Cảnh giác với lừa đảo công nghệ cao

08:53 - Thứ Ba, 19/04/2022 Lượt xem: 5953 In bài viết

Mạng xã hội cho phép người dùng chia sẻ thông tin, kết nối toàn cầu. Bên cạnh mặt tích cực đó, tội phạm sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, gây hậu quả khó lường cho xã hội.

Nhóm lừa đảo qua Zalo bị Công an quận Đống Đa bắt giữ, xử lý.

Thủ đoạn đa dạng, tinh vi

Công an quận Hoàn Kiếm vừa triệt phá nhóm tội phạm công nghệ cao có hành vi câu kết với các đối tượng nước ngoài thu mua sim điện thoại chính chủ để lừa đảo. Trung tá Tống Văn Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Hoàn Kiếm thông tin, nhận được đơn trình báo của anh Nguyễn Văn H (sinh năm 1986, ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) về việc bị một đối tượng giả danh công an gọi điện thoại, thông báo anh H có liên quan đến một vụ tai nạn giao thông tại Đà Nẵng và đã lái xe bỏ chạy sau khi gây tai nạn. Đối tượng lừa đảo nói rằng chiếc xe này do anh H đứng ra thuê và cung cấp đầy đủ thông tin về số căn cước công dân, địa chỉ của anh H. Quá lo lắng nên anh H đã đăng nhập vào một đường link (là một phần mềm giả danh Bộ Công an) do đối tượng gửi. Sau đó anh H bị chiếm đoạt mã OTP giao dịch tài khoản ngân hàng cá nhân và bị rút 932.400.000 đồng trong tài khoản...

Trong quá trình điều tra tài khoản chuyển tiền của anh H, Công an quận Hoàn Kiếm phát hiện đối tượng Lưu Thị Vân Anh (sinh năm 1993, ở phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có liên quan. Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Vân Anh đã vào trang mạng của các nhóm người nước ngoài cư trú tại Việt Nam quen biết trước đó để tìm việc. Sau khi “bắt sóng”, nhóm người nước ngoài này gợi ý cho Vân Anh về một công việc đơn giản cho thu nhập cao, đó là thu mua các tài khoản ngân hàng của người khác rồi cung cấp toàn bộ thông tin về tài khoản cho bọn chúng. Với mỗi tài khoản, Vân Anh được trả 3.500.000 đồng. Hám lợi, Vân Anh lên trang thương mại điện tử Shopee thu mua sim điện thoại chính chủ để lấy thông tin cá nhân của nhiều người. Từ đó, Vân Anh dùng sim điện thoại đã thu mua được mở các tài khoản ngân hàng từ chính những thông tin rò rỉ này. Khi đăng ký mở tài khoản thành công, Vân Anh bàn giao lại thông tin về số tài khoản, tên ngân hàng và số điện thoại sử dụng cho đối tượng người nước ngoài. Các đối tượng đã sử dụng những tài khoản này để nhận tiền lừa đảo. Ngoài nạn nhân là anh H, từ cuối tháng 5-2021 cho đến khi bị bắt giữ, Vân Anh đã mở và cung cấp thông tin về 37 tài khoản khác nữa. Tổng số tiền mà Lưu Thị Vân Anh nhận được từ hành vi trái pháp luật trên là 130.105.000 đồng. Công an quận Hoàn Kiếm đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Lưu Thị Vân Anh về hành vi “Mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của
người khác”.

Cũng trong thời gian qua, Công an thành phố Hà Nội đã nhận được nhiều đơn tố cáo liên quan đến việc lừa đảo, trong đó có nhiều vụ nạn nhân bị lừa số tiền lên đến hàng tỷ đồng khi nghe điện thoại của những đối tượng tự xưng là công an, cán bộ Viện Kiểm sát... Trong khi đó, theo thống kê của Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội), trên không gian mạng hiện có trên 200 hình thức cho vay trực tuyến thông qua website, ứng dụng (app) trên điện thoại di động như Tamo, Vdong, Movay, Ucash, ATMonline... Việc cho vay ngày càng xuất hiện nhiều hình thức biến tướng, trở thành một dạng “tín dụng đen”, lừa đảo. Đặc biệt, lợi dụng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng gia tăng, nổi lên một số thủ đoạn như: Tạo lập các website, trang giao dịch, các ứng dụng có giao diện tương tự sàn đầu tư tài chính quốc tế với mức lợi nhuận cao rồi sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để thu hút, lôi kéo nhiều người tham gia kinh doanh tiền ảo, ngoại hối, sàn giao dịch nhị phân theo hình thức đa cấp, sau đó can thiệp vào hệ thống kỹ thuật làm cho nhà đầu tư thua lỗ hoặc đánh sập để chiếm đoạt...

Theo Thượng tá Phạm Đức Hà, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội), kết quả điều tra của lực lượng an ninh mạng cho thấy, hiện đã xuất hiện một số người nước ngoài cấu kết với đối tượng trong nước thành lập công ty trá hình cho vay tài chính, tín dụng phi ngân hàng để hoạt động trái pháp luật, gây bức xúc trong dư luận. Trước thực tế là việc cho vay qua “app” càng ngày càng có nhiều biến tướng, cơ quan chức năng đã liên tục đưa ra cảnh báo về các trang web trục lợi tài chính, đồng thời phổ biến kiến thức an toàn thông tin giúp người dân nâng cao cảnh giác, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng trong một số trường hợp cụ thể để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu. Khi có kiến thức cơ bản về an toàn thông tin, người dân cũng có thể nhận diện các hình thức “tín dụng đen” để cảnh giác và phòng tránh.

Cảnh giác với các chiêu trò cho vay tiền trên mạng.

Chặn vòi bạch tuộc

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, có tính chất xuyên quốc gia, gây thiệt hại lớn và bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự. Tiến sĩ tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu (Cục Truyền thông, Bộ Công an) cho biết, tội phạm hoạt động trên không gian mạng ngày càng phát triển tinh vi và đa dạng, nhiều người đã trở thành nạn nhân của chúng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là trình độ công nghệ thông tin của không ít người dân còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng sống hoặc hám lợi, ham giàu, lười lao động. Thêm vào đó, người bị hại thường có tâm lý ngại trình báo hoặc trình báo muộn nên việc điều tra, truy bắt tội phạm gặp nhiều khó khăn.

Xác định rõ mức độ nguy hiểm của loại tội phạm này, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với công an các quận, huyện, thị xã trên địa bàn tập trung nghiên cứu, theo dõi, từ đó đưa ra các biện pháp khắc chế, điểm trúng “huyệt” từng “biến thể” tội phạm. Qua nhiều vụ việc, có thể thấy, người bị hại thuộc nhiều độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, khu vực sinh sống... chứ không còn chỉ tập trung vào người cao tuổi, phụ nữ trung niên nhẹ dạ cả tin, người dân thiếu kiến thức về kinh tế, công nghệ ở khu vực nông thôn.

Thượng tá Phạm Đức Hà, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an thành phố Hà Nội) nhấn mạnh, cùng với việc tăng cường nâng cao nghiệp vụ, Công an thành phố Hà Nội đã và đang tiếp tục “đi trước, đón đầu” để dự báo, nhận diện và đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này. Người dân cần nâng cao cảnh giác, liên tục cập nhật thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để hiểu về thủ đoạn của tội phạm. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, người dân cần thông báo ngay cho cơ quan công an biết để phối hợp giải quyết.

Theo Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (Công an thành phố Hà Nội), hiện Công an thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai kế hoạch “Tăng cường phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố”, trong đó tập trung đấu tranh với tội phạm về công nghệ. Công an Hà Nội đã đăng thông tin cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ cao qua mạng xã hội, trên các trang web của lực lượng công an và các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó khuyến cáo người dân cảnh giác, không cung cấp số tài khoản, thông tin cá nhân cho người lạ dưới bất kỳ hình thức nào.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top