Ứng xử văn hóa với di sản

16:34 - Thứ Hai, 11/09/2023 Lượt xem: 7694 In bài viết

Muốn bảo tồn hiệu quả và khai thác giá trị bền vững, trước hết, các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cần được ứng xử văn hóa bằng việc phát huy đúng bản sắc, đội ngũ nghệ nhân cần môi trường thực hành thường xuyên và hưởng chế độ đãi ngộ phù hợp.

Nguy cơ sai lệch, thất truyền di sản

Mới đây, Nghệ sĩ Ưu tú Phạm Chí Khánh (Nhà hát Tuồng Việt Nam) và nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền nhận “đơn đặt hàng” của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum về tổ chức “Tập huấn chỉnh âm cồng chiêng Kon Tum”.

Thông qua tập huấn, các học viên là nghệ nhân chế tác, chỉnh âm cồng chiêng trên địa bàn Kon Tum được giới thiệu về lý thuyết cơ bản, vai trò của thang âm cồng chiêng các tộc người, nguyên lý của chỉnh âm, cấu tạo các loại cồng chiêng...

Trình diễn giáo trống, giáo pháo trong nghệ thuật hát xoan Phú Thọ.

Theo thời gian, dưới ảnh hưởng của đời sống và văn hóa-nghệ thuật mới, thang âm cồng chiêng dần bị mai một và có nguy cơ biến mất hoàn toàn. Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền trăn trở: “Hiện nay, các dàn chiêng sai âm vẫn được đem ra diễn tấu, bởi thực tế trong buôn làng không có ai biết chỉnh chiêng. Điều đáng buồn là thành viên trong nhiều đội chiêng không nhận ra chiêng sai âm, bởi họ cũng không biết thế nào là đúng”.

Từ khi được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục DSVHPVT đại diện của nhân loại năm 2016, các sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được tự do phát triển, thể hiện ở sự gia tăng số lượng các cơ sở thờ tự cũng như đội ngũ các thanh đồng.

Đáng lo, dưới danh nghĩa tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di sản, một số địa phương, tổ chức, cá nhân đã tiến hành nghi lễ hầu đồng bên ngoài các không gian thiêng, từ đó xuất hiện cái gọi là “hầu đồng sân khấu hóa” hay “hầu đồng văn nghệ”. Điều đó làm mất đi “tính thiêng” của di sản, làm trần tục hóa tín ngưỡng, dẫn đến nhiều người hiểu sai lệch về di sản, coi hầu đồng như một hoạt động văn hóa-văn nghệ đơn giản.

Theo GS, TS Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, việc đào tạo, truyền dạy di sản đối với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt diễn ra thuận lợi, song số lượng thanh đồng, cung văn tăng lên nhanh chóng tỷ lệ nghịch với chất lượng của đội ngũ này.

Trước đây, các thanh đồng thường phải tuân thủ quy ước tu dưỡng 12 năm khó nhọc “thử đồng” trước khi được làm đồng thầy. Còn hiện nay, nhiều người chỉ sau 3 năm, thậm chí mới ra đồng được một năm đã “đẻ đồng”, tự phong mình là đồng thầy. Một số con nhang, đệ tử “đồng đua”, “đồng đú” khiến gia đình lục đục, hao tiền tốn của vì chạy theo trào lưu trình đồng mở phủ. “Các thanh đồng đua nhau thể hiện đẳng cấp, phô trương sự giàu sang, phú quý.

Tiền phát lộc có mệnh giá lớn xuất hiện ngày càng nhiều; lễ vật ngày càng hiện đại, xa xỉ. Nhiều người đang hiểu thực dụng là tu thì phải hầu càng nhiều, làm lễ càng to thì Mẫu mới càng độ. Từ đó dẫn đến sự thái quá, vô độ, đề cao vật chất mà làm mất đi tính đạo đức, tinh thần trong các nghi lễ hầu thánh”, GS, TS Từ Thị Loan bức xúc.

Cần chiến lược tổng thể

Từ năm 2019 đến nay, các làng quan họ gốc trên địa bàn Bắc Ninh được hỗ trợ 30 triệu đồng/lần/năm, câu lạc bộ quan họ thực hành biểu diễn được hỗ trợ 20 triệu đồng/lần/năm; các nghệ nhân quan họ được xét tặng nghệ nhân và hưởng lương theo tháng...

Trong khi đó, tỉnh Phú Thọ đã ban hành và triển khai hiệu quả Đề án gìn giữ, phát huy giá trị DSVHPVT hát xoan giai đoạn 2020-2025; phục hồi và tạo sức sống mãnh liệt, bền vững cho di sản hát xoan, với tất cả 31 bài xoan cổ được các nghệ nhân lão thành nắm giữ, trao truyền cho lớp nghệ nhân kế cận và được tư liệu hóa, số hóa đầy đủ; xuất bản cuốn “Tổng tập nghiên cứu về hát xoan Phú Thọ” làm tài liệu nghiên cứu, truyền dạy và phổ biến. Đặc biệt, tỉnh Phú Thọ ban hành quy chế xét tặng danh hiệu Nghệ nhân hát xoan Phú Thọ. 

Hát quan họ trên thuyền phục vụ du khách tại Hội Lim 2023.

Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, bà Nguyễn Trương Phương Hà, Phó trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: “Mỗi nghệ nhân hát xoan khi được phong tặng sẽ nhận bằng khen và phần thưởng 5 triệu đồng. Hiện nay, Phú Thọ có 66 nghệ nhân hát xoan đang tích cực thực hành, truyền dạy di sản trong nhân dân. Các lễ hội truyền thống gắn với hát xoan cũng được duy trì và phục hồi đã tạo không gian văn hóa cộng đồng thực hành và trình diễn di sản”.

Thực tế, nhiều Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) hiện nay tuổi đã cao, thu nhập từ lao động hằng ngày bấp bênh. Trong khi theo Nghị định số 109/2015/NĐ-CP, nếu NNND, NNƯT không chứng minh được thu nhập hiện có thấp hơn mức lương cơ bản thì sẽ không được nhận thêm hỗ trợ. Nghĩa là ngoài số tiền khi được phong tặng danh hiệu thì không ít nghệ nhân sẽ không được hưởng khoản trợ cấp nào dù họ dành cả đời vun đắp tình yêu với di sản.

Một bất cập khác, nếu nghệ nhân được hưởng chế độ khi được phong tặng danh hiệu thì cá nhân đó buộc phải bỏ toàn bộ những khoản trợ cấp khác. Bất cập trên đến từ thực trạng nhận thức xã hội, cộng đồng và các cấp chính quyền về quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị DSVHPVT còn hạn chế; một số địa phương chỉ quan tâm tới xây dựng hồ sơ di sản để đưa vào danh mục của quốc gia, quốc tế mà thiếu các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị gắn với phát triển bền vững...

Theo TS Trần Hữu Sơn, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, do chưa nắm được đặc trưng cơ bản của di sản cũng như ảnh hưởng của những đặc trưng này đến di sản nên ở nhiều địa phương hiện nay, công tác bảo tồn DSVHPVT không đúng, không tôn trọng vai trò cộng đồng và các thành tố liên quan. Trong khi đó, PGS, TS Lâm Nhân, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh cho rằng, để phát huy giá trị DSVHPVT bền vững, cần quản lý dựa vào cộng đồng, chung tay gìn giữ, bảo vệ di sản. Có như vậy, DSVHPVT mới giữ được các giá trị cốt lõi để khi tái tạo, sáng tạo, bồi đắp mới vẫn không bị mất đi bản sắc riêng biệt, độc đáo.

Thực tế cho thấy, do nguồn lực đầu tư còn hạn chế nên công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT vẫn đang trong tình trạng mạnh ai nấy làm, chưa có một chiến lược phát triển tổng thể. Nhằm giải quyết những tồn tại trên, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề xuất: "Trong khi chờ Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được thông qua, phía Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần ban hành các văn bản quy định cụ thể hơn để hướng dẫn các cộng đồng thực hành DSVHPVT".

Việt Nam hiện có gần 1.900 NNND, NNƯT; 497 di sản cấp quốc gia, 15 di sản được UNESCO ghi danh vào Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp và Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. 

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top