Trách nhiệm của người trẻ với văn hoá dân tộc

09:58 - Thứ Năm, 21/09/2023 Lượt xem: 9766 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, người trẻ trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò xung kích trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Ðiều này đã và đang được minh chứng qua nhiều việc làm, hành động cụ thể.

Nghệ nhân hướng dẫn thành viên Câu lạc bộ Thêu truyền thống cách thêu hoa văn.

Mỗi chiều thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, bên ngôi nhà sàn truyền thống, nghệ nhân Quàng Văn Cá, bản Tọ Cuông, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) lại quây quần bên các học trò để truyền dạy các nghi thức lễ hội xên bản, lễ hội cầu mưa, lễ hội cầu mùa và một số phong tục, tập quán liên quan đến nghi lễ, tín ngưỡng của người dân tộc Khơ Mú. Cầm chiếc dùi và bộ trống trên tay, nghệ nhân Quàng Văn Cá hướng dẫn học trò tỉ mỉ từng cách thức thực hành và ý nghĩa của mỗi đồ vật. Ông Cá bộc bạch: “Thủa nhỏ, bản thân thường theo gia đình đi xem các lễ hội. Với bản tính tò mò nên mỗi khi bản tổ chức lễ hội tôi thường tới chỗ các thầy cúng ngồi khấn để nghe và xem họ làm lý. Sau mỗi buổi lễ, tôi lại cùng các bạn trong bản bắt chước nhảy theo các điệu múa, dần dần các nghi thức lễ hội, các câu ca, điệu múa truyền thống của người Khơ Mú đều được tôi ghi nhớ. Giờ đây, khi bước sang tuổi “xế chiều”, tôi mong muốn được truyền thụ hết những kiến thức mình có cho lớp trẻ, từ đó giúp lớp trẻ gìn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Theo nghệ nhân Quàng Văn Cá, xuất phát từ mong muốn gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, mấy năm gần đây, ông đã đào tạo, truyền dạy các nghi thức mình nắm giữ cho hơn 20 học trò. Phần lớn sau khi được truyền dạy, học trò của ông đều thực hành thuần thục. Anh Quàng Văn Hưởng, xã Ẳng Tở - học trò của nghệ nhân Quàng Văn Cá chia sẻ: Không dễ để thấm nhuần được tất cả những nghi thức mà thầy truyền dạy bởi lượng kiến thức rất nhiều, song nhờ sự chỉ bảo tận tình của thầy cũng như mong muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Khơ Mú, cơ bản chúng tôi đều nắm được “hồn” của các lễ hội và thực hành một cách thuần thục.

Trong xu thế hội nhập, di sản văn hóa dân tộc không chỉ được coi là tài sản có giá trị giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách cho thế hệ trẻ mà còn là một nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Xác định tầm quan trọng đó, Dự án khởi nghiệp “DTEC - Gìn giữ nghề thêu truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Ðiện Biên” mà Câu lạc bộ Thêu truyền thống, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Ðiện Biên phát triển có ý nghĩa không những định hướng nghề nghiệp, mà còn góp phần vào quá trình giữ gìn, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Ðược thành lập từ đầu năm 2021, câu lạc bộ đã thu hút nhiều học sinh, sinh viên nhà trường tham gia. Chị Mai Thuỳ Dung, thành viên câu lạc bộ cho biết: Tham gia câu lạc bộ, các em đều là người dân tộc thiểu số như: Thái, Mông, Dao... và đặc biệt, các em đều là những người có niềm đam mê, yêu thích và biết may vá, thêu thùa các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình.

Cũng theo chị Mai Thuỳ Dung, hàng tuần, ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ sẽ tổ chức sinh hoạt từ 1 đến 2 buổi để giáo viên hướng dẫn cách thêu và các thành viên bổ sung, góp ý hoàn thiện sản phẩm của mình. Bên cạnh đó, để nâng cao tay nghề cho các em, nhà trường đã mời các nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy và hướng dẫn từng đường kim mũi thêu, ý nghĩa của các hoa văn, họa tiết của dân tộc... Nhờ đó, các sản phẩm là những chiếc túi vải được thêu tay truyền thống, làm thủ công tỉ mỉ của câu lạc bộ ngày càng hoàn thiện và đẹp hơn. Ðặc biệt, các họa tiết, hoa văn trên sản phẩm cũng thể hiện chính nét văn hóa đặc sắc của từng dân tộc với nguyên liệu thân thiện với môi trường. Ðiều này cho thấy, các em thật sự tâm huyết với văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Là tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa truyền thống riêng, từ trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, tín ngưỡng... điều này tạo nên sự phong phú, đa dạng trong bức tranh đa sắc màu các dân tộc. Do vậy, để góp phần lưu giữ truyền thống, bản sắc văn hoá các dân tộc, thời gian qua, các cấp, các ngành cũng đã có nhiều chương trình, hành động thiết thực. Ðiển hình như chương trình tuyên truyền, giáo dục và hoạt động trải nghiệm tại trường học do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Sở Giáo dục và Ðào tạo triển khai với nội dung “Phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2020 - 2025” là một trong những chương trình góp phần giúp thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống văn hóa của dân tộc.

Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên cơ sở trao đổi, thống nhất với trường học và các đơn vị liên quan tại các huyện, thị trong tỉnh, Bảo tàng tỉnh sẽ là đơn vị trực tiếp thực hiện, phối hợp cùng trường học (chủ yếu là trung học cơ sở và trung học phổ thông) để thực hiện hoạt động tuyên truyền, trải nghiệm về những nét văn hóa truyền thống các dân tộc tại Ðiện Biên. Từ đó giúp học sinh có cái nhìn khái quát, hiểu biết hơn về các dân tộc trên địa bàn, nâng cao ý thức, trách nhiệm về công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ trong thời đại công nghệ số. Ðến nay, sau thời gian triển khai, chương trình đã thực hiện tại 6 trường. Qua phân tích, đánh giá, chương trình đã mang lại hiệu quả tích cực. Học sinh cơ bản thích thú tham gia. Ðặc biệt, thông qua các hoạt động trải nghiệm đã tạo không khí vui vẻ, sôi động; từ đó giúp học sinh có những kiến thức cần thiết về văn hóa dân tộc trên địa bàn; đồng thời hiểu sâu hơn về cách thức tiến hành cũng như các ý nghĩa tốt đẹp của văn hóa truyền thống được hun đúc từ xa xưa…

Nói về trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc, anh Ðặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu hóa đang ngày càng tác động đến mọi mặt của đời sống thì vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, “hòa nhập không hòa tan” đang trở thành mối quan tâm lớn của xã hội. Văn hóa có sức mạnh vô cùng to lớn, có tác động đến mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Vì vậy, việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay, nhất là đối với lực lượng đoàn viên, thanh niên.

Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top