Ngày 10-2, các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) thỏa thuận cải tổ cơ chế quản lý kinh tế phù hợp hơn với tình hình của mỗi quốc gia.
Các quy định mới do Nghị viện châu Âu và quốc gia thành viên nhất trí làm tăng thêm tính rõ ràng và đơn giản đối với quá trình giám sát tài chính bằng cách tập trung vào chi tiêu chính phủ hằng năm để phân tích tính bền vững của tài chính công.
Mọi quốc gia thành viên sẽ công bố kế hoạch trung hạn nêu rõ các mục tiêu chi tiêu, cũng như cách thức thực hiện các khoản đầu tư và cải cách. Những quốc gia có mức thâm hụt hoặc nợ cao sẽ nhận được hướng dẫn về mục tiêu chi tiêu.
Các quy định sẽ bổ sung thêm trọng tâm mới và góp phần tích cực thúc đẩy đầu tư công ở những lĩnh vực ưu tiên. Cơ chế quản lý cũng được điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế của mỗi quốc gia thay vì áp dụng cách tiếp cận chung.
Ảnh minh họa: Reuters
Theo quy định, các quốc gia thành viên phải bảo đảm kế hoạch quốc gia nêu rõ phương pháp đầu tư vào những lĩnh vực ưu tiên của EU như về khí hậu, chuyển đổi kỹ thuật số, an ninh năng lượng và quốc phòng. Ngoài ra, chi tiêu quốc gia đối với các chương trình của EU sẽ được loại trừ khỏi chi tiêu của chính phủ, từ đó tạo ra nhiều động lực đầu tư hơn.
Các quốc gia có nợ quá mức sẽ phải tuân theo các quy tắc bảo, trong đó yêu giảm nợ trung bình 1%/năm nếu nợ trên 90% GDP và trung bình 0,5%/năm nếu nợ trong khoảng 60% đến 90% GDP.
Nếu thâm hụt trên 3% GDP, các quốc gia sẽ phải giảm mức này trong thời kỳ tăng trưởng xuống 1,5% GDP nhằm xây dựng vùng đệm chi tiêu trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Theo yêu cầu của quốc gia thành viên, Hội đồng châu Âu có thể cho phép đi chệch lộ trình chi tiêu quốc gia trong các trường hợp đặc biệt nằm ngoài tầm kiểm soát khiến tài chính công của quốc gia đó chịu tác động lớn. Giới hạn thời gian cho phép chệch lộ trình tối đa là một năm và có thể được cấp nhiều lần.
Những quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực sau khi được Nghị viện châu Âu thông qua, trong khi các quốc gia thành viên cần đệ trình kế hoạch trước ngày 20-9.