Giữ hồn nhạc cụ dân tộc Lào

08:50 - Thứ Năm, 10/11/2022 Lượt xem: 8625 In bài viết

ĐBP - Nhạc cụ truyền thống là kết tinh của đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Lào, được đúc rút từ lâu đời. Việc gìn giữ, phát huy các loại nhạc cụ truyền thống không thể không kể đến chính những người dân tộc Lào đang hàng ngày tìm cách phổ biến, truyền dạy các nhạc cụ truyền thống trong cộng đồng dân tộc mình.

Nghệ nhân Vì Văn Thoong chơi nhạc cụ truyền thống của dân tộc Lào.

Các nhạc cụ truyền thống được truyền lại từ lâu đời, xuất hiện cũng như gắn bó với đời sống các dân tộc từ sinh hoạt hàng ngày, là sự thăng hoa văn hóa của đồng bào các dân tộc. Thông thường nhạc cụ truyền thống xuất hiện trong các dịp lễ tết, đây là cách thể hiện tâm tư, tình cảm của người chơi, gắn liền với đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào dân tộc Lào. Tuy nhiên do đời sống kinh tế, xã hội phát triển, mà hiện nay còn rất ít người trong cộng đồng dân tộc Lào lưu trữ cũng như biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống.

Ông Vì Văn Thoong, nghệ nhân tại bản Na Sang 1, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên - người am hiểu, biết chơi nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Lào chia sẻ: từ khi còn nhỏ đã học khèn bè từ bố mình. Sau đó xuất phát từ tình yêu, niềm đam mê với các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc, ông học thêm các loại nhạc cụ khác như trống, chiêng... Tới nay ông đã học và chơi nhuần nhuyễn các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Lào được hơn 40 năm. Những năm qua, ngoài tham gia phong trào biểu diễn văn nghệ tại xã Núa Ngam, ông đã tham gia biểu diễn ở nhiều cuộc thi, giao lưu trong và ngoài tỉnh. Gần nhất ông có tham gia thi diễn và đoạt giải nhất hội thi trình diễn nhạc cụ truyền thống trong Ngày hội Giao lưu văn hóa Việt Nam - Lào. Mỗi khi được trình diễn, ngoài sự vui mừng khi được khoe những nét văn hóa dân tộc Lào với các dân tộc khác là sự trăn trở khôn nguôi. Xã hội ngày càng phát triển, cùng với đó là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc. Thế hệ trẻ ngày càng ít có hứng thú với nhạc cụ truyền thống. Chính vì vậy, mỗi khi có dịp được trình diễn, ông luôn làm hết sức mình, thả hồn theo những cung bậc trầm, bổng của các nhạc cụ truyền thống nhằm khơi gợi tình yêu, cũng như sự hứng thú của thế hệ trẻ với cái hay, cái đẹp mà nhạc cụ truyền thống mang lại. Đồng thời, trong những dịp lễ tết, khi thanh thiếu niên có thời gian rảnh tham gia các đội văn nghệ tại xã, ông thường tranh thủ cho thế hệ trẻ tiếp xúc nhiều hơn với các nhạc cụ truyền thống, dạy cách chơi, cũng như chia sẻ những hiểu biết của bản thân về văn hóa dân gian dân tộc Lào. Đối với những người yêu thích, có hứng thú với các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc Lào, cách 4 ngày ông lại tụ họp mọi người tại sân nhà mình, dạy cách chơi các nhạc cụ truyền thống. Việc này đã duy trì được hơn 10 năm. Đến nay, trong bản ngoài ông đã có thêm bốn người có sự am hiểu cũng như chơi được một phần các nhạc cụ của dân tộc Lào.

Có thể thấy, việc gìn giữ và phát triển văn hóa rất cần những người giữ lửa, dành thời gian, tâm huyết truyền dạy cũng như khơi gợi sự hứng thú, tự hào của mọi người đối với các nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tránh mai một và không ngừng phát triển trong dòng chảy của xã hội hiện đại.

Trần Dũng
Bình luận

Tin khác

Back To Top