Phòng, chống mua bán người: Trách nhiệm không của riêng ai

09:48 - Thứ Tư, 26/07/2023 Lượt xem: 3104 In bài viết

Trước tình trạng mua bán người tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng đã, đang triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa.

Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả tốt, trách nhiệm này không của riêng ai, mà cần sự tham gia của nhiều người, nhiều phía, trước hết bắt đầu từ sự đề cao cảnh giác của mỗi người dân.

Chương trình truyền thông pháp luật về phòng, chống mua bán người và bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động do Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức, tháng 7-2023.

“Việc nhẹ, lương cao” chỉ là... mồi nhử

Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), những năm gần đây, nạn mua bán người diễn biến phức tạp và có sự chuyển hướng của tội phạm. Lý do là, số người bị ảnh hưởng về việc làm sau dịch Covid-19 tăng lên, nên nhiều người có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới. Nắm bắt mong muốn sớm có việc làm mang lại nguồn thu nhập cao của người dân, những đối tượng mua bán người thường lợi dụng danh nghĩa tuyển dụng lao động “việc nhẹ, lương cao” nhằm tiếp cận, dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin. Ngoài ra, thực tế xuất hiện tình trạng đối tượng trong nước kết nối với người ở nước ngoài lôi kéo người lao động không được đào tạo cơ bản sang hoạt động trong các tổ chức kinh doanh dịch vụ được cho là nhạy cảm hoặc kinh doanh bất hợp pháp. Đến khi người lao động làm việc không đáp ứng được những yêu cầu do chúng đưa ra và bị đối tượng buôn người đe dọa, yêu cầu người thân nộp tiền chuộc với số tiền lớn, thì nhiều người lao động mới biết bản thân là nạn nhân của nạn mua bán người…

Đáng chú ý, hoạt động của đối tượng mua bán người chủ yếu theo hình thức gián tiếp, sử dụng tài khoản ảo trong các hội, nhóm như: “Lao động việc nhẹ, lương cao”, “Cho nhận con nuôi”… thông qua mạng xã hội. Do đó, các cơ quan chức năng không dễ thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của các đối tượng. Địa bàn chúng đưa nạn nhân đến không chỉ là vùng ngoài biên giới như những năm trước, mà diễn ra ngay trong nước. Dẫn chứng là, thời gian gần đây, cơ quan chức năng điều tra, xử lý một số vụ mua bán người nội địa bằng hình thức lên mạng internet lừa gạt, dụ dỗ trẻ em gái dưới 16 tuổi, sau đó đưa vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động không đúng quy định…

Từ thực tế điều tra, Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm mua bán người (Cục Cảnh sát hình sự) nhiều lần nhấn mạnh, khái niệm “việc nhẹ, lương cao” chỉ là… mồi nhử hấp dẫn. Để phòng tránh nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán, trước hết, mỗi người dân, người lao động cần hết sức đề cao cảnh giác trước những thông tin đăng tuyển lao động không rõ nhà tuyển dụng, nơi làm việc, yêu cầu về trình độ, chuyên môn…

Hướng đến từng nạn nhân

Nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ người dân trở thành nạn nhân của nạn mua bán người, các cơ quan chức năng thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Trong đó, Hà Nội là một trong những địa phương tham gia tích cực, được các bộ, ngành chức năng ghi nhận, đánh giá cao.

Biện pháp đầu tiên và quan trọng được triển khai là tăng cường điều tra nhằm phát hiện kịp thời các vụ việc, đưa tội phạm ra “ánh sáng”. Kết quả, từ tháng 6-2022 đến 6-2023, các lực lượng chức năng phát hiện, điều tra, xử lý 65 vụ với 81 đối tượng, xác định 105 nạn nhân; tiếp tục điều tra, xác minh 57 vụ với 86 đối tượng nghi vấn mua bán 164 người. Cùng thời gian này, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cũng phát hiện kịp thời một số vụ việc…

Ngoài ra là các bên chung tay trợ giúp đưa nạn nhân trở về với gia đình, cộng đồng. Đồng hành với nạn nhân trên chặng đường hòa nhập là 425 cơ sở trợ giúp xã hội, phân bố đều trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, các địa phương giao nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về cho trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trung tâm công tác xã hội đóng trên địa bàn. Nhận được sự trợ giúp về nhiều mặt, cuộc sống của đa số nạn nhân dần ổn định.

Tuy nhiên, trong quá trình trợ giúp nạn nhân hòa nhập xã hội, các ngành, địa phương hiện gặp một số khó khăn. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, nạn nhân bị mua bán trở về thường có tâm lý mặc cảm, không khai báo thông tin, e ngại khi tiếp xúc với người xung quanh, đặc biệt là với đại diện các cơ quan chức năng. Điều này khiến lực lượng chức năng khó nắm bắt, thu nhập thông tin đầy đủ, chính xác để có cách thức trợ giúp phù hợp với từng người, hoàn cảnh. Ngoài ra, mức trợ cấp khó khăn ban đầu cho nạn nhân còn thấp, công tác hỗ trợ đào tạo nghề chưa đạt kết quả bền vững, nên con đường hòa nhập của nạn nhân còn đó những gian nan…

Chủ động gỡ khó, thành phố Hà Nội là một trong số ít địa phương có chính sách đặc thù hỗ trợ nạn nhân của hoạt động mua bán người trên địa bàn thành phố. Cụ thể, từ ngày 1-8-2020, trong thời gian tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, thì nạn nhân của hoạt động mua bán người trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ tiền ăn trong khoảng thời gian không quá 3 tháng; được cấp vật dụng phục vụ sinh hoạt trong thời gian tạm trú cùng một số mức hỗ trợ khác.

Góp phần tạo mạng lưới bảo đảm an toàn cho người dân, các bộ, ngành chức năng còn tăng cường hợp tác quốc tế và hợp tác liên ngành về phòng, chống mua bán người. Cùng với đó, các bên liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng nhận biết về “chiêu thức” tiếp cận nạn nhân của đối tượng mua bán, giúp người dân nắm rõ, chủ động tránh xa. Tất cả các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ được triển khai theo hướng coi nạn nhân là trung tâm, hướng đến từng người, phù hợp với từng hoàn cảnh, cố gắng không để ai bị bỏ lại ở phía sau.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top