Cần thay đổi trong xét nghiệm ung thư phổi để đáp ứng đặc điểm của bệnh nhân Việt Nam và châu Á

15:35 - Thứ Tư, 14/12/2022 Lượt xem: 5637 In bài viết

Theo công bố mới đây về đồng thuận của các chuyên gia y tế trên Tạp chí Ung thư lồng ngực (Journal of Thoracic Oncology), việc thay đổi hình thức chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ tại Việt Nam và châu Á là rất cấp thiết để đáp ứng tốt hơn đặc điểm của bệnh nhân trong khu vực.

Các chuyên gia nghiên cứu các phương pháp chẩn đoán phù hợp cho khu vực châu Á. (Nguồn: AstraZeneca)

Bệnh nhân châu Á chiếm khoảng 60% tổng số ca ung thư phổi trên toàn thế giới; trong đó, riêng Việt Nam có hơn 26.200 trường hợp được chẩn đoán mắc mới mỗi năm và gần 23.800 ca tử vong vào năm 2020.

Ung thư phổi là căn bệnh ung thư phổ biến và gây tử vong cao thứ hai tại nước ta; tuy vậy, các hình thức chẩn đoán và phác đồ điều trị ung thư trong nước và khu vực đang được thực hiện theo hình mẫu của Mỹ và châu Âu, nơi đặc điểm bệnh nhân và bệnh lý có những điểm khác biệt.

Điển hình, tỷ lệ đột biến gen EGFR (thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì) ở bệnh nhân châu Á cao hơn hẳn so với các khu vực còn lại. Đột biến này được tìm thấy ở hơn 50% bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ.

Việc xác định đột biến gene EGFR của các bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ có thể giúp bác sĩ xác định các phương pháp điều trị phù hợp, vì vậy, xét nghiệm EGFR có thể được xem như một “dấu ấn sinh học" lý tưởng để chỉ dẫn cho phác đồ điều trị. Tuy nhiên, khoảng hai phần ba số chuyên viên y tế ở châu Á được khảo sát cho biết chỉ chưa đến một nửa số bệnh nhân ung thư phổi của họ được thực hiện xét nghiệm dấu ấn sinh học này.

Dù hút thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi, nhiều bệnh nhân tại châu Á mắc ung thư phổi ở độ tuổi trẻ hơn lại chưa bao giờ hút thuốc, đặc biệt là phụ nữ tại châu Á khi so sánh với các khu vực khác trên thế giới. Bệnh nhân mắc ung thư phổi mà không hút thuốc lá sẽ có xu hướng xuất hiện đột biến gene EGFR cao hơn.

Theo TS, BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính, tại Việt Nam chỉ có khoảng 15% bệnh nhân mắc ung thư phổi còn sống sót sau 5 năm.

Để hướng tới mục tiêu giảm thiểu tử vong do ung thư phổi ở nước ta thì việc xét nghiệm đột biến gen hay dấu ấn sinh học là rất cần thiết, không chỉ ở giai đoạn muộn mà ngay cả ở giai đoạn sớm bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ vì sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ đặc điểm của bệnh nhân và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Điều này không chỉ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị, mà còn giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế khi phải điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn muộn.

Hiện nay, tỷ lệ tử vong do ung thư phổi đã có chiều hướng giảm nhẹ tại các nước phương Tây nhưng vẫn tiếp tục tăng ở châu Á trong suốt 2 thập kỷ qua. Các chuyên gia tin rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao do ung thư ở những quốc gia châu Á có thu nhập thấp và trung bình, trong đó, bao gồm việc bệnh nhân chưa được tiếp cận những phương pháp điều trị phù hợp cho mình.

Bản đồng thuận là kết quả của việc thảo luận chuyên sâu giữa các chuyên gia y tế từ nhiều quốc gia châu Á, được hỗ trợ bởi Liên minh Lung Ambition (LAA). LAA là hợp tác phi lợi nhuận được thành lập bởi AstraZeneca, Liên minh Ung thư Phổi Toàn cầu (GLCC), Guardant Health và Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Phổi Quốc tế (IASLC).

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top