Ngày 31-7, hàng nghìn người ủng hộ cuộc đảo chính ở Niger đã tuần hành qua các đường phố ở thủ đô Niamey, đốt cờ và ném đá vào Đại sứ quán Pháp. Cảnh sát nước này phải dùng hơi cay để giải tán đám đông.
Hình ảnh báo chí đưa tin trực tiếp từ hiện trường cho thấy các bức tường của Đại sứ quán Pháp bị cháy. Nhiều người được đưa lên xe cứu thương.
Trong một diễn biến có liên quan, tại một cuộc họp khẩn cấp, Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) tuyên bố đình chỉ quan hệ với Niger và cho phép sử dụng vũ lực nếu Tổng thống Mohamed Bazoum không được phục hồi chức vụ trong vòng một tuần. Các nhà lãnh đạo ECOWAS cũng đã kêu gọi khôi phục trật tự hiến pháp.
ECOWAS đã ban bố lệnh trừng phạt các quan chức quân sự liên quan đến cuộc đảo chính. Những người này sẽ cấm đi lại và đóng băng tài sản.
Thủ tướng Niger Ouhoumoudou Mahamadou cho biết, biện pháp trừng phạt của ECOWAS sẽ là thảm họa, vì nước này phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác quốc tế để trang trải nhu cầu ngân sách của mình. Theo Ngân hàng thế giới, Niger là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, nhận được gần 2 tỷ USD hỗ trợ phát triển chính thức mỗi năm.
Ngay sau cuộc họp ECOWAS ở Abuja (Nigeria), Tổng thống Chad Mahamat Deby đã đến Niger để chủ trì các nỗ lực hòa giải. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoan nghênh hành động của ECOWAS.
Cuộc đảo chính quân sự ở Niger bị các nước láng giềng và đối tác quốc tế, gồm Mỹ, Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu và Pháp lên án mạnh mẽ. Họ đều từ chối công nhận nhóm lãnh đạo mới do tướng Abdourahamane Tiani đứng đầu.