Bức tranh toàn cảnh Panorama - thêm dấu ấn về Chiến dịch Điện Biên Phủ

07:32 - Thứ Hai, 29/04/2024 Lượt xem: 6823 In bài viết

Từng đặt chân đến miền đất lịch sử Điện Biên Phủ nhiều lần, nhưng chưa lần nào chúng tôi thấy hào hứng như lần này. Đó là trong không khí hân hoan cả nước hướng tới kỉ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu ( 7/5/1954- 7/5/2024 ).

Tác phẩm nghệ thuật được đầu tư công phu, sống động và được coi là tài sản vô giá, ghi dấu những giá trị về lịch sử và truyền thống chiến đấu anh dũng của quân và dân ta . 

Thời tiết của những ngày đầu hè cuối tháng 4 này khá nắng nóng nhưng không làm giảm đi sự hứng khởi của mỗi chúng tôi cho chuyến đi. Hòa cùng với hàng vạn du khách, người dân, các cựu chiến binh từ nhiều ngày nay trở về các địa chỉ đỏ làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, để cùng tìm hiểu về lịch sử, hồi tưởng về một chiến dịch huyền thoại của một quân đội non trẻ, nhưng bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, với ý chí quyết chiến, quyết thắng đã đánh bại một đế quốc thực dân hùng mạnh  bằng sự hy sinh, gian khổ của 9 năm trường kì kháng chiến và 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm.

Chúng tôi - những văn nghệ sĩ từ đất Tổ-Vua Hùng thực hiện chuyến đi tìm hiểu thực tế miền Tây Bắc lần này, mỗi người theo đuổi một ý tưởng với những cảm xúc riêng phục vụ cho công việc sáng tác, nghiên cứu của mình. Cung đường tới Điện Biên cũng là cơ hội cho chúng tôi được ghé thăm tìm hiểu những địa chỉ đỏ như: Ngã ba Cò Nòi – nơi 70 năm trước là “ yết hầu”quan trọng mà quân Pháp quyết ngăn chặn tuyến vận tải cho chiến trường Điện Biên của ta, nơi hàng 100 TNXP đã anh dũng hy sinh viết lên khúc tráng ca bất diệt; Nhà Tù Sơn La – nơi giam giữ hàng ngàn chiến sĩ cộng sản trung kiên của Đảng, xúc động trước sự chịu đựng tra tấn dã man của các tù nhân, những cuộc vượt ngục diệu kì…; Đèo Pha Đin – cung đường huyền thoại từng đi vào thơ ca nhạc, họa, nhà thơ Tố Hữu đã viết: Dốc Pha Đin chị gánh, anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát…; đến Mường Phăng - Sở chỉ huy chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh của quân đội ta; Hầm Đờ -Cát, Đồi A1, Nghĩa trang Liệt sĩ, Đền thờ liệt sĩ và Tượng đài chiến thắng; rồi cả những cuộc gặp mặt, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, sáng tác với lãnh đạo và văn nghệ sĩ các Hội VHNT Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên ấm tình đồng nghiệp… Nhưng ấn tượng nhất với chúng tôi – những người làm nghệ thuật trong chuyến đi này, ngoài cảm nhận về sự đổi mới phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Điện Biên, tốc độ đô thị hóa nhanh của Thành phố Điện Biên Phủ trong rực rỡ cờ hoa, hướng tới kỉ niệm 70 năm ngày chiến thắng, đó chính là Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ - nơi trưng bày những chứng tích của cuộc chiến. Đặc biệt là bức tranh Panorama (bức tranh toàn cảnh) tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ trong không gian chính của Bảo tàng.

Thú thực trước đây khi tham quan Bảo tàng này, nhìn từ bên ngoài tôi từng thắc mắc: Tại sao các kiến trúc sư lại tạo hình chiếc nón cụt ở vị trí trung tâm của Bảo tàng? dù hiểu rằng mô típ trang trí hình quả trám xung quanh liên tưởng đến tấm lưới ngụy trang trên mũ - một đặc trưng của bộ đội thời ấy, nhưng  không gian bên trong không có công năng sử dụng. Thì giờ đây, thắc mắc này đã được giải tỏa khi đứng trước bức tranh “khủng“ này. Nói vậy quả không sai, bởi là một người làm nghệ thuật, lại có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại, tôi đã từng đặt chân đến khá nhiều các bảo tàng lớn trên thế giới, nhưng đây là lần đầu tiên tận mắt chứng kiến một bức tranh qui mô và hoành tráng lại được thể hiện rất đẹp này tại Việt Nam.

Đây thực sự là một tác phẩm nghệ thuật được đầu tư công phu, sống động và được coi là tài sản vô giá, ghi dấu những giá trị về lịch sử và truyền thống chiến đấu anh dũng của quân và dân ta cho các thế hệ mai sau. Bức tranh tròn đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, có quy mô lớn nhất Đông Nam Á, được coi là một trong ba bức tranh đề tài chiến tranh lớn nhất trên thế giới. Tác phẩm này có chiều dài 132m, cao hơn 20,5m, (lớn hơn bức tranh tròn mô tả trận chiến Borodino nổi tiếng trong Bảo tàng chiến thắng ở Moscow dài 115m và cao 15m). Với phần mái vòm liền kề thể hiện mây, trời đã tạo ra một bức tranh có diện tích bề mặt lên đến 3.225m². Tranh được được thể hiện trên toàn bộ bề mặt phía trong hình chiếc nón cụt của Bảo tàng - tòa nhà hình trụ có đường kính 42m. Hơn 4.500 nhân vật và khung cảnh núi rừng Tây Bắc được tái hiện một cách chân thực và sống động qua bút pháp tài hoa của hơn 100 họa sĩ có năng lực diễn tả hiện thực, cùng những người giúp việc, tác phẩm được vẽ bằng chất liệu sơn dầu trên nền vải toan, trong không gian 360 độ. Các giai đoạn của Chiến dịch được tái hiện liên hoàn, kết hợp với các khối nổi và nhiều dụng cụ trong chiến tranh như súng ống, đạn dược, xe pháo, lều bạt và cả xác lính được sắp đặt như thật chuyển tiếp một cách ăn nhập với hình ảnh trong tranh, đã tạo nên một không gian vừa thực lại vừa ảo, gây ấn tượng mạnh với thị giác người xem.

 Nội dung bức tranh được chia làm 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hùng tráng, Cuộc đối đầu lịch sử và  Khải hoàn ca chiến thắng. Tất cả hình ảnh và sự kiện được xâu chuỗi, kết nối liền mạch theo diễn biến của chiến dịch, tạo cho người xem một cái nhìn đầy đủ, trực quan và sinh động nhất. Ở trường đoạn 1 với những hình ảnh trùng trùng các đoàn dân quân thồ hàng, lương thực lên Điện Biên, ra mặt trận với khí thế sôi nổi vượt đèo, băng suối thi đua lập thành tích cao nhất cho Chiến dịch. Những hình ảnh tái hiện trường đoạn 2, điểm nhấn là trận đánh tại Trung tâm đề kháng Him Lam ngày 13/3/1954, thể hiện quyết tâm giành thắng lợi ngay trận đánh mở màn Chiến dịch của quân và dân ta, khẳng định sức mạnh của pháo binh ta. Sau khi tiêu diệt Trung tâm đề kháng Him Lam, các lực lượng quân ta tiến đánh cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo và tiến vào Phân khu trung tâm Mường Thanh đánh chiếm các đồi phía Đông, trong đó có cứ điểm quan trọng đồi A1. Trường đoạn 3 - "Cuộc đối đầu lịch sử" tái hiện sự khốc liệt của chiến trường với hầm hào, dây thép gai, đánh giáp la cà, đặc biệt tại cứ điểm đồi A1. Đêm 6/5/1954, giữa trận địa là cột khói bốc cao, một ánh chớp lửa lóe sáng, kèm theo tiếng nổ lớn rung chuyển đồi A1, đó là tiếng nổ của khối bộc phá gần 1.000kg mà quân đội và Nhân dân Việt Nam đã nhiều ngày đêm khoét núi, tính toán tọa độ đặt trọn quyết tâm tiêu diệt cứ điểm trọng yếu đồi A1 của quân Pháp. Trường đoạn 4 - "Khúc khải hoàn ca chiến thắng" tái hiện hình ảnh đối lập những đoàn tù binh Pháp cùng lính đánh thuê đầu hàng với khoảnh khắc lịch sử 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm De Castries báo hiệu giờ chiến thắng sau 56 ngày đêm chiến đấu, hy sinh anh dũng  của quân và dân ta. Chiến thắng Điện Biên Phủ buộc Pháp ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc 9 năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ của dân tộc Việt Nam.

Có thể nói, đây là một công trình mỹ thuật hoàn hảo, có nội dung phong phú, sinh động, có hình thức thẩm mỹ đẹp, thể hiện năng lực và tay nghề của các họa sĩ Việt Nam trong việc thực hiện các công trình mỹ thuật hoành tráng. Để đảm bảo công chúng được khám phá bức tranh và có cái nhìn sâu sắc nhất, chân thực nhất về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, mỗi lượt trình chiếu, cán bộ của Bảo tàng hướng dẫn cho khoảng 30 - 40 khách tham quan lên vị trí quan sát. Không gian, âm thanh, ánh sáng, hình ảnh được kết hợp hài hòa với giọng thuyết minh truyền cảm, đã mang đến cho chúng tôi và  du khách cái nhìn toàn cảnh cùng sự hiểu biết sinh động nhất về  Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ qua bức tranh.

Được biết, ngay từ hơn 10 năm trước ( năm 2012 ), khi xây dựng Bảo tàng, ý tưởng về một bức tranh Panomara diễn tả tổng thể Chiến dịch Điện Biên Phủ đã được thiết kế trong Bảo tàng. Tuy nhiên, thời điểm đó chưa có tổ chức , cá nhân nào trong nước đủ năng lực, tự tin để đứng ra đảm nhận thực hiện một bức tranh qui mô và kích thước lớn như vậy. Tỉnh Điện Biên cũng đã từng mời cả chuyên gia nước ngoài đến khảo sát và lên phương án, nhưng cuối cùng cũng không thực hiện được, bởi họ cũng không hiểu hết được những đặc điểm, đặc thù huyền thoại của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Năm 2014, Công ty Bảo tồn di sản văn hóa đã đề xuất phương án thực hiện, cũng như ý tưởng xây dựng phác thảo, sau nhiều lần chỉnh sửa theo góp ý của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, cả các cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch… Phác thảo mới được phê duyệt và thực hiện, để giờ đây chúng ta có được công trình tầm cỡ này. Tác phẩm nghệ thuật này cũng đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam trao giải Nhất giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2022.

Nếu đã đến Điện Biên thì hãy ghé tham quan Bảo tàng chiến thắng Điện Biên và tận mắt chiêm ngưỡng bức tranh Panorama đặc biệt này để thêm hiểu, thêm yêu và thêm trân trọng những giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc.

Theo ĐCSVN
Bình luận
Back To Top