Nghệ nhân Lường Văn Phối

Hết lòng với tính tẩu

09:28 - Thứ Bảy, 23/09/2023 Lượt xem: 7072 In bài viết

ĐBP - Mỗi dịp cuối tuần, trong căn nhà của nghệ nhân Lường Văn Phối, bản Hột, xã Mường Ðun (huyện Tủa Chùa) lại vang lên thanh âm tính tẩu. Vừa thiết tha ngọt ngào, vừa gần gũi bình dị.

Nghệ nhân Lường Văn Phối, bản Hột, xã Mường Ðun, huyện Tủa Chùa truyền dạy cách sử dụng đàn tính cho thanh thiếu niên địa phương.

Tuần nào cũng vậy, mỗi chiều thứ bảy, thanh thiếu nhi bản Hột tập trung tại nhà ông Phối. Trong căn nhà sàn ấm cúng, các cháu cùng nhau tập múa, tập hát, được nghe tiếng đàn tính và được ông Phối chỉ dạy từng động tác, điệu múa của dân tộc Thái. Gắn bó với tiếng đàn, tiếng hát và điệu xòe của dân tộc Thái, không chỉ thành thạo đàn và chế tác tính tẩu, đến nay ông Phối đã dàn dựng, phát triển được nhiều bài múa khác nhau trên nền tảng 6 điệu xòe cổ xưa của người Thái như: Múa xòe, múa quạt, múa khăn. Không chỉ dạy trực tiếp cho thanh niên, phụ nữ, người dân trong bản mà ông Phối còn đến các trường học trên địa bàn xã để dạy cho các cháu học sinh tiểu học, trung học cơ sở trong các buổi học ngoại khóa.

Chị Lường Thị Nghĩa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mường Ðun cho biết: Với mong muốn truyền dạy niềm đam mê tính tẩu cho thế hệ trẻ, chúng tôi đã liên hệ với các đơn vị trường và nghệ nhân Lường Văn Phối để tổ chức dạy cách đánh tính tẩu cho các cháu học sinh. Nhờ thực hiện thường xuyên, hiện nay nhiều cháu ở độ tuổi THCS, THPT đã biết cách gẩy đàn. Qua anh Phối, không chỉ có các cháu học sinh mà chúng tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm, các kỹ năng như gẩy đàn, múa xòe, hát.

Say mê với cây tính tẩu của dân tộc Thái từ bé, ông Phối ngày càng yêu thích âm thanh ngọt ngào, ấm nồng, tha thiết của nó. Tiếng đàn tính, lời hát then cùng ông lớn lên từng ngày. Bởi thế mà ông Phối quyết tâm học đàn, rồi học cách làm ra những cây đàn tính tẩu. Hiện nay, ông là người duy nhất ở xã Mường Ðun biết làm và sử dụng thành thạo cây đàn tính tẩu. Chính vì vậy, trong căn nhà sàn của mình, ông Phối dành riêng một chỗ để treo những cây đàn tính một cách trân trọng. Những chiếc đàn tính do ông Phối chế tác với đủ loại kích cỡ, cho cả người lớn và trẻ em. Trong đó, có chiếc đàn đã nhuốm màu thời gian, nhưng cũng có chiếc còn thơm mùi sơn mới.

Không chỉ được chiêm ngưỡng những chiếc đàn tính tẩu do ông Phối tự tay chế tác, chúng tôi còn được xem các điệu múa Thái cổ do ông Phối chỉ dạy tập luyện cho các thanh niên trong bản. Từng động tác uyển chuyển, nhịp nhàng phối với tiếng đàn tính tẩu mộc mạc của ông Phối khiến chúng tôi bị lôi cuốn theo. Khuôn mặt ông Phối rạng ngời với ánh mắt toát lên sự tự hào cùng nụ cười tươi của người nghệ sĩ “không chuyên”.

Thường xuyên đến nhà ông Phối để học chơi tính tẩu, em Quàng Văn Tiệp, bản Hột, xã Mường Ðun ngày càng thêm yêu thích cây đàn của dân tộc mình. Tiệp cho biết: Làm được đàn, đàn thế nào cho hay, cho trầm bổng thì không phải tự nhiên có được mà phải kỳ công học hỏi. Ðược ông Phối dạy, em đã biết cách đánh đàn tính tẩu hay hơn, đó là phải tuân thủ nguyên tắc đánh: Dùng ngón trỏ gẩy đi gẩy lại. Ðầu tiên gẩy từng dây đàn, sau đó gẩy đi gẩy lại 3 dây, rồi đếm từng dây để gẩy tạo thành nốt nhạc, thành giai điệu. Ðặc biệt các ngón tay phải thật uyển chuyển, đều nhau mới tạo âm hưởng du dương của đàn tính tẩu.

Là người con của dân tộc Thái, được sinh ra trong chính cái nôi của văn hóa dân tộc mình nên ông Phối ý thức rất sâu sắc được việc giữ gìn văn hóa truyền thống. Ngoài việc chế tác những cây đàn tính, ông còn tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Ông Phối chia sẻ: Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái nói chung, gìn giữ tiếng đàn tính tẩu là mong ước của tôi. Bởi tiếng đàn tính là tiếng lòng của người Thái. Cho đến bây giờ, điều mà tôi trăn trở nhất là làm sao có thể bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của cây đàn tính, làm sao để thế hệ trẻ nhận ra được tầm quan trọng của loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc từ bao đời nay. Với tấm lòng đam mê và tình yêu với bản sắc văn hóa dân tộc mình, tôi đã thành lập một câu lạc bộ về bảo tồn văn hóa dân tộc Thái của bản Hột. Câu lạc bộ đã thu hút đông đảo người dân tham gia, từ trẻ em, thanh niên nam, nữ đến những người già trong bản.

Với suy nghĩ còn sức khỏe còn cống hiến, ông Phối vẫn từng ngày cần mẫn miệt mài bên cây đàn tính. Bằng sự say mê, lòng nhiệt huyết cặm cụi so từng dây, từng phím gửi gắm tình yêu nghề vào từng sảm phẩm mà ông đã chế tác; góp phần quan trọng vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc trên các điệu múa, điệu hát và trên những chiếc đàn tính tẩu. 

Ông Ðặng Tiến Công, Phó phòng Văn hoá - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết: Ông Lường Văn Phối được nhiều người biết đến là người nặng lòng với văn hoá của dân tộc mình. Không chỉ đóng góp trong việc truyền dạỵ, lưu giữ văn hóa dân tộc, ông Phối còn xây dựng, củng cố phong trào văn hóa văn nghệ ở địa phương nhằm gìn giữ và phát huy những nét văn hóa dân tộc. Với sự nỗ lực, những đóng góp trong thời gian qua, hiện Phòng đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận nghệ nhân ưu tú cho ông Lường Văn Phối. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục động viên, khích lệ ông Phối duy trì việc chế tác, truyền dạy đàn tính cho thế hệ trẻ nhằm đưa loại hình âm nhạc này gần gũi và phát triển hơn trong cộng đồng dân tộc Thái. Từ đó, góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái tại địa phương nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung.

Minh Thảo
Bình luận
Back To Top