Những bác sĩ trực cấp cứu

07:37 - Chủ Nhật, 26/02/2023 Lượt xem: 4283 In bài viết

ĐBP - Gắn bó với nhiệm vụ trực cấp cứu nhiều năm, các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu và gây mê phẫu thuật (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) đã tôi rèn cho mình sự nhanh nhẹn, quyết đoán và luôn trong tư thế sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân bất kể ngày, đêm; tạm gác lại việc riêng, cuộc sống gia đình để hết lòng, hết sức cứu chữa bệnh nhân.

Bác sĩ Mã Vương Long, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu và gây mê phẫu thuật (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) thăm khám bệnh nhân đang điều trị tại khoa.

Bác sĩ Mã Vương Long (sinh năm 1976), Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu và gây mê phẫu thuật đã ấp ủ ước mơ vào ngành Y từ khi còn nhỏ, để giúp đỡ nhiều bệnh nhân. Càng trưởng thành, ước mơ ấy của bác sĩ Long càng lớn dần và được thực hiện sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng không ngừng trên con đường đã lựa chọn. Năm 2005, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y Thái Nguyên, bác sĩ Long được phân về công tác tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên.

18 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Long luôn giữ lửa đam mê, tinh thần nhiệt huyết với nghề và tận tụy với bệnh nhân của mình. Làm việc tại khu cấp cứu, nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng, bác sĩ Long luôn cố gắng làm hết sức mình với tất cả cái tâm của người làm nghề y. Từng gặp các tình huống quá khích của gia đình bệnh nhân, bác sĩ vẫn luôn bình tĩnh xử lý và ưu tiên việc cấp cứu bệnh nhân lên hàng đầu, rồi sau đó từ từ giải quyết và trao đổi, giải thích với người nhà khi họ đã giữ được bình tĩnh để có sự hợp tác giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và bác sĩ.

Làm việc tại khoa cấp cứu, những ngày nghỉ trọn vẹn là vô cùng xa xỉ; nhưng bác sĩ Long chưa một lần than trách nghề vất vả, vì đó là một phần công việc, cuộc sống của anh. “Cán bộ ngành y không phân biệt ngày lễ, tết; có lịch phân công thì trực thôi. Không có nhiều thời gian cho gia đình; nhưng niềm vui lớn với chúng tôi là được cứu chữa bệnh nhân, đem lại niềm vui cho mọi người. Đặc biệt là bác sĩ trực cấp cứu thì lại càng không tính gì đến chuyện giờ giấc; nhiều khi vừa bưng bát cơm lên, có ca cấp cứu lại phải bỏ xuống để thực hiện nhiệm vụ. Bát cơm của y bác sĩ trực, phần nhiều là nguội lạnh, dẫu vậy vẫn phải gắng ăn để còn có sức khỏe làm việc. Đã nhiều năm rồi, tôi chưa đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình mình”- Bác sĩ Long chia sẻ.

Còn Bác sĩ Lường Văn Thoa, Phó khoa Hồi sức cấp cứu và gây mê phẫu thuật (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) đã có hơn 10 năm gắn bó với nghề. Bác sĩ Thoa trải lòng: “Nghề y vất vả, mà bác sĩ trực cấp cứu càng vất vả hơn, vì khi nào cũng trong tình trạng khấn cấp, bất ngờ; do đó, mọi người luôn phải trực với tâm thế sẵn sàng, luôn bình tĩnh, quyết đoán trong cứu chữa bệnh nhân. Bao nhiêu năm làm nghề, tôi không nhớ nổi đã cứu sống được bao nhiêu bệnh nhân. Dù bệnh nhân nặng đến đâu, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực cấp cứu “còn nước còn tát”; thậm chí đôi khi bệnh nhân đã ngưng tim, ngừng hô hấp, y bác sĩ vẫn cố gắng thêm bằng mọi cách. Nỗ lực hết cách, nhưng khi thấy bệnh nhân ra đi, ai cũng nặng lòng dù có thể chẳng nói thành lời…”.

Các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu và gây mê phẫu thuật (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) thăm khám, động viên bệnh nhân đang điều trị tại khoa.

Trong thời gian dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Nam. Bác sĩ Thoa cũng là một trong những bác sĩ tăng cường vào tỉnh Bình Dương 2 tháng tham gia cấp cứu, điều trị bệnh nhân mắc Covid - 19. Khi trở về nhà, anh còn trở thành bác sĩ của bản nơi mình sinh sống, bất cứ nhà nào có trẻ nhỏ ốm hay mắc ca bệnh nặng, mọi người đều đến nhà anh thăm khám đầu tiên.

Bác sĩ Nguyễn Thế Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Điện Biên cho biết: Khoa Hồi sức cấp cứu và gây mê phẫu thuật là khoa quan trọng, “đầu não” của Trung tâm Y tế huyện. Khoa có 3 bác sĩ, 6 điều dưỡng, tuy đảm nhiệm 2 nhiệm vụ là cấp cứu và cứu chữa những bệnh nhân nặng, thực hiện cả cấp cứu ngoại viện nhưng lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân. Trong quá trình khám, chữa khi cấp cứu bệnh nhân cấp cứu, các bác sĩ luôn phản ứng nhanh và đưa ra phương án điều trị sớm nhất có thể, nhất là những bệnh nhân cần cấp cứu kịp thời để vượt qua giai đoạn nguy hiểm trước khi chuyển tuyến hoặc chuyển sang khoa khác điều trị. Các y bác sĩ luôn thực hiện tốt 12 điều y đức; tiếp đón, xử lý kịp thời mọi trường hợp, không để xảy ra sai sót nào trong thời gian qua.

Dù có vất vả, mệt nhọc sau những ca cấp cứu, đêm trực dài, các bác sĩ , điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu và gây mê phẫu thuật của Trung tâm Y tế huyện Điện Biên vẫn vui và tự hào khi được góp sức phục vụ, chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Niềm vui với họ đơn giản chỉ là bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện trong tiếng cười với gia đình.

Bài, ảnh: Nhật Minh
Bình luận

Tin khác

Back To Top