Thái Lan sẵn sàng ứng phó khủng hoảng an ninh lương thực

15:41 - Thứ Sáu, 04/08/2023 Lượt xem: 4273 In bài viết

Thái Lan có khả năng ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực thế giới thông qua sự hợp tác với Hội đồng Lương thực quốc gia (NFC).

Đại dịch Covid-19, xung đột Ukraine và tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến vấn đề an ninh lương thực trở thành tâm điểm, đặc biệt tại những quốc gia có giá lương thực tăng cao. Trong bối cảnh đó, thế giới hiện có khoảng 200 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

Tổng Thư ký Văn phòng Kinh tế nông nghiệp Thái Lan (OAE) Chanthanon Wannakhajorn cho biết, với tư cách là nhà sản xuất lương thực lớn trên thế giới, Thái Lan đã sẵn sàng đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Ông Chanthanon Wannakhajorn cũng tin tưởng Thái Lan có thể sản xuất đủ những mặt hàng lương thực quan trọng như như gạo, sắn, dầu cọ, thịt lợn, thịt gà và trứng.

Theo nhật báo The Nation của Thái Lan, quốc gia này chủ động ứng phó với cuộc khủng hoảng an ninh lương thực bằng cách thiết lập các hệ thống thông qua NFC, cơ quan chịu trách nhiệm chỉ đạo các chính sách lương thực quốc gia. Thông qua việc hợp tác với NFC trên mọi khía cạnh, Thái Lan sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông sản và thực phẩm trong bối cảnh khủng hoảng.

Nông dân Thái Lan trồng lúa ở tỉnh Nakhonsawan. Ảnh: Reuters

Trong 3 tháng đầu năm 2023, kim ngạch thương mại nông sản và cao su thiên nhiên của Thái Lan với các quốc gia ASEAN đạt mức 148,736 tỷ baht, so với 101,062 tỷ baht ở 2022.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chính là đường nâu, đường trắng, nước tăng lực, gạo, đồ uống không cồn như sữa tiệt trùng và sữa đậu nành, các sản phẩm thực phẩm như đậu phụ và kem không sữa, nước chấm và gia vị làm nước chấm, cùng một số phụ gia thực phẩm cho vật nuôi.

Năm 2022, Thái Lan nhập khẩu thực phẩm trị giá 47,674 tỷ baht, giảm 2,81% so với năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm sắn và các sản phẩm từ sắn, hạt bỏng ngô và ngô. Các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu khác bao gồm đậu phụ, kem không sữa, thuốc lá, thức ăn trẻ em, dầu thực vật từ đậu nành, ngô, dừa và đậu phộng… Gia súc sống cũng được nhập khẩu.

Nhìn chung, Thái Lan vẫn có lợi thế về thương mại trong khối ASEAN. Quốc gia này tiếp tục duy trì xuất khẩu nông sản trong bối cảnh được hưởng lợi từ việc giá các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến tăng. Địa hình thuận lợi của Thái Lan cũng có lợi cho nông nghiệp, hỗ trợ an ninh lương thực và tạo điều kiện sản xuất cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cũng đang thực hiện các bước cần thiết để tạo ra một cơ sở dữ liệu toàn diện nhằm mục đích cải thiện an ninh lương thực. Ngoài ra, OAE đang phát triển lịch mùa màng cụ thể đối với từng tỉnh, hướng đến mục tiêu ước tính số lượng cũng như loại nông sản có sẵn mỗi tháng, hỗ trợ quản lý an ninh lương thực trong thời kỳ bình thường và khủng hoảng.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top