Vun gốc cho cây di sản vững bền

17:39 - Thứ Hai, 09/10/2023 Lượt xem: 6289 In bài viết

Với 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, gồm nhiều loại hình: Lễ hội, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội…, Hà Nội xứng danh là Thủ đô di sản.

Các nghệ nhân phường rối cạn Tế Tiêu (huyện Mỹ Đức) giới thiệu nét đẹp múa rối trong Lễ hội Thu Hà Nội.

Do có tính “động”, luôn chịu ảnh hưởng của đời sống kinh tế-xã hội, sự thay đổi của nếp sống hằng ngày, các di sản luôn đứng trước nguy cơ bị biến đổi, hoặc mai một. Dù đứng trước thách thức như thế, song thực tế, di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội đang trong một cuộc “phục hưng”.

Nhiều di sản văn hóa từng đứng trước nguy cơ mai một được hồi sinh mạnh mẽ. Điều này bắt nguồn từ các giải pháp đồng bộ: Hỗ trợ công tác truyền dạy, hỗ trợ nghệ nhân, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ văn nghệ dân gian hoạt động… Đã từng có lúc có những nghệ nhân “ngại” nói về những loại hình di sản văn hóa phi vật thể như ca trù, hát tuồng, hát dô…, bởi những ai say mê bị coi là “bất thường”. Nhưng bây giờ, các nghệ nhân nói về nghệ thuật trình diễn dân gian với thái độ rất mực tự hào.

Những cuộc hồi sinh

Nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Tam sửa soạn “đứng lớp” cho học viên tại Lớp bồi dưỡng nghệ thuật Ca trù tổ chức tại hội trường Ủy ban nhân dân xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng). Bà Tam vui lắm, bà chọn bộ áo dài mầu đỏ, vừa quý phái, vừa nền nã để lên lớp.

Bà dặn dò hai ca nương Mai Phương, Minh Thúy, những học trò “cưng” của bà trong những năm qua, trình diễn mấy tiết mục thị phạm. Còn bản thân, bà cầm cây đàn đáy ngồi kế bên. “Hồng hồng, tuyết tuyết, mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi…”.

Ca nương cất giọng, cùng lúc ấy, tiếng “tùng, dếnh” trầm đục của cây đàn đáy trên tay nghệ nhân hòa cùng giọng của ca nương trẻ. Vẫn là những buổi lên lớp, nhưng hôm nay, tâm trạng bà khác lạ. “Bản thân tôi đã tự nguyện dạy dỗ các cháu học viên suốt hàng chục năm qua. Hôm nay là lớp bồi dưỡng nghệ thuật ca trù do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Đan Phượng tổ chức.

Học viên có đến gần 50 người, từ nhiều xã, thị trấn ở Đan Phượng. Trong số này, không phải ai rồi cũng hát ca trù, nhưng khi mọi người hiểu cái hay, cái đẹp của ca trù thì sẽ trân trọng, lan tỏa nó. Đấy chính là cái mà ca trù cũng như các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có chỗ để tồn tại và phát triển”, Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Tam tâm sự. Đời ca trù của bà Tam buồn nhiều vui ít, nhưng không ngờ, “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa giời” khi các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ để ca trù được tiếp nối.

Ca trù đã được UNESCO ghi danh, nhưng thuộc nhóm các di sản cần được bảo vệ khẩn cấp. Điều ấy có nghĩa ca trù đứng trước nguy cơ thất truyền. Nhưng tính riêng tại Hà Nội, ca trù đã thật sự “phục hưng”. Hiện trên địa bàn có 16 giáo phường, câu lạc bộ ca trù đang hoạt động đều đặn, lưu giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ và phát triển thêm gần 20 làn điệu mới; trong đó, hơn 50 người có khả năng truyền dạy.

Thậm chí, nhiều câu lạc bộ còn biểu diễn định kỳ và thu hút khán giả. Câu chuyện “giải cứu” ca trù là hình ảnh đại diện cho quá trình hồi sinh của hàng loạt di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội. Di sản múa hát Ải Lao (phường Phúc Lợi, quận Long Biên) lại là một câu chuyện kỳ diệu khác. Dân gian có câu “phi Ải Lao bất thành Hội Gióng”. Hát Ải Lao là một thành tố không thể thiếu của Hội Gióng ở Phù Đổng (huyện Gia Lâm).

Nhưng khi đất nước chiến tranh, Hội Gióng dừng tổ chức thì múa hát Ải Lao cũng “nghỉ” theo. Đầu những năm 1980, khi Hội Gióng được khôi phục thì phần lớn những câu hát Ải Lao đã bị thất lạc. Thế rồi, múa hát Ải Lao đã “lật ngược tình thế”. Ngoài sự nhiệt tình của các nghệ nhân, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) tổ chức điền dã, nghiên cứu, sưu tầm tại địa phương cũng như tại nhiều tài liệu văn bản.

Từ đó, hàng chục điệu hát được các nhà nghiên cứu phát hiện, hồi sinh và trao lại cho các nghệ nhân để chỉnh lý, thực hành. Trước kia, cứ chuẩn bị Hội Gióng, người dân Phúc Lợi mới luyện tập để sang diễn thì nay, hát múa Ải Lao được trình diễn cả trong hội làng, giúp người dân ý thức, trách nhiệm hơn về việc gìn giữ. Hát trống quân ở Khánh Hà (huyện Thường Tín) - một điệu hát có từ thế kỷ 15 của người dân vùng ven sông Nhuệ - cũng có thời gian tưởng chừng biến mất.

Nhưng hiện giờ, Câu lạc bộ hát Trống quân Khánh Hà vừa tìm lại được nhiều câu hát, vừa sinh hoạt định kỳ bài bản và là một trong hai Câu lạc bộ đầu tiên của Hà Nội đạt chuẩn theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2020 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội. Đây là điều trước đây “nằm mơ” các nghệ nhân cũng không nghĩ đến.

Chiến lược bền vững

Nhiều năm gắn bó với công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản, Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) chia sẻ: “Với một số lượng di sản đồ sộ như vậy, chúng tôi phân loại theo nhóm để phân bổ nguồn lực cho phù hợp, ưu tiên những di sản có nguy cơ mai một, hoặc có những giá trị đặc biệt. Tuy nhiên, bảo vệ di sản không có nghĩa cứ có tiền đầu tư là xong.

Di sản thuộc về cộng đồng. Nếu cộng đồng không thực hành thì di sản sẽ không còn tồn tại. Bởi thế, ngành văn hóa phối hợp các địa phương, các cơ quan nghiên cứu thực hiện công tác hỗ trợ mở các lớp truyền dạy; gặp gỡ các nghệ nhân sưu tập, nghiên cứu, tìm tòi tư liệu để khôi phục những di sản đang từng bước mai một; nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương… Chẳng hạn riêng việc truyền dạy đã có nhiều ý nghĩa: Nghệ nhân được ôn lại kiến thức, được thực hành nên gắn bó hơn với di sản; người được truyền dạy có thêm kiến thức, từ đó nhân lên tình yêu, trách nhiệm với di sản”.

Tính đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tư liệu hóa được khoảng 40 di sản có giá trị. Việc tư liệu hóa gồm: Sưu tập, ghi chép, lưu giữ bằng văn bản, hình ảnh các tư liệu về lịch sử ra đời, sự phát triển của di sản và các vấn đề liên quan; ghi hình, ghi âm trao đổi, trình diễn của các nghệ nhân…

Nhiều di sản vốn tồn tại chắp vá đã được hệ thống hóa thành bộ tư liệu hoàn chỉnh rồi trao lại cho cộng đồng dân cư, làm bộ tài liệu “chuẩn” cho công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Song song với hoạt động của ngành văn hóa, nhiều quận, huyện cũng tích cực vào cuộc, điển hình có thể kể tới huyện Đông Anh. Phó Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đông Anh, Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: “Đông Anh có một số di sản văn hóa phi vật thể như: Ca trù Lỗ Khê, rối nước Đào Thục, tuồng Xuân Nộn…

Mỗi năm, huyện cấp kinh phí 200 triệu đồng để mở các lớp tập huấn, truyền dạy tại các địa phương. Nhờ đó mà di sản trên địa bàn huyện không chỉ được gìn giữ mà còn luôn bảo đảm xây dựng được thế hệ nghệ nhân kế cận. Ngay như việc tìm được kép đàn trong ca trù là việc rất khó thì hiện nay, Giáo phường ca trù Lỗ Khê của chúng tôi cũng đã có người theo học đàn đáy”.

Cuối năm 2022, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ nhân và câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội.

Đây là bước đột phá lớn thể hiện sự quan tâm một cách đồng bộ đối với công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Nghệ nhân dân gian ngoài được trợ cấp hằng tháng, còn được hỗ trợ khi giảng dạy (Nghệ nhân Nhân dân được hưởng thù lao là 500 nghìn đồng/buổi, Nghệ nhân Ưu tú là 300 nghìn đồng/buổi). Các câu lạc bộ văn nghệ dân gian cũng được cấp kinh phí 20 triệu đồng mỗi năm để hoạt động.

Hiện nay, một số địa phương đã tổ chức được những lớp truyền dạy đầu tiên theo Nghị quyết số 23. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đang phối hợp với các địa phương chuẩn hóa hoạt động của các câu lạc bộ để có thể hưởng chế độ kinh phí. Nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) chia sẻ: “Việc xây dựng chế độ đãi ngộ của Hà Nội rất toàn diện, vừa động viên, khuyến khích nghệ nhân, vừa tạo môi trường cho các di sản văn hóa phi vật thể có thể tồn tại, phát triển”.

Mặc dù vậy, do luôn bị chi phối bởi bối cảnh xã hội, nếp sống người dân, di sản văn hóa phi vật thể luôn chịu sức ép biến đổi, mai một. Để bảo tồn một cách bền vững, cần nâng cao nhận thức của cộng đồng với di sản, nói cách khác, là nâng cao nhận thức của người thụ hưởng di sản. Phó Giáo sư Trần Lâm Biền chia sẻ: “Nghệ nhân vốn là những người chỉ biết thực hành di sản. Muốn bảo vệ di sản, cần phải tuyên truyền, giáo dục để nhân dân hiểu được, nhất là ý nghĩa sâu xa của di sản.

Chúng ta nghe ca trù chúng ta thấy hay. Nhưng hay như thế nào? Cần phải nói cho dân biết. Dân hiểu thì sẽ thích và sẽ bảo vệ”. Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Nếu việc truyền dạy là để xây dựng những lớp thế hệ nghệ nhân mới kế thừa vốn di sản, thực hành di sản thì giáo dục là để cho mọi người hiểu về di sản.

Một đứa trẻ có thể không thực hành di sản, nhưng khi được giáo dục về di sản, nó sẽ quan tâm bảo vệ và thụ hưởng di sản ấy. Một số địa phương ở Hà Nội đã làm công tác giáo dục di sản trong học đường rất tốt. Tôi mong rằng điều này cần được triển khai nhân rộng. Giáo dục cũng sẽ tạo ra lớp khán giả mới, giúp những loại hình diễn xướng dân gian có người xem. Đây chính là biện pháp để nuôi dưỡng di sản”.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top