Phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đang diễn ra tại Ai Cập, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Axel van Trotsenburg cho biết, ngân hàng này sẵn sàng đẩy mạnh tài trợ cho các hành động chống biến đổi khí hậu ở những nước nghèo nhất thế giới, song cần các nguồn kinh phí mới từ những nước tài trợ giàu có.
Ông Axel van Trotsenburg cũng nhấn mạnh tới nhu cầu cấp thiết bổ sung các nguồn tài trợ, đặc biệt là Mỹ, Anh và Đức, bởi "nếu không có các nguồn tài chính thì không thể tạo nên sự khác biệt".
Được biết, trong năm tài chính 2022, WB đã cung cấp 31,7 tỷ USD hỗ trợ các chương trình chống biến đối khí hậu ở các nước - mức phân bổ cao nhất từ trước tới nay. WB sử dụng nguồn tài chính từ các nước giàu đóng góp để cấp các khoản cho vay và hỗ trợ các nước nghèo hơn, và đây được xem là một kênh quan trọng cung cấp tài chính chống biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển.
Một báo cáo tại COP27 cho rằng, từ nay đến năm 2030, mỗi năm các nước đang phát triển cần 1.000 tỷ USD bổ sung từ bên ngoài cùng với nguồn quỹ trong nước để có thể thực hiện mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ trái đất dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, trên thực tế, năm 2021, các ngân hàng phát triển hàng đầu thế giới mới chỉ cho các nước nghèo vay 51 tỷ USD.