Cũng như các lĩnh vực khác, xu hướng chuyển đổi số đã tác động lớn tới giáo dục ở các nhà trường, trong đó có dạy và học thanh nhạc.
Để thích ứng với xu thế phát triển, đồng thời bảo đảm chất lượng, hiệu quả trong đào tạo, việc dạy học thanh nhạc đang đặt ra vấn đề cần đổi mới, hiện đại hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ, lồng ghép kết hợp hài hòa với nền tảng sư phạm đặc thù của bộ môn nhằm hỗ trợ quá trình dạy học.
Xu thế phát triển chung
Trong quá trình tổ chức dạy học thanh nhạc, các cơ sở đào tạo có thể ứng dụng các công nghệ trong việc số hóa tài liệu, biên soạn bài giảng và các nội dung phục vụ dạy học, bước đầu, tổ chức số hóa nhiều tài liệu đưa vào thư viện điện tử phục vụ tra cứu và dạy học.
Ở cấp độ cao hơn, nhiều cơ sở đã khai thác tốt các cơ hội số trong việc tìm kiếm các bản nhạc số trên mạng internet, khai thác các nguồn video, âm thanh, hình ảnh để giúp người học tham khảo trong quá trình lên lớp. Kịp thời thích ứng với các công nghệ mới, từ đó đưa vào quá trình soạn bài giảng mang nhiều tính sáng tạo, đặc biệt là phong cách hát nhạc nhẹ hay sân khấu nhạc kịch (musical theater).
Ngày nay, giảng viên có thể dễ dàng tìm kiếm, khai thác, mua các văn bản nhạc trực tuyến một cách nhanh chóng. Đồng thời có thể tìm được tác phẩm đó với nhiều phiên bản âm thanh, video của nhiều nghệ sĩ khác nhau trên thế giới.
Giảng viên cũng có thể sử dụng các phần mềm chép nhạc, soạn nhạc cũng như các phần mềm dựng hình để tạo ra các bài giảng bằng hình ảnh video, đăng tải lên các nền tảng công nghệ đám mây.
Điều đó sẽ làm bài giảng thêm phong phú, nội dung giảng dạy luôn được đổi mới. Mặt khác, giúp người học có thể nghe lại, xem lại ở bất cứ lúc nào, bất cứ không gian nào, việc học tập không bị gián đoạn bởi các yếu tố thời gian và địa điểm, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng trong đào tạo Thanh nhạc.
Hiện nay có rất nhiều các công cụ hỗ trợ giảng viên tự tạo phần đệm trong luyện tập như Band-in-a-box, iReal Pro, hay phần mềm Jamzone cho phép người học có thể mua các bản nhạc và chủ động cắt phần hát, giảm âm lượng các nhạc cụ trong phần đệm. Họ hoàn toàn chủ động trong việc tạo ra các sản phẩm mang bản sắc cá nhân.
Ngoài ra, các công cụ như Flock, JamKazam hoặc JackStrip cho phép cả lớp học hát trực tuyến đồng thời các bản hợp xướng hoặc tốp ca từ xa.
Với công nghệ mới, việc hát trực tuyến cùng nhau không còn bị giới hạn bởi độ trễ, hoàn toàn như khi hát trực tiếp. Sử dụng phòng thí nghiệm để phân tích các mẫu âm thanh, từ đó đánh giá, so sánh các mẫu âm của các ca sĩ khác nhau giúp người học tăng cường các kỹ năng nghe và sửa mẫu âm của chính mình.
Thời gian gần đây, một số giảng viên khoa Thanh nhạc Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã sử dụng công nghệ hiện đại hỗ trợ quá trình giảng dạy như dạy lý thuyết, kỹ thuật thanh nhạc trên phần mềm trình chiếu, hướng dẫn người học luyện thanh với máy tính và thực hành luyện tập hát cùng phần đệm điện tử, đặc biệt là với các thể loại nhạc nhẹ.
Ngoài ra, với việc giảng viên giao bài tập, yêu cầu người học sử dụng phần mềm thu thanh (recording), quay hình (video) để hoàn thành phần kiểm tra bài cũ giúp người học làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp, rèn luyện các kỹ năng thu thanh, nghe, hát bè và các kỹ năng xử lý micro.
Đồng thời, qua đó giảng viên, hội đồng chấm thi có thể đánh giá kết quả dạy học với việc ghi âm các bài thi, lưu trữ làm kho học liệu số và sử dụng các sản phẩm trong việc quảng bá, thậm chí là phúc tra sau này.
Cơ hội và thách thức
Thực tế cho thấy, những cơ sở đào tạo nào nắm bắt, áp dụng công nghệ hiệu quả tốt, sẽ gặt hái được những kết quả quan trọng trong tuyển sinh, đào tạo, tiếp cận và giúp người học phát triển năng lực nghề nghiệp, có hướng đi phù hợp trong sự phát triển chung của xã hội.
Một trong những thuận lợi lớn nhất của người học thanh nhạc hiện nay là, chỉ cần truy cập internet, nhập từ khóa chuyên ngành là có thể tìm được nhiều thông tin bổ ích, hỗ trợ cho quá trình học tập.
Đáng chú ý, những thông tin đó đến từ các nền âm nhạc khác nhau, có thể giúp người học tiếp cận, tiếp thu, học tập, nghiên cứu và vận dụng những kiến thức mới để phát triển năng lực. Thậm chí học viên có thể kết nối, giao lưu và hợp tác với những tổ chức và những người hoạt động trong lĩnh vực thanh nhạc trên thế giới nếu có khả năng tốt về ngoại ngữ.
Song song với những cơ hội nêu trên, chúng ta cũng nhận thấy nhiều thách thức, khó khăn đối với các ca sĩ hiện nay. Đó là năng lực, kỹ năng, trình độ của mỗi người, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin còn những hạn chế nhất định.
Vì vậy, quá trình tham gia chuyển đổi số của mình, đã và đang gặp những khó khăn không nhỏ. Đáng chú ý, một bộ phận ca sĩ trẻ khi tiếp cận internet thiếu sự chọn lọc, chạy theo thị hiếu tầm thường, đã dẫn đến việc cho ra đời những sản phẩm âm nhạc qua loa, đại khái, không có chiều sâu, chưa kể còn có những sản phẩm không phù hợp với văn hóa, đời sống.
Đáng lo hơn, những trang web, những thông tin xấu độc đã có những ảnh hưởng tiêu cực đến thị hiếu, định hướng, lối sống, khiến người học dễ lệch lạc trong quan điểm, suy nghĩ, hành động và học tập.
Ngoài ra, sự xuất hiện của nhiều phần mềm thông minh trong lĩnh vực âm nhạc, đã dẫn tới thực trạng phụ thuộc vào công nghệ, khiến người học trở nên lười biếng, chạy theo thị hiếu, không nỗ lực khai phá năng lực bản thân, muốn thành công nhanh, bỏ qua thực chất.
Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho nhiều học viên đam mê các thể loại âm nhạc mới, mang tính thị trường và đáng buồn hơn là việc các ca sĩ hát phong cách cổ điển, một thể loại đòi hỏi sự rèn luyện công phu, bền bỉ, thực chất đang mất dần chỗ đứng trong đời sống âm nhạc hiện nay.
Bên cạnh đó, một số chủ trương, chính sách của các bộ, ngành chức năng chưa thật sự chú trọng việc tìm kiếm nguồn nhân lực trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung và thanh nhạc nói riêng. Điều này dẫn đến công tác đào tạo gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Trong khi đó, trình độ của giảng viên trong việc sử dụng công nghệ còn hạn chế, chất lượng dạy học chưa được quan tâm cải thiện, chất lượng chưa cao. Một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, dẫn đến hiện tượng tụt hậu trong sự phát triển chung.
Thực hiện chuyển đổi số trong dạy học thanh nhạc đòi hỏi cần phải thay đổi mạnh mẽ phương thức hoạt động, điều hành, tổ chức công tác đào tạo.
Cùng với sự chuyển mình của tập thể, thì mỗi cá nhân phải nỗ lực không ngừng trong nghiên cứu tiếp thu công nghệ thông tin, nâng cao trình độ ngoại ngữ để có thể theo kịp sự phát triển của xã hội, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn.