Châu Âu đối phó với lạm phát: Người dân cắt giảm chi tiêu

09:19 - Thứ Năm, 27/10/2022 Lượt xem: 5466 In bài viết

Theo một khảo sát vừa công bố của Công ty Phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường IRI (Mỹ), gần 75% số người tiêu dùng châu Âu đang phải cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng hằng ngày. Báo cáo của IRI nhận định, người dân châu Âu đang có dấu hiệu mệt mỏi vì lạm phát nghiêm trọng khiến mức sống giảm sút và buộc phải thay đổi thói quen mua sắm chưa từng thấy kể từ cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước.

Người tiêu dùng tại châu Âu kiểm soát chi tiêu để hạn chế tác động của lạm phát cao.

Bản nghiên cứu “Tín hiệu nhu cầu hàng tiêu dùng nhanh” của IRI cho thấy, những thay đổi đáng kể trong cách người tiêu dùng đối phó với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, không giống như bất kỳ sự thay đổi nào họ từng trải qua trước đây. Với áp lực lạm phát gia tăng từ đầu năm 2022 do giá năng lượng biến động và tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến chi phí đầu vào tăng cao, thu nhập khả dụng giảm sút, người tiêu dùng đang kiểm soát chi phí để hạn chế tác động của mức lạm phát cao đối với nhiều hoạt động mua sắm hằng ngày.

Đáng chú ý, 58% người tiêu dùng hiện đã cắt giảm các nhu cầu thiết yếu, trong đó 35% chuyển sang tiết kiệm cá nhân và vay nợ để thanh toán các hóa đơn. Những khoản tiền tiết kiệm được sau đại dịch Covid-19 đã được rút bớt để đáp ứng chi phí sinh hoạt hằng ngày. Giá thực phẩm và nhiên liệu tăng cao đang tác động đến ngân sách của các hộ gia đình trên khắp châu Âu, trong khi nguồn cung năng lượng hạn hẹp đang buộc người dân và ngành công nghiệp phải "gồng mình" đối phó với nguy cơ mất điện trong mùa đông này.

Cụ thể, nhiều người đã chuyển sang mua sắm ở chuỗi cửa hàng tạp hóa giảm giá, mua các mặt hàng nhãn hiệu bình dân... Những thay đổi không chỉ xảy ra trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng ở các cửa hàng tạp hóa khi họ mua đồ giảm giá.

Theo kết quả khảo sát đối với 3.000 người tiêu dùng do IRI thực hiện, hơn 50% số người châu Âu cho biết họ đặt ít đồ ăn hơn và 47% cho biết sẽ hạn chế ăn, uống ở nhà hàng, quán bar hoặc quán cà phê. Người mua sắm đang tạo ra những dịp, khoảnh khắc và bối cảnh mới để tiêu dùng các sản phẩm quen thuộc hằng ngày. Tăng trưởng doanh số ngành hàng tiêu dùng nhanh đã giảm xuống còn 1,5% so với 3% trong cùng kỳ năm trước. Đóng góp vào tăng trưởng từ nhu cầu mua sắm bị dồn nén sau đại dịch Covid-19 đã giảm dần.

Chuyên gia Ananda Roy thuộc IRI nhấn mạnh: “Mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng và xu hướng đi du lịch có thể giảm, với khả năng giá tăng mạnh hơn nữa do chi phí đầu vào cao và giá năng lượng biến động”.

Hoạt động kinh doanh ở khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã bị suy giảm mạnh nhất trong gần hai năm, làm tăng thêm các dấu hiệu cho thấy khối này đang bước vào một cuộc suy thoái khi giá cả tăng và sản lượng giảm mạnh trên toàn nền kinh tế.

Theo khảo sát được S&P Global Market Intelligence công bố ngày 24-10, hoạt động kinh tế tại Eurozone tiếp tục giảm mạnh trong tháng 10 và Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đối mặt với nguy cơ suy thoái. Việc Nga siết chặt nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu đã khiến các công ty sử dụng nhiều năng lượng phải cắt giảm hoặc thậm chí đình chỉ sản xuất. Giá năng lượng tăng vọt đã làm giảm sức mua của các hộ gia đình, trong khi đẩy chi phí sản xuất tăng cao.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá rằng: “Châu Âu bị ảnh hưởng bởi một cú sốc lớn về thương mại, làm suy yếu triển vọng tăng trưởng, nâng cao hơn nữa mức độ và sự dai dẳng của lạm phát, dẫn đến khủng hoảng giá cả sinh hoạt, đe dọa sự gắn kết xã hội”. Trong bối cảnh này, giới phân tích cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần phải đi đúng hướng để vừa thành công trong nỗ lực chống lạm phát, đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top