Y tếSức khỏe

Dự phòng bệnh nhồi máu cơ tim cấp

15:07 - Thứ Hai, 14/10/2024 Lượt xem: 4261 In bài viết

Nhồi máu cơ tim cấp là một tình trạng bệnh nguy hiểm đến tính mạng, xảy ra khi dòng máu đến tim bị đột ngột ngừng trệ dẫn đến thiếu máu cơ tim. Vậy, dự phòng bệnh nhồi máu cơ tim cấp bằng cách nào?

Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Hữu Nghị, Trưởng khoa Nội tim mạch (Bệnh viện Đa khoa Hà Đông), nhồi máu cơ tim cấp thường là kết quả của sự tắc nghẽn hệ thống động mạch vành. Động mạch vành lấy máu giàu ô xy đến nuôi cơ tim. Khi hệ thống động mạch này bị hẹp hoặc tắc bởi sự hình thành mảng bám xơ vữa tại chỗ với các thành phần chất béo, chất thải của tế bào, cholesterol hay huyết khối khiến máu đến tim bị giảm đột ngột hoặc mất hoàn toàn dẫn đến nhồi máu cơ tim. Yếu tố chính thúc đẩy quá trình tạo mảng xơ vữa là LDL cholesterol và chất béo trong máu cao bám vào thành mạch.

Triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp là đau ngực, khó thở, choáng váng, vã mồ hôi, buồn nôn và nôn; đau vùng ngực lan ra sau lưng, lên hàm hoặc cánh tay trái, kéo dài hơn vài phút hoặc có thể hết sau đó tái phát. Các đối tượng dễ bị bệnh nhồi máu cơ tim cấp là người có huyết áp cao, người bị bệnh tiểu đường, người cao tuổi, người bị béo phì, người hút nhiều thuốc lá…

Bác sĩ Đỗ Hữu Nghị cho biết, thay đổi ăn uống và lối sống là cách dự phòng tốt nhất để ngăn bệnh nhồi máu cơ tim cấp hiệu quả.
Giảm cholesterol máu và những chất béo không có lợi trong cơ thể cần một chế độ ăn với thành phần chủ yếu bằng ngũ cốc nguyên hạt, rau củ, trái cây, protein nạc; giảm các thực phẩm chứa đường và chất béo, không ăn nội tạng động vật, hạn chế thực phẩm chiên rán và đã qua chế biến. Ngừng hút thuốc sẽ giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp và có lợi cho cả hệ tim mạch. Tập thể dục ít nhất 3 lần mỗi tuần có thể cải thiện hệ tuần hoàn. Với bệnh nhân tiểu đường, huyết áp cao, mỡ máu cao cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top