tích canh tác ngô, lúa nương kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người sản xuất. Riêng năm 2023, diện tích khai hoang, phục hóa đất chưa sử dụng thành đất chuyên trồng lúa nước đạt 1.041,34ha; diện tích đất trồng lúa chuyển đổi sang cây trồng khác là 2.325,42ha (trong đó đất trồng lúa 2 vụ 10ha, lúa 1 vụ 115,33ha và lúa nương 2.210.09ha). Đồng thời, triển khai thực hiện đồng bộ giải pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường khảo nghiệm, sử dụng các giống cây trồng mới, chất lượng cao. Do đó, sản lượng lương thực có hạt tăng đều qua các năm: Năm 2021 đạt 277.129,19 tấn; năm 2022 đạt 282.647 tấn; năm 2023 đạt 285.519,25 tấn (vượt chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2025 đạt 280.000 tấn).

Người dân huyện Điện Biên áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa.

Trước năm 2000, sản xuất lúa nước chỉ quanh quẩn mấy giống lúa địa phương, sản lượng lúa cơ bản đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực. Đến năm 2023, diện tích lúa nước đạt 30.097,99ha, trong đó trên 11.000ha lúa chất lượng cao như: Séng cù, Bắc thơm số 7, J02, Hana 102, nếp… tại các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng và TP. Điện Biên Phủ.

Hiện nay, huyện Điện Biên có trên 4.100ha lúa chất lượng cao, trong đó giống Bắc thơm số 7 được cấp chỉ dẫn địa lý “Điện Biên” và mã truy xuất nguồn gốc. Tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất hiện đạt trên 90%; cơ giới hóa thu hoạch đạt 70% và gieo cấy đạt 6%. Đến năm 2025, huyện Điện Biên phấn đấu cơ giới hóa 100% diện tích lúa chất lượng cao.

Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ, khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với các giống lúa chất lượng cao. Cùng với đó, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chú trọng nâng cao giá trị và thương hiệu sản phẩm.

Cây mắc ca đang được tỉnh Điện Biên tập trung phát triển. Tronh ảnh: Lãnh đạo huyện Điện Biên Đông kiểm tra dự án mắc ca tại xã Na Son.

Cùng với lúa nước, tỉnh Điện Biên cũng tập trung cơ cấu lại một số sản phẩm chủ lực địa phương gồm: Ngô, chè, cà phê, cao su, mắc ca, cây ăn quả, cây rau màu và các sản phẩm lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản (trâu, bò, dê và cá rô phi). Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, tập trung như: Lúa chất lượng cao khoảng 8.000ha tại các huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng, TP. Điện Biên Phủ; ngô 9.000ha tại Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên, Điện Biên Đông; 230ha rau chuyên canh tại huyện Điện Biên; 3.229ha mắc ca tại các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Nhé, TP. Điện Biên Phủ; 597ha chè tại Tủa Chùa; 3.300ha cà phê tại Mường Ảng và Tuần Giáo; cây ăn quả (bưởi, cam, xoài, nhãn) khoảng 3.000ha tại các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên. 

Xây dựng thương hiệu sản phẩm

Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, tỉnh Điện Biên chú trọng xây dựng, thực hiện các dự án liên kết, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Dự án liên kết sản xuất cây ăn quả tại thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng).

Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Điện Biên triển khai 125 dự án liên kết sản xuất tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển thành công 33 chuỗi liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các chuỗi thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nông hộ tham gia, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất truyền thống. Đơn cử như: Trồng rau an toàn giảm chi phí sản xuất 10 - 15%, sản lượng tăng từ 15 - 25%, lợi nhuận tăng từ 30 - 35 triệu đồng/ha; liên kết sản xuất lúa theo cánh đồng một giống, áp dụng cơ giới hóa đã giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận tăng từ 15 - 20 triệu đồng/ha… Một số liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao đã và đang được nhân rộng trên địa bàn như: Chuỗi cung ứng gạo chất lượng cao của HTX Thanh Yên; chuỗi cung ứng dứa an toàn của HTX Na Sang, huyện Mường Chà; chuỗi sản phẩm mật ong của HTX Ong mật Điện Biên; chuỗi cung ứng giống lúa chất lượng cao của HTX Tâm Thiện; chuỗi sản xuất rau an toàn của HTX Noong Luống…

Sản phẩm nông nghiệp Điện Biên từng bước được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, tìm hiểu và sử dụng. Song để đưa sản phẩm vào các thị trường khó tính, chuỗi siêu thị, thị trường bán lẻ lớn yêu cầu sản phẩm phải được công nhận đạt chuẩn OCOP. Do đó, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Điện Biên quan tâm xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đạt chuẩn OCOP. Hết năm 2023, toàn tỉnh đã có 72 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (2 sản phẩm OCOP 4 sao, 64 sản phẩm OCOP 3 sao và 6 sản phẩm đang trình nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao); 40 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, trong đó 30 sản phẩm chế biến từ nông nghiệp như: Chè, cà phê, mắc ca, gạo.

Hội đồng cấp tỉnh bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2023.

Thành lập năm 2016, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo nguyên tắc “3 không”: Không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ. Đến nay, HTX đã thu hút được 230 hộ nông dân tham gia chuỗi liên kết sản xuất; diện tích tăng từ 31ha lên hơn 150ha. Sản phẩm gạo Tâm Sáng của HTX Thanh Yên đảm bảo 100% tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và được công nhận đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao. Đến nay, thương hiệu “Gạo Tám”, “Gạo Tâm Sáng” đã được phân phối rộng khắp tại nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch có uy tín ở thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên… và vào các chuỗi siêu thị lớn như Winmart, UCAmart.

Thu hút đầu tư vào nông nghiệp

Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính theo hướng chủ động phụ vụ doanh nghiệp như: Giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp từ 3 ngày xuống 1,5 ngày làm việc; tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp định kỳ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; tổ chức nhiều hoạt động thu hút đầu tư… Từ đó, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các dự án về nông nghiệp.

Giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 28 doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến khảo sát, lập dự án đầu tư; tỉnh đã chấp thuận chủ trương 14 dự án đầu tư vào lĩnh vực phát triển nông lâm nghiệp với tổng mức đầu tư 11.981 tỷ đồng. Tổng kinh phí các nhà đầu tư đã giải ngân thực hiện các dự án ước đạt 1.493 tỷ đồng.

Dự án trồng cây mắc ca tại huyện Mường Ảng do Công ty cổ phần Macadamia tỉnh Điện Biên thực hiện.


Trong số các dự án về nông nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh, các dự án phát triển cây mắc ca chiếm tỷ trọng lớn. Hiện nay, toàn tỉnh có 13 dự án trồng cây mắc ca được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng quy mô 61.223ha. Các dự án đã trồng 6.629ha, tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Nhé, Điện Biên Đông và TP. Điện Biên Phủ. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư quan tâm đầu tư các dự án về trồng rừng, phát triển cây dược liệu, cây ăn quả…

Cùng với thu hút đầu tư phát triển sản xuất, tỉnh chú trọng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 1.847 cơ sở chế biến (60 doanh nghiệp, 96 HTX, 27 tổ hợp tác, 15 trang trại và khoảng 1.649 hộ kinh doanh). Nhiều cơ sở chế biến đã đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, đồng bộ như: 2 nhà máy chế biến thóc gạo, 2 công ty chế biến chè shan tuyết, 3 cơ sở chế biến cà phê rang; 69 cơ sở sản xuất, chế biến và bảo quản đồ gỗ.

Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 5,3%, vượt 2,14 điểm % so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025. Cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2023 chiếm 15,6% GRDP toàn tỉnh. Năm 2023, giá trị sản phẩm trồng trọt/1ha ước tăng 18,2% so với năm 2020, vượt 3,2 điểm % so với mục tiêu Nghị quyết đến năm 2025; sản lượng thủy sản tăng 5,78%; lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Bài 4: Hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh

Bài, ảnh: Văn Tâm - Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top